Những món khoái khẩu của người Việt lại là ‘thủ phạm’ khiến giun sán làm ổ trong cơ thể

Bình luận

Món ăn được chế biến tái, ăn sống trực tiếp là những món khoái khẩu của nhiều người Việt. Nhưng chính những món khoái khẩu này lại là thủ phạm khiến giun sán làm ổ trong cơ thể.

  Thường xuyên ăn đồ tái, sống sẽ bị nhiễm giun sán, đau bụng, đi ngoài

Thường xuyên ăn đồ tái, sống sẽ bị nhiễm giun sán, đau bụng, đi ngoài

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, chính thói quen thường xuyên ăn các món tái, sống, không ăn chín uống sôi, uống phải nguồn nước nhiễm bẩn, ăn phải các loại rau sống có trứng sán, ăn thịt có nang ấu trùng… là nguyên nhân khiến cơ thể nhiễm sán.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, một đốt sán rụng ra ngoài có chứa rất nhiều trứng sán, chỉ cần vô tình nuốt phải 1 đốt sán thì có nghĩa là ấu trùng sẽ chui vào thành ruột, đi xuống dạ dày và bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng. Mặc khác, dưới đoạn cổ của sán sẽ sinh sản dài dần ra, đến khi đốt sán dài quá sẽ rụng, theo phân ra ngoài và tiếp tục sinh sôi.

Khi cơ thể chẳng may nhiễm phải ký sinh trùng thì chúng có thể xâm nhập vào các cơ quan của cơ thể như xâm nhập vào não, phổi, gan, đường tiêu hóa… và gây bệnh.

Mỗi loại ký sinh trùng lại tấn công vào các cơ quan khác nhau và gây ra các bệnh khác nhau như giun lươn não, ấu trùng sán lợn tấn… công lên não; ấu trùng sán dây chó, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ… tấn công gan; sán lá phổi, giun đũa chó, giun lươn ruột… tấn công phổi…

Để tránh bị nhiễm sán, bác sĩ khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, thận trọng khi mua các loại thịt có biểu hiện bất thường, rửa rau sống nhiều lần dưới vòi nước chảy, ngâm bằng nước muối trước khi sử dụng. Bên cạnh đó, người dân nên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt nên hạn chế những món ăn tiềm ẩn nhiều giun sán dưới đây.

  Trong tiết canh có chứa vô vàn các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh khác nhau

Trong tiết canh có chứa vô vàn các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh khác nhau

Tiết canh

Có nhiều loại tiết canh khác nhau như tiết canh lợn, tiết canh dê, tiết canh vịt… Ăn tiết canh là ăn máu sống của lợn, dê, vịt… Trong máu sống của chúng có vô vàn các vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh khác nhau. Đặc biệt là khi ăn tiết canh lợn rất dễ cảm nhiễm với vi khuẩn liên cầu lợn và các loại ký sinh trùng, nhất là sán dây lợn. Vì vậy, để không mắc bệnh sán dây lợn cũng như một số bệnh hiểm nghèo khác do ăn tiết canh gây ra, mọi người cần bỏ thói quen ăn tiết canh càng sớm càng tốt.

Nem chua, nem chạo

Những người thường xuyên ăn nem chua, nem chạo, ăn gỏi lợn hoặc ăn thịt lợn nấu chưa chín, rất dễ mắc bệnh nhiễm giun xoắn. Khi chẳng may mắc bệnh nhiễm giun xoắn có thể gặp phải một số biến chứng như suy hô hấp, rối loạn tâm thần như cuồng sảng hoặc ngủ gà, huyết áp hạ, mạch nhanh nhỏ... Ngoài ra, không ít người ăn gỏi, ăn nem chua còn bị sán lá gan. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên ăn thịt lợn tái, gỏi sống, không ăn nem chua.

Ốc

Là loại động vật sống gần bùn nên có một lượng khá lớn các tạp chất trong cơ thể. Các món chế biến từ ốc thường được làm chín tới, chín tái, ít khi chín kỹ nên không thể tiêu diệt hết các loại ký sinh trùng có sức sống dai ở nhiệt độ cao và thời gian kéo dài.

Nếu những loại giun sán này được đưa vào cơ thể sẽ có thể kí sinh tại rất nhiều bộ phận nội tạng, gây ra những biểu hiện bên ngoài như phù chân, tay, nôn mửa, đau bụng, sốt, tiêu chảy…

  Ốc sống gần bùn nên chứa nhiều ký sinh trùng, nếu ăn ốc chưa chín kỹ dễ nhiễm giun sán

Ốc sống gần bùn nên chứa nhiều ký sinh trùng, nếu ăn ốc chưa chín kỹ dễ nhiễm giun sán

Rau sống

Ký sinh trùng không chỉ bám bên ngoài rau mà vào cả trong thân rau. Nhất là các loài rau thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống ao, rau cần, rau răm..., có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn và sán lá ruột lớn. Người ăn phải rau sống, rau nấu chưa chín có ấu trùng sán lá gan sẽ bị bệnh sán lá gan lớn hay bệnh sán lá ruột lớn.

Bên cạnh đó, các loại rau khác như rau cải, xà lách cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng qua nguồn chăm bón, tươi tiêu không đảm bảo... Những mầm bệnh ký sinh trùng bám vào rau gồm các loại trứng và ấu trùng giun sán. Nếu người ăn rau sống có trứng giun đũa sẽ bị bệnh giun đũa. Người ăn phải rau có trứng giun tóc sẽ bị nhiễm giun tóc. Người ăn phải trứng sán dây lợn sẽ bị bệnh ấu trùng sán lợn, ấu trùng ký sinh dưới da và ở não gây động kinh, co giật, liệt, nói ngọng, mù mắt…

Thịt bò tái, bít tết

Thịt bò nấu chín sẽ dễ bị dai và mất đi hương vị thơm ngọt. Vì thế đa phần mọi người sẽ chọn cách chế biến thịt bò tái. Món thịt bò tái khi đưa lên miệng, bên trong vẫn còn nguyên màu máu đỏ sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Theo các chuyên gia sức khỏe, ăn bò tái là cách nhanh nhất đưa ký sinh trùng vào cơ thể một cách nghiêm trọng. Thịt bò thông thường có chứa ký sinh trùng sán dây, màu trắng đục, thân dẹt phẳng, có nhiều đốt, có chiều dài từ 4-8 mét.

Bệnh sán dây trưởng thành chủ yếu gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu là người bị bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào.

Bệnh ấu trùng sán dây tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau (có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.

Bạn đang xem bài viết Những món khoái khẩu của người Việt lại là ‘thủ phạm’ khiến giun sán làm ổ trong cơ thể tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình