Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

WHO chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần

194 thành viên trong Đại hội đồng y tế thế giới đã chính thức quyết định đưa nghiện game vào danh sách bệnh.

WHO chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần 0

Nghiện game "chung chiếu" với nghiện cờ bạc  

Trong danh sách bệnh và các vấn đề sức khoẻ của WHO (ICD-11), bệnh nghiện chơi game được đặt tên là "Gaming disorder”, liệt vào một dạng bệnh tâm thần, nằm chung với nghiện cờ bạc.

Từ năm ngoái, WHO đã đưa bệnh nghiện game vào bản dự thảo danh sách bệnh, sau đó đưa ra hội đồng biểu quyết và chính thức được thông qua. Bản sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.

ICD là một cơ sở cực kỳ quan trọng để phân loại bệnh và các vấn đề sức khoẻ, phục vụ công tác nghiên cứu dịch tễ học, chăm sóc sức khoẻ và điều trị lâm sàng.

Danh sách này có hẳn một chương dành cho “các rối loạn về tâm thần, hành vi và thần kinh.” Trong phiên bản 10 của ICD hồi năm 1990, người ta đã đưa nghiện cờ bạc vào. Bây giờ với phiên bản 11, game lại được thêm vào.

Từ năm ngoái, khi WHO bắt đầu đưa nghiện game vào dự thảo sửa đổi danh sách bệnh, hàng loạt những ý kiến, đặc biệt là các nhà làm game lẫn cộng đồng game thủ đều lên tiếng phản đối.

Có người còn cho rằng động thái này đã “liều lĩnh đánh đồng và bình thường hoá các vấn đề sức khoẻ tâm thần bình thường khác như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu xã hội.”

WHO chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần 1

Kỳ thực, nghiện game đã là vấn đề mà người ta nói tới rất nhiều từ những năm, trong cả giới chuyên gia y khoa, nhà tâm lý học, nhà làm luật, cho tới các nhà nghiên cứu, nhà phát triển game và cộng đồng game thủ.

Thế nào là nghiện game?

Theo ICD có 3 dấu hiệu nghiện game như sau:

1. Khi việc chơi game trở thành một thói quen, một hành vi thường xuyên và được ưu tiên hơn mọi hoạt động hàng ngày khác hoặc thậm chí là bỏ qua một bên.

2. Việc mất kiểm soát hành vi, ngay cả khi đã có những hậu quả tiêu cực xảy ra, hành vi chơi game vẫn không ngừng mà có dấu hiệu tiếp tục leo thang. Khi đó, chẩn đoán cho việc “rối loạn chơi game” sẽ được hình thành, dành một hành vi diễn ra dai dẳng, tái diễn nhiều lần ở mức độ nghiêm trọng.

3. Tình trạng suy giảm đáng kể và mất cân bằng những chức năng cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp… bao gồm cả những vấn đề về chế độ ăn uống, thiếu hụt trầm trọng hoạt động thể chất.

Việc WHO đưa nó vào danh sách bệnh tâm thần sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác thăm khám, điều trị, nhìn nhận xã hội lẫn sự phát triển của cả ngành công nghiệp game.

Những biểu hiện về cơ thể của nghiện game

Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân là do não quá bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực với những biểu hiện như mất ngủ, ác mộng, ngừng thở khi  ngủ...

Lơ là việc vệ sinh cá nhân: trẻ lười tắm giặt, gội đầu, đánh răng mà dành nhiều thời gian vào việc chơi game, mức độ tùy theo sự nặng của bệnh.

Ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường: trẻ thường ăn uống qua quýt, ăn những đồ ăn nhanh gọn như mì tôm, sữa, bánh mỳ... là những thức ăn không đủ chất, thậm chí những trường hợp nghiện nặng còn bỏ cả ăn.

WHO chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần 2

Đau đầu: thường gặp chứng đau đầu migrain vì trẻ tập trung vào chơi và phải nhìn vào màn hình quá lâu.

Khô mắt và đỏ mắt.

Đau lưng, đau tay, đau cổ do trẻ phải ngồi quá lâu ở một tư thế.

Hội chứng ống cổ tay: đám dây thần kinh, gân cơ ở giữa cẳng tay và cổ tay sưng lên do cử động quá nhiều khi làm việc với máy tính hoặc sử dụng chuột.

Hậu quả của nghiện game

Hậu quả về xã hội: trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè.

Hậu quả về giáo dục và nghề nghiệp: trẻ học hành giảm sút, bỏ thi, thi trượt, có thể bị lưu ban, bị đuổi học hoặc không thể xin việc được dù đã tốt nghiệp ngành nghề nào đó.

Những hậu quả về tâm lý, cảm xúc: trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình.

Hậu quả về gia đình, tài chính: trẻ không làm công việc trong gia đình, căng thẳng mâu thuẫn phát sinh, tiêu tốn tiền của bố mẹ, trẻ có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường...

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO