Nguyên tắc ăn dặm cơ bản cha mẹ cần nằm lòng

Bình luận

Việc tuân thủ theo một số nguyên tắc ăn dặm, được các nhà khoa học đúc kết, có thể giúp cha mẹ và bé vượt qua giai đoạn này một cách thành công.

Nguyên tắc ăn dặm cơ bản cha mẹ cần nằm lòng 0

Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) đã đúc kết được một số nguyên tắc ăn dặm, vừa giúp cho quá trình nuôi dưỡng bé trở nên khoa học và thuận tiện, vừa là cơ sở để bé đạt được cho sự phát triển, tăng trưởng hoàn thiện nhất. Đó là những nguyên tắc ăn dặm nào?

Nguyên tắc ăn dặm đầu tiên là nguyên tắc ngọt - mặn.

Khi mới bắt đầu cho bé ăn dặm, nên giới thiệu cho bé những loại bột ngọt gần với sữa mẹ hoặc sữa công thức để bé dần quen và thích nghi với thức ăn lạ. Sau đó, mới từ từ chuyển dần sang các loại bột mặn, chứa nhiều chất dinh dưỡng bổ sung,  phù hợp với độ tuổi phát triển của bé.

Nguyên tắc thứ 2 là nguyên tắc ít - nhiều.

Cha mẹ cần cho bé ăn dặm từ ít tới nhiều dần để hệ tiêu hóa của bé quen dần với việc tăng lượng và thành phần thức ăn, tránh trường hợp hệ tiêu hóa bị "quá tải".

Để bé không phản ứng với những thức ăn lạ, và hệ tiêu hóa của bé có thời gian quen dần với "cường độ lao động" cao khi phải xử lý những thức ăn phức tạp, bạn nên cho bé ăn theo nguyên tắc "loãng - đặc". Lúc đầu, cho bé ăn thật loãng, sau đó ăn đặc dần.

 Ngoài ra, bạn cần nhớ, dù bé đang trong giai đoạn ăn dặm nhưng vẫn cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu cho sự phát triển của em bé theo nguyên tắc "tô màu chén bột". Đó là nhóm bột đường (gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai… ); nhóm đạm (gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu/đỗ khác…);  nhóm chất béo (gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu)  và nhóm vitamin và khoáng chất (gồm rau củ và các loại trái cây tươi). Việc nêm mắm muối trong giai đoạn ăn dặm của bé được khuyến cáo là không nên bởi nó có thể dẫn tới hại thận, gây ảnh hưởng tới sự phát triển trong tương lai của bé.

Nguyên tắc cuối cùng nhưng lại là nguyên tắc rất nhiều bà mẹ không tuân thủ được - đó là "không ép trẻ ăn". Từ tâm lý ép trẻ thì trẻ mới ăn, nhiều bố mẹ đã vô tình gây ra tâm lý sợ thức ăn của trẻ, khiến bé không hợp tác trong quá trình ăn dặm. Theo các bác sĩ, thay vì ép trẻ ăn, bố mẹ nên tạm ngưng ít ngày (5-7 ngày) rồi sau đó tập luyện lai để bé không còn căng thẳng nữa.

Bạn đang xem bài viết Nguyên tắc ăn dặm cơ bản cha mẹ cần nằm lòng tại chuyên mục Ăn dặm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo