Báo Điện tử Gia đình Mới

Ngưng tim, ngưng thở - Tình trạng nguy hiểm và dễ gặp trong mùa đông

Tình trạng ngưng tim, ngưng thở có thể xảy ra đột ngột ở một người khỏe mạnh  và nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều người bị ngưng tim, ngưng thở trong mùa đông

Vào khoảng 4 giờ sáng, một người đàn ông 65 tuổi đang đạp xe đạp trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đột ngột bị ngất xỉu.

Người dân đi đường phát hiện đã gọi điện đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhờ trợ giúp. Nhận được thông tin, ngay lập tức một kíp cấp cứu gồm bác sĩ Hoàng Văn Hải, điều dưỡng Đỗ Thị Thủy và lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lên đường đến hiện trường.

Tại hiện trường, người đàn ông đã ngưng thở, tim ngừng đập. Một số người dân cảm thán “ông ấy không cứu được rồi, ông ấy đi rồi…”.

Khi tiếp cận bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Văn Hải nhanh chóng đánh giá tình trạng của bệnh nhân (bệnh nhân mất ý thức, ngưng thở, bắt mạch không có), xác định bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở), ngay lập tức kíp cấp cứu đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

  Nhiều người bị ngưng tim, ngưng thở được y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cứu sống thành công

Nhiều người bị ngưng tim, ngưng thở được y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cứu sống thành công

Bác sĩ Hải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân, còn điều dưỡng Thủy tiến hành khai thông đường thở, đặt ống nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ hô hấp cho người bệnh và lấy thuốc cấp cứu theo y lệnh của bác sĩ.

Lực ép tim phải nhanh, mạnh, đúng kỹ thuật được thực hiện liên tục khoảng 120 lần/phút được bác sĩ Hải tiến hành trong khoảng thời gian dài. Thấy thấm mệt, lực yếu là bác sĩ Hải và điều dưỡng Thủy lại đổi vị trí cho nhau để đảm bảo quá trình ép tim ngoài lồng ngực không bị ngắt quãng.

Quá trình ép tim, bóp bóng kéo dài liên tục hơn 30 phút thì bệnh nhân tái lập tuần hoàn trở lại, tức là tim đập được và tự thở được.

Sự việc diễn ra vào sáng sớm se lạnh mà cả người bác sĩ Hải và điều dưỡng Thủy đều ướt đẫm mồ hôi.

“Người dân xung quanh thì cho rằng bệnh nhân không qua được, nhưng với chúng tôi thì khác, người bệnh còn 1% cơ hội thì chúng tôi vẫn phải cố gắng hết sức để cứu sống họ” – BS Hoàng Văn Hải nói.

  Bác sĩ Hoàng Văn Hải - Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ về những khó khăn khi cấp cứu các bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện

Bác sĩ Hoàng Văn Hải - Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ về những khó khăn khi cấp cứu các bệnh nhân ngừng tuần hoàn ngoại viện

Trời thì nhá nhem tối, làm việc dưới ánh mắt soi mói, những lời bàn luận của người dân, thêm tư thế quỳ gối ngoài đường ép tim, bóp bóng cấp cứu cho người bệnh khiến công việc của y bác sĩ thêm khó khăn và bất tiện.

Khó khăn chồng chất khó khăn vậy mà kíp cấp cứu vẫn vượt qua tất cả để hồi sinh trái tim ngừng đập cho người bệnh. Khi bệnh nhân tái lập tuần hoàn trở lại, kíp cấp cứu nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến BV Trung ương Quân đội 108 để cứu chữa.

Đó chỉ là một trong số những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn được các y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội thực hiện thành công trong thời gian gần đây.

Mới đây là trường hợp của một bệnh nhân nữ (65 tuổi, ở Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đột ngột bị mệt, đau tức ngực rồi bất tỉnh, mất ý thức đột ngột vào sáng sớm.

Chồng của bệnh nhân đã gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhờ giúp đỡ. Và chỉ khoảng 5 phút sau, một bác sĩ và một điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã có mặt.

Kiểm tra tình trạng bệnh nhân thấy tim ngừng đập, không thở, không có mạch bẹn, y bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

Cùng một lúc, bệnh nhân được hỗ trợ khai thông đường thở, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, ép tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc cấp cứu… Hoạt động sơ cấp cứu được tiến hành liên tục trong khoảng 30 phút thì tim bệnh nhân đập trở lại, tự thở được và được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Được biết, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 10 trường hợp ngưng tim, ngưng thở tương tự được y bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cứu sống thành công.

  Nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn

Nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tập huấn cấp cứu ngừng tuần hoàn

Ngừng tim, ngừng thở có thể gặp ở mọi đối tượng

Theo bác sĩ Hoàng Văn Hải, các ca ngừng tuần hoàn mà Cấp cứu 115 Hà Nội tiếp nhận hầu hết là người có bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Bên cạnh đó là những người có tiền sử mắc đái đáo đường, bệnh đường hô hấp, người tập luyện thể thao quá sức khiến trái tim bị quá tải.

Ngừng tuần hoàn không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, thanh niên khỏe mạnh…, với mỗi đối tượng, bác sĩ sẽ áp dụng những cách ép tim khác nhau để cấp cứu.

Đáng lưu ý là ngừng tuần hoàn thường xảy ra nhiều hơn vào mùa đông, khi thời tiến chuyển lạnh, nhất là ở những người có sẵn các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.

  Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, tỷ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công trên thế giới chỉ 10%, một số khu vực chỉ có 2-3%.

Vậy nên, cứ 10 ca ngừng tuần hoàn mà cứu được 5 người đã được coi là rất thành công. Và thông thường, cấp cứu ngừng tuần hoàn cho người trẻ tuổi có tỷ lệ thành công cao hơn so với người già, do họ thường không mắc bệnh lý nền.

Nói thêm về về tình trạng ngưng tim, ngưng thở, bác sĩ Thắng cho biết, chỉ vài phút sau khi ngừng tuần hoàn, bộ não sẽ bị tổn thương không thể phục hồi, các cơ quan khác của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 3 - 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim.

Nhưng đa số người ngừng tuần hoàn không được phát hiện sớm, người nhà quá lo lắng nên vội vàng đưa bệnh nhân đi viện dẫn đến gặp phải những biến chứng nặng nền, thâm chí mất cả tính mạng.

Theo bác sĩ Thắng, cấp cứu ban đầu không tốt, bệnh nhân có thể tử vong hoặc bị tổn thương nặng không thể cứu chữa. Vì vậy cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện rất quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Do đó, “nếu phát hiện thấy người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Người dân có thể yêu cầu 115 hướng dẫn để cứu người bệnh" - Bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Ngoài việc được hướng dẫn sơ cứu đúng, nhân viên y tế có thể tư vấn cách di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường nguy hiểm nếu có. Đặc biệt, không nên tự ý di chuyển người bị ngừng tuần hoàn bằng taxi, xe máy vì có thể gây thêm tổn thương cho người bệnh.

Các bước tiến hành ép tim ngoài lồng ngực được tiến hành như sau: 

- Người cấp cứu đặt người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, nếu đang nằm sấp thì cẩn thận lật người bệnh lại. Nếu nghi ngờ người bệnh có chấn thương cột sống cổ, cố gắng lật cả người: đầu, cổ, thân, chân cùng lúc. 

- Một bàn tay đặt lên chính giữa 1/2 dưới của xương ức bệnh nhân, bàn tay kia đặt lên trên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ và cùng chiều nhau, dùng lực của hai tay, vai và thân mình ép vuông góc xuống lồng ngực của bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống  từ 4 - 5 cm. 

- Sau đó nhấc tay lên mà tiếp tục nhịp ép thứ hai, tốc độ ép tối ưu là 100 – 120 lần/phút. Với mỗi nhịp ép tim đúng kỹ thuật sẽ phải bắt được động mạch bẹn hoặc động mạch cảnh nảy. 

- Ép tim như vậy có thể giúp làm tống máu lên vòng tuần hoàn nhờ có lực ép trực tiếp lên tim kết hợp với làm thay đổi áp lực trong lồng ngực. 

Động tác này sẽ đưa máu từ thất phải lên trao đổi khí ở phổi, đưa máu từ thất trái lên tuần hoàn vành và tuần hoàn não, còn máu sẽ thụ động trở về nhĩ khi ngừng ép khiến tim giãn ra và áp lực trong lồng ngực giảm xuống. 

Cùng với việc ép tim ngoài lồng ngực, người tiến hành cấp cứu nạn nhân cũng cần khai thông đường thở và thổi ngạt cho nạn nhân bằng cách: 

- Kĩ thuật ấn trán - nâng cằm: dùng lòng bàn tay đặt lên trán và ấn ra sau làm ngửa đầu người bệnh, dùng tay còn lại nhấc hàm dưới lên đưa cằm ra trước.

 - Kĩ thuật đẩy hàm dưới được sử dụng khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ. 

- Có thể thổi ngạt trực tiếp kiểu miệng-miệng, mặt nạ thổi ngạt. Khi thổi ngạt, người cấp cứu dùng miệng thổi khí vào phổi người bệnh qua màng lọc, mặt nạ hoặc trực tiếp, thổi chậm trong vòng 1 giây đủ để thấy lồng ngực nhô lên. 

- Đầu tiên cần thổi 2 nhịp liên tiếp để đánh giá xem đường thở của người bệnh có thông suốt không, nếu không thấy lồng ngực nâng lên nhẹ nhàng thì cần mở miệng để phát hiện có dị vật hay không. 

Hai động tác ép tim và thổi ngạt phải được thực hiện xen kẽ nhau một cách nhịp nhàng theo các chu kỳ hồi sinh tim phổi.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO