Báo Điện tử Gia đình Mới

Những cô gái bỏ phố về rừng bảo tồn động vật hoang dã

Bảo tồn động vật hoang dã là công việc đòi hỏi sự mạnh mẽ, vững vàng cả về thể chất và tinh thần. Vậy khi những cô gái làm công việc bảo tồn sẽ thế nào?

Con gái làm bảo tồn vất vả thế nào?

Trịnh Thị Mai, cô gái 9X từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học môi trường của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Cô cũng từng được nhận học bổng toàn phần Erasmus Mundus để theo học ngành Sinh thái học ứng dụng và bảo tồn của ba trường Đại học tại Châu Âu.

Với những tấm bằng danh giá như thế thì Mai không chọn công việc văn phòng hay một viện nghiên cứu nào đó ở các thành phố lớn.

Thay vào đó, Mai đang là Điều phối viên Chương trình Bảo tồn loài Cầy vằn của Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam.

  Trịnh Thị Mai giám sát tê tê sau tái thả sử dụng công nghệ radio tracking

Trịnh Thị Mai giám sát tê tê sau tái thả sử dụng công nghệ radio tracking

Mai chia sẻ “Nếu so với những công việc văn phòng, ngồi điều hòa mát mẻ trong những ngày nóng nực thì công việc bảo tồn thực sự là một thử thách để nhiều bạn nữ phải cân nhắc.

Đó là công việc đòi hỏi phải sống và làm việc ở trong rừng nhiều ngày liên tiếp. Điều kiện sinh hoạt trong rừng thì sẽ khó khăn hơn.

Đó là những chuyến đi bộ hàng chục cây số, những bữa ăn tinh giản và những chỗ nghỉ “ngàn sao” ban đêm.

Những ngày không đi rừng thì có thể là sẽ đi khảo sát thực tế, những ngày mà đầu đội trời, giày đạp chân phanh, di chuyển hàng chục cây số dưới trời nắng nóng”.

Cũng chọn bỏ phố về rừng, Lê Thị Hồng Nhung, một cô gái với mong muốn được giúp đỡ và bảo vệ các loài động vật hoang dã đã bỏ thủ đô về với Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) để chọn nghề làm bác sĩ thú y.

Công việc của Nhung rất đặc thù, đó là làm việc ở phòng khám, hàng ngày tiếp xúc với động vật hoang dã.

Nhung chia sẻ, các động vật được cô chữa trị chủ yếu được chuyển về từ các vụ buôn bán trái phép. Chúng đều mang bản năng hoang dã cộng với việc phải chịu nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần nên rất nguy hiểm khi tiếp cận và điều trị.

“Chúng tôi gặp phải nhiều áp lực rất lớn khi có những đợt cần cứu chữa và phục hồi cho hàng chục, hàng trăm cá thể động vật. Nhiều ca bệnh phức tạp đòi hỏi phải theo dõi và chăm sóc ngày đêm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng là lực lượng cần ứng biến nhanh, nên khi có các chuyến giải cứu động vật chúng mình cũng phải di chuyển theo đoàn cứu hộ ở những nơi rất xa, bất kể thời gian nào” – Hồng Nhung cho hay.

Còn với Kim Anh, một người phụ nữ đã kết hôn và bận con nhỏ nhưng cô vẫn gắn bó hơn 6 năm với nghề bảo tồn. Là một người đã quen sống và học tập ở môi trường thành phố, việc xa gia đình và làm việc với một tổ chức bảo tồn mới thành lập trong rừng cũng đòi hỏi Kim Anh phải thay đổi nhiều để thích nghi.

Nhất là từ khi có con gái nhỏ, cùng con gái sống tại rừng Cúc Phương trong khi chồng vẫn làm việc ở thành phố, Kim Anh càng phải nỗ lực nhiều hơn.

“May mắn thay, chồng và gia đình đã ủng hộ lựa chọn của mình, để con gái đồng hành và trải nghiệm cuộc sống ở rừng cùng mình trong hơn 4 năm đầu đời của cháu. Nhìn con gái chập chững những bước đầu tiên dưới tán rừng tươi đẹp, trong lành và bình yên cùng các cô chú đồng nghiệp ở trung tâm, và bạn bè đồng trang lứa trong khu làng, mình hạnh phúc với sự lựa chọn của hai mẹ con”, Kim Anh tâm sự. 

  Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Kim Anh khi dẫn cô con gái nhỏ vui chơi tại rừng Cúc Phương

Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình Kim Anh khi dẫn cô con gái nhỏ vui chơi tại rừng Cúc Phương

Nghề làm bảo tồn là nghề đòi hỏi sự mạnh mẽ, vững vàng cả về thể chất và tinh thần. Nhớ lại những khó khăn mà mình từng trải qua, Trịnh Thị Mai chia sẻ thêm: “Nhiều hôm nằm võng ngủ mà được mấy ngày thì cái màn rách, thế là cơ man nào là muỗi, là vắt. Những bữa ăn thì có gì ăn nấy, chủ yếu là ăn đồ khô. Những ngày đầu còn được ăn nhiều đồ tươi, mang thịt cá từ ngoài thị trấn vào, những ngày sau thì toàn là cá khô, cá mắm. Di chuyển thì leo bộ nhiều cây số, cả người lúc nào cũng ướt nhẹp vì mồ hôi và nước suối”. 

Giá trị của đam mê 

Công việc với không ít những khó khăn và không kém phần nguy hiểm nhưng những cô gái vẫn chọn sống với núi rừng, làm bạn với động vật. Bởi, đổi lại là những giá trị không nghề nào có thể có được.

“Nếu bạn làm một điều gì đấy vì đam mê, vì sự nhiệt tình và nhiệt huyết bạn sẽ thấy nó không hề vất vả, đó là một hành trình có nhiều bất ngờ. Có nhiều thứ được trải nghiệm mà không phải ai cũng có cơ hội được trải qua trong đời.

Đã mấy ai được ngủ lại nơi rừng sâu, mấy ai được nghe tiếng vượn hót hùng tráng lúc 5h sáng ở nơi hoang dã.

Đã nhiều lần mình đi thực địa vào rừng và là thành viên nữ duy nhất trong đoàn, các anh đi rừng nhiều thì khỏe rồi, mình chỉ lo theo không kịp.

Nhưng mà mình không hề bỏ cuộc, mọi người đi bao nhiêu, mình đi bấy nhiêu. Đi được vài lần tự dưng thấy mình khỏe hẳn ra, được hít thở không khí trong lành, ở nơi yên tĩnh không ồn ào, ngày ngày đi bộ nghiên cứu. Còn gì vui hơn?” Mai chia sẻ.

  Hồng Nhung đang siêu âm kiểm tra sức khỏe của tê tê tại phòng khám

Hồng Nhung đang siêu âm kiểm tra sức khỏe của tê tê tại phòng khám

Còn với Nhung, những thứ đáng giá nhất mà cô nhận được chính là khi động vật do chính tay mình chăm sóc mỗi ngày dần hồi phục, khoẻ mạnh hơn, nhanh nhạy hơn.

Nhung kể: “có những chú Tê tê hồi mới được cứu hộ mình mẩy đầy thương tích, có nhiều chỗ còn gần như sắp hoại tử, bế trên tay mà cảm giác run run, yếu đuối. Dần dần sức khỏe khá hơn từng ngày vì được chính tay mình và các đồng nghiệp chăm sóc.

Tê tê sẽ ở lại trung tâm khoảng 2 - 3 tháng như thế cho đến khi được trung tâm tái thả về tự nhiên, về lại ngôi nhà đại ngàn. Ngày mà chúng được tái thả thì mình vừa vui nhưng lại vừa buồn. Vui vì giờ chúng được về nhà, nhưng buồn vì có cảm giác giống như chia tay một người bạn vậy”. 

Với những cô gái này, tất cả những việc họ và các đồng nghiệp của mình đang làm là để gửi đến mọi người thông điệp, hãy bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên cho động vật hoang dã, để các loài đều được sống an toàn trong ngôi nhà của mình. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO