Báo Điện tử Gia đình Mới

Những ca bệnh đặc biệt, những hồi sinh đặc biệt của Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh viện Phổi Trung ương ngày càng thay đổi toàn diện. Hàng loạt các ca bệnh đặc biệt, ấn tượng chính là kết quả trả lời cho sự nỗ lực thay đổi vì bệnh nhân.

Những ca bệnh đặc biệt, những hồi sinh đặc biệt của Bệnh viện Phổi Trung ương 0

Đối đầu với hàng loạt ca bệnh khó

Trong năm 2018, có thể nhận thấy nhiều tín hiệu đáng mừng từ Bệnh viện Phổi Trung ương với thể hiện rõ nét nhất là số lượt khám chữa bệnh tăng lên 116 nghìn lượt, trong khi đó, con số này ở năm 2017 là 89 nghìn lượt. Nhiều ca bệnh đặc biệt cũng đã tạo dấu ấn cho Bệnh viện Phổi Trung ương trong năm vừa qua.

Cách đây không lâu, 9/8, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện ca mổ bắt thai cho một bệnh nhân bị chít hẹp khí quản.

Điều đặc biệt, Bệnh nhân nhập Bệnh viện Phổi Trung ương từ tuần thai 17, trong trường hợp bệnh nặng với tình huống cấp cứu nguy hiểm tính mạng.

Bệnh nhân đã nhận được sự hỗ trợ của các bác sĩ từ ngày đầu nhập viện cho đến khi mẹ tròn con vuông và gần như mọi chi phí trong phẫu thuật đều được Bệnh viện hỗ trợ tối đa. 

Trước đó, đầu năm 2018, Bệnh viện Phổi Trung ương từng tiếp nhận điều trị, cứu sống thành công trường hợp bệnh nhân bị ho ra máu sét đánh. Anh Đào Duy Quân (sinh năm 1983, ở tại Hoàng Mai, Hà Nội) từng có tiền sử khoẻ mạnh nhưng đến cuối tháng 1/2018 có nhiều cơn ho ra máu dồn dập. Bệnh nhân vào Bệnh viện Phổi Trung ương để được thăm khám, điều trị.

  Hình ảnh bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Hồi sức Gây mê, Bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra cho bệnh nhân Quân

Hình ảnh bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thành Long, Trưởng khoa Hồi sức Gây mê, Bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra cho bệnh nhân Quân

Bác sĩ tại đây đánh giá, đây là một ca bệnh rất khó, bệnh nhân hiếm khi được cứu sống. Bởi vì, bệnh nhân bị giãn động mạch phổi gây ho ra máu tắc nghẽn và việc “ho ra máu sét đánh” là chứng bệnh diễn biến rất nhanh sẽ khiến các bác sĩ không kịp trở tay, bệnh nhân giống như kiểu bị cắt tiết gà, máu chảy ra từ động mạch phổi, đóng đông thành từng cục và bít tắc đường thở, chỉ một vài phút sẽ suy hô hấp, trụy tuần hoàn. 

Việc khó khăn nhất của ca bệnh này là chẩn đoán nhanh và đúng bệnh. May mắn, nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, anh Duy Quân đã được cứu sống một cách thần kỳ.

Để làm được những kết quả trên, Bệnh viện Phổi Trung ương đã nỗ lực đồng bộ, chuẩn hoá toàn diện. Cụ thể, Bệnh viện đã chuẩn hoá và phát triển kỹ thuật chuyên khoa đầu ngành, mở rộng kỹ thuật đa khoa hỗ trợ hiệu quả cho chuyên khoa.

Đồng thời, Bệnh viện cũng chú trọng xây dựng và triển khai áp dụng trong toàn Bệnh viện 100 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình về công tác chuyên môn, kết hợp tăng cường tự giám sát và giám sát, đảm bảo đúng quy định và an toàn người bệnh.

  Tổng số lượt khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017 (tỉ lệ 1:1000)

Tổng số lượt khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017 (tỉ lệ 1:1000)

Bộ Y tế cũng duyệt bổ sung danh mục 114 kỹ thuật, trong đó Bệnh viện đã triển khai thực hiện được trên 65% tổng số kỹ thuật, đồng thời cũng triển khai thành công 24 kỹ thuật mới, lần đầu tiên, Bệnh viện cũng chuyển giao hiệu quả cho hệ thống mạng lưới toàn quốc. 

Chưa kể, công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi trung ương đã đảm bảo an toàn, ổn định và phát triển, nhờ đó, Bộ Y tế cho phép bệnh viện triển khai khám sức khoẻ, buồng khám Sản khoa đi vào hoạt động ổn định. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện cũng chỉ đạo cho cán bộ nhân viên nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật mũi nhọn. Đồng thời, cơ sở hạ tầng được tăng cường và bắt đầu phát huy hiệu quả, hướng tới xây dựng Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mẫu mực.

Vừa qua, ngày 4/1, Đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế tiến hành phúc tra, kiểm tra tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Bộ Y tế đã đánh giá cao những thành tích của Bệnh viện đã đạt được trong năm qua với mức điểm đánh giá trung bình đạt đến 4,06. 

  Sự phát triển về chuyên môn, cơ sở vật chất giúp Bệnh viện này thu hút được nhiều bệnh nhân người nước ngoài tới điều trị. Ảnh: PGS. TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi cùng bệnh nhân

Sự phát triển về chuyên môn, cơ sở vật chất giúp Bệnh viện này thu hút được nhiều bệnh nhân người nước ngoài tới điều trị. Ảnh: PGS. TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi cùng bệnh nhân

Tiến tới chinh phục “ghép phổi” bằng năng lực bản thân

Ngày 7/8/2018, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng Bệnh viện E thực hiện mổ cắt khối u trung thất bằng phương pháp mổ mở ngực có sử dụng máy tim phổi nhân tạo.

Đây là kỹ thuật mổ phức tạp cần phải có Phẫu thuật viên có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại ở một cơ sở Phẫu thuật lồng ngực lớn mới có thể triển khai được.

Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong các ca mổ tim mở, nhưng đối với phẫu thuật mở lồng ngực, phẫu thuật phổi thì nó được coi là ca phẫu thuật đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này.

  Máy tim phổi nhân tạo được trang bị để tiến tới thực hiện các ca ghép phổi và phẫu thuật phức tạp

Máy tim phổi nhân tạo được trang bị để tiến tới thực hiện các ca ghép phổi và phẫu thuật phức tạp

Những ca bệnh đặc biệt, những hồi sinh đặc biệt của Bệnh viện Phổi Trung ương 5
Hiện kỹ thuật ghép phổi đã được chúng tôi chuẩn bị đầy đủ nhân lực, khảo sát nhu cầu, cũng như đánh giá bệnh nhân. Đến nay đã có khoảng 20 người trong danh sách chờ ghép phổi.
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung

Tại buổi trao đổi, học tập kinh nghiệm với Hội Phổi Pháp Việt được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2018, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương từng chia sẻ:

”Đến đầu năm 2019, Bệnh viện sẽ hoàn toàn chủ động thực hiện phương pháp phẫu thuật ghép phổi. Hiện kỹ thuật ghép phổi đã được chúng tôi chuẩn bị đầy đủ nhân lực, khảo sát nhu cầu, cũng như đánh giá bệnh nhân. Đến nay đã có khoảng 20 người trong danh sách chờ ghép phổi”.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, ghép phổi không phải kỹ thuật dễ, chương trình ghép phổi thực hiện lại càng khó. Thách thức lớn nhất là đánh giá và chỉ định, nguồn tạng, kỹ thuật và cơ sở vật chất… Bệnh viện đang cố gắng ghép phổi bằng đúng thực lực của mình để người dân Việt Nam có thể được hưởng lợi từ kỹ thuật đó.

Để đảm bảo một lộ trình đủ dày, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp tục triển khai có hiệu quả đề tài cấp Bộ về ghép phổi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nâng cấp bổ sung thiết bị y tế hiện đại, hoàn thành bộ quy trình và các biểu mẫu liên quan, sàng lọc những người bệnh đủ tiêu chuẩn và người nhà người bệnh đồng ý cho phổi cũng như thành lập nhóm ghép phổi và sinh hoạt khoa học hàng tuần.

  TS. Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (người phụ nữ cầm hoa) đánh giá cao các hoạt động phòng chống Lao của Bệnh viện Phổi Trung ương

TS. Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (người phụ nữ cầm hoa) đánh giá cao các hoạt động phòng chống Lao của Bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh viện đã cử đoàn gồm 5 chuyên gia sang học tập tại trường UCSF về chương trình ghép phổi, đây được coi là cơ hội học tập, chuẩn hoá các quy trình, kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ phổi của người dân, giúp cho Bệnh viện hoàn thành sứ mệnh đạt chất lượng ngang tầm quốc tế. 

Từ những nỗ lực đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã được Đoàn chuyên gia Hội Phổi Pháp - Việt đánh giá Bệnh viện có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn để thực hiện kỹ thuật ghép phổi năm 2019.

Làm trọn sứ mệnh vì những người mắc bệnh Lao

Những ca bệnh đặc biệt, những hồi sinh đặc biệt của Bệnh viện Phổi Trung ương 7

Trong năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương đã nối tiếp sự sống cho hàng loạt các bệnh nhân mắc Lao từ việc hình thành và phát triển Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao.

Như câu chuyện của cô bé Trần Ngọc Diệu (dân tộc Nùng, sống tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn vùng núi. Bỗng nhiên, Diệu mắc Lao, gia đình gần như khốn đốn để lo các chi phí điều trị cho em, nhất là khi Diệu không hề có thẻ BHYT khiến quá trình điều trị càng gian nan.

Hiểu được hoàn cảnh đó, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao đã trao tặng em một thẻ BHYT, hỗ trợ tiền ăn cho 2 bố con Diệu trong những ngày nhập viện.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, việc hình thành và phát triển Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao sẽ giúp tất cả các bệnh nhân mắc Lao dù nghèo hay không và chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ tối đa điều trị, chi phí ăn, ở, đi lại… cho người bệnh cho đến khi khỏi bệnh. 

"Quỹ là chỗ dựa của các người nghèo, được hỗ trợ tất cả mọi chi phí để người nghèo không lo sợ tiêu tốn tiền bạc chữa bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều đó, sự tồn tại, phát triển của Quỹ hỗ trợ đều cần sự giúp đỡ của cộng đồng”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ. 

  Một trong số bệnh nhân mắc Lao gặp khó khăn được nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phòng chống lao

Một trong số bệnh nhân mắc Lao gặp khó khăn được nhận hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phòng chống lao

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh Lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh Lao và hòa nhập với cộng đồng, từ tháng 5/2018, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống Lao Quốc gia đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 chính thức phát động chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao và được nhân dân ủng hộ tích cực.

Có thể đánh giá, nhờ sự trợ giúp của Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao, nhiều bệnh nhân mắc Lao như được san sẻ một phần gánh nặng bệnh tật. 

Được thành lập năm 1957 với tên gọi Viện Chống lao, năm 1985, Viện được đổi tên thành Viện Lao và Bệnh phổi và năm 2009 được đổi tên thành Bệnh viện Phổi Trung ương.

Bệnh viện tổ chức thành 39 đơn vị khoa, phòng, trung tâm (9 phòng, 17 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng, 5 trung tâm). Số giường bệnh thực tế phục vụ người bệnh là 800, trong đó 120 giường thuộc Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao.

Bệnh viện Phổi Trung ương có 2 nhiệm vụ song song đó là khám chữa bệnh và chỉ đạo thực hiện Chương trình chống lao quốc gia và 2 lĩnh vực chuyên khoa không thể tách rời đó là bệnh lao và bệnh phổi.

Bệnh viện đã tổ chức cung cấp các dịch vụ y tế với 6 tiêu chí: an toàn, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận, toàn diện và hiện đại làm hài lòng người bệnh và nhân dân.

Năm 2018 Bệnh viện Phổi Trung ương lọt TOP 20 Thương hiệu nổi tiếng Đất Việt năm 2018; Top 20 dịch vụ chất lượng cao được người Việt tin dùng 2018 đối với dịch vụ chất lượng cao được người Việt tin dùng năm 2018 đối với dịch vụ Khám, chữa bệnh đa khoa theo yêu cầu.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO