Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Bạch Mai thông tin về nhiễm độc thủy ngân và những nguy cơ với sức khỏe

Hiện đã có 12 người đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, xét nghiệm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Chiều 30/8, thông tin về mối lo ngại đối với sức khỏe của người dân xung quanh vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội), ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sáng nay, bệnh viện có tiếp nhận 2 người dân khu vực gần vụ cháy tới thăm khám, xét nghiệm.

Ngoài ra, 10 phóng viên trực tiếp tham gia tác nghiệp hiện trường vụ cháy cũng đến xét nghiệm máu với các biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Ai có nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân cao nhất?

Theo BS Nguyên, tổng số 12 người đến khám đều có chung biểu hiện là đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Dựa vào thăm khám trực quan ban đầu, tất cả các trường hợp trên đều đang ổn định, không có triệu chứng quá đặc biệt.

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng và có nguy hại tới sức khỏe hay không còn chờ vào kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu.

  ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời báo chí về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời báo chí về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

“Nếu bị ngộ độc thì đây là ngộ độc kim loại, nên cũng rất khó để có những biểu hiện cụ thể. Nên để đánh giá chính xác, phải chờ kết quả xét nghiệm. Chúng tôi sẽ cố gắng để có thông tin sớm nhất cung cấp cho báo chí”, bác sĩ Nguyên nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, đứng về phía chuyên môn y tế, trong một vụ cháy sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm độc khác nhau phụ thuộc vào môi trường, cơ sở sản xuất và đặc thù sản phẩm… Bởi vậy, trong nhiều trường hợp mà nạn nhân có thể bị ngộ độc khí (CO), hơi nóng, hay nguy cơ nữa cũng cần tính đến là ngộ độc thủy ngân.

Do đây là cơ sở sản xuất bóng đèn, thủy ngân ở trong môi trường nóng, cháy sẽ bốc hơi sản sinh ra các khí độc gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyên, người dân cũng cần phải thật bình tĩnh, bởi ngộ độc thủy ngân phải tính đến rất nhiều các yếu tố như: nồng độ, thời gian tiếp xúc, môi trường khép kíp hay không khép kín hay thậm chí là chiều gió…

Ngoài ra, nếu ngộ độc, nguy cơ cao nhất, dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm: Lính cứu hỏa, công nhân trực tiếp tham gia cứu hỏa, hít phải hơi nóng, sau đó là trẻ em, người già, người đang mắc bệnh có xu hướng cần phải hít thở nhiều…

“Không thể khẳng định được tất cả mọi người tại chỗ hay ở xa đểu nhiễm thủy ngân. Tất nhiên nguy cơ ngộ độc sẽ có nhưng có thể cao hoặc thấp, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao như lính cứu hỏa, công nhân hay người dân trực tiếp tham gia cứu hỏa, người ở lâu trong môi trường cháy, hít nhiều phải khí hơi nóng nên đi kiểm tra sức khỏe”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Cần làm gì khi bị nhiễm độc thuỷ ngân?

Theo BS Nguyên, khi phát hiện người nghi nhiễm độc thủy ngân việc đầu tiên cần làm là phải nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi môi trường khí độc. Sau đó tiến hành rửa da, mắt bằng nước sạch tại chỗ. Có thể dùng nước lọc, nước máy… Rồi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám, điều trị.

BS Nguyên cũng cho biết, hiện nay, không có cách nào có thể giải độc thủy ngân tại chỗ. Cách tốt nhất là sơ cứu tại chỗ nạn nhân như trên rồi gấp rút chuyển người đó tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

“Tại bệnh viện, sẽ có rất nhiều cách để giải độc thủy ngân. Trong đó phổ biến và khá hiệu quả là thuốc giải độc. Do vậy, cách tốt nhất là nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển nạn nhân tới bệnh viện”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, mối nguy hại nhiễm độc thủy ngân tại nhà dễ gặp nhất đó là thủy ngân trong nhiệt kế, vỡ ra rồi gây độc. Tuy nhiên, nguy cơ này cũng không cao, kể cả việc người nuốt nhầm phải thủy nhân trong nhiệt kế, trừ trường hợp mắc bệnh về tiêu hóa hoặc nuốt quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu thủy ngân trong nhiệt kế bị vỡ, chảy ra ngoài, người dân tuyệt đối không được dùng máy hút. Bởi quá trình hút sẽ làm nóng, dễ gây ngộ độc. Chúng ta có thể loại bỏ thủy ngân bằng cách gạn hoặc quét đi.

Về việc nguy cơ nhiễm độc của người dân xung quanh vụ cháy Công ty Rạng Đông, bác sĩ Nguyên cho biết, hiện tại tất cả chỉ mang tính chất dự đoán, để khẳng định chính xác, cần phải có kiểm tra, đo lường về môi trường, chất lượng không khí, nguồn nước…

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO