Báo Điện tử Gia đình Mới

Người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối chiến đấu tới cùng để trao sự sống cho con

Tiếng khóc của bé trai 1,5kg khiến người mẹ trẻ bị ung thư vú giai đoạn 4 trào nước mắt. Chị mãn nguyện khi những cố gắng, nỗ lực chiến đấu với trọng bệnh của chị đã mang con đến với thế giới này...

Ca sinh mổ hy hữu: Phải sinh mổ trong tư thế ngồi

Chiều 22/5, gần 20 bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thực hiện hỗ trợ mổ sinh cho sản phụ Nguyễn Thị Liên 28 tuổi, quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bị ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn.

Chị Liên đang mang thai ở tuần thứ 31. Các bác sĩ Bệnh viện K nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con nên đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang hỗ trợ mổ sinh.

  Chị Liên chuẩn bị lên bàn mổ sinh.

Chị Liên chuẩn bị lên bàn mổ sinh.

PGS. TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương- người trực tiếp thực hiện ca sinh hy hữu này chia sẻ: "Nhìn sản phụ phải ngồi nghiêng, cúi người để thở, tôi cảm thấy dường như sự sống của chị rất mong manh, có thể ra đi bất cứ lúc nào nhưng vẫn cố gắng gượng sức lực ít ỏi cuối cùng để đón con chào đời. Tình mẫu tử thiêng liêng ấy khiến ê kíp phẫu thuật ngày hôm nay không ai giấu được sự thương cảm, nghẹn ngào".

Đây là một trong những ca sinh mổ rất hy hữu khi sản phụ không thể nằm nên các bác sĩ phải mổ cho cô ở tư thế ngồi. Đây là tư thế khó để thực hiện mổ sinh, bệnh nhân suy yếu nên các thao tác mổ phải đảm bảo nhanh, chính xác.

Người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối chiến đấu tới cùng để trao sự sống cho con 1


Khi mổ, ekip cũng không thể gây mê vì có thể bệnh nhân không tỉnh lại được vì thế chỉ gây tê tủy sống. Ca mổ diễn ra căng thẳng bởi nguy cơ có thể mất cả mẹ lẫn con.

Sau những giờ phút căng thẳng, tiếng khóc của bé trai 1,5kg khiến người mẹ trẻ và ê kíp phẫu thuật trào nước mắt.

Bé Đỗ Bình An đến với thế giới này bằng nghị lực, quyết tâm và tình yêu thương vô bờ của mẹ Liên và không thể thiếu sự chăm sóc, quan tâm đặc biệt của các bác sĩ Bệnh viện K mỗi khi mẹ con khó thở, đau đớn; hay những lần kiểm tra hàng tuần của bác sĩ Bệnh viện 103, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sự phát triển của con.

Ngay sau khi ca mổ thành công, bé Đỗ Bình An được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh tiếp nhận cấp cứu đưa vào lồng ấp và chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ê kíp còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ. Và sau đó là cuộc chiến khác với hy vọng cứu người mẹ.

Người mẹ trẻ quyết chiến đấu với ung thư vú để giành sự sống cho con trai

Chia sẻ với chúng tôi, bà Ngân mẹ chị Liên kể, khi mang thai được 8 tuần, chị Liên thấy xuất hiện u cục ở vú nhưng chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường nên không thăm khám.

  Ảnh: Nguyễn Khánh

Ảnh: Nguyễn Khánh

Đến khi kèm triệu chứng ho nhiều, cơ thể mệt mỏi, tức vùng ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức thì chị Liên mới đến Bệnh viện K để khám.

Kết quả cho thấy, ung thư vú giai đoạn tiên triến (giai đoạn 4) đã di căn. Bác sĩ Bệnh viện K đã phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn sức khỏe ung bướu và thai kỳ để bệnh nhân và gia đình cân nhắc lựa chọn để quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Nhưng không đắn đo suy nghĩ, chị Liên quyết giữ lại thai nhi. Người mẹ trẻ hy vọng mình có thể cầm cự đủ lâu để con có thể chào đời. 

Người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối chiến đấu tới cùng để trao sự sống cho con 3


Bác sĩ Nguyễn Tiến Đức - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K
cho hay, bệnh nhân vào viện khi thai được 22 tuần, tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp khó thở, tràn dịch màng phổi.

Sau khi gia đình thống nhất ý kiến quyết tâm giữ con thì bệnh viện đã hội chẩn liên bệnh viện với các chuyên gia của Bệnh viện 103, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thống nhất cố gắng duy trì em bé ở trong bụng mẹ được ngày nào tốt ngày ấy.

Bệnh nhân nhập viện điều trị 2 đợt hóa trị khi thai kỳ ở tuần 22 với sự theo dõi sát sao của bác sĩ nhiều chuyên ngành, kết hợp khám thai định kỳ, đánh giá sự phát triển của thai nhi.

Tất cả thuốc bệnh nhân sử dụng đều được các bác sĩ 2 chuyên khoa sản và ung bướu cân nhắc cẩn thận để không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi.

Khi thai nhi trong bụng ngày một lớn thêm, ở tuần 28, 27 thì người mẹ trẻ đã thấy khó thở, xuất hiện hạch dày đặc. Hơn 2 tháng nằm viện, bệnh nhân không thể nằm thở được mà phải ngồi 24/24h, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng, mệt mỏi đau đớn do ung thư vú đã di căn xương, phổi...

Trước khi lên bàn mổ, chị Nguyễn Thị Liên nói với giọng yếu ớt: "Em chỉ mong ca mổ chiều nay diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh, em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mẹ mong con một đời bình an". 

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO