Những người không nên ăn bánh Trung thu kẻo rước thêm hoạ vào thân

Bình luận

Bánh Trung thu không chỉ có độ béo và ngọt rất cao mà còn chứa nhiều năng lượng. Do đó, ăn nhiều bánh Trung thu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

  Bánh Trung thu có rất nhiều đường và chất béo nên không tốt cho người thừa cân, béo phì, người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường... Ảnh minh họa

Bánh Trung thu có rất nhiều đường và chất béo nên không tốt cho người thừa cân, béo phì, người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường... Ảnh minh họa

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc sử dụng bánh Trung thu nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và gia đình, đặc biệt với những người thừa cân, béo phì, người bị đái tháo đường, người mắc bệnh tim mạch, cũng như các bệnh mạn tính khác.

Trong bánh có rất nhiều đường và chất béo, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng. Đường trong bánh lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, trong bánh Trung thu có chứa hương liệu và các chất bảo quản, nếu ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chia sẻ, về thành phần dinh dưỡng, bánh Trung thu rất ngọt và béo ngậy, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng.

Vì bánh giàu năng lượng từ đường và chất béo, với những trẻ gầy thì còn đỡ, với trẻ thừa cân béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng thì là một mối nguy cơ lớn tới sức khỏe.

Những trẻ gầy thì lại ít thích ăn, trẻ thừa cân béo phì sẵn sàng thanh toán gọn ghẽ, thậm chí bánh càng ngọt càng béo chúng lại càng thích.

Nếu ăn quá nhiều, ở trẻ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucse có thể gây ra tiểu đường. Còn ở trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.

Hơn nữa, ăn nhiều bánh Trung thu còn có thể gây khó tiêu do bánh có nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ cho trẻ ăn một miếng (bằng 1/8 chiếc bánh) sau bữa ăn là đủ.

Ăn xong trẻ cần súc miệng ngay để không sâu răng, đặc biệt là với bánh dẻo sẽ dính chặt vào răng gây sâu răng nhiều hơn.

Với trẻ béo phì, nên giới hạn lượng bánh được ăn trong ngày, khẩu phần ăn trong ngày sẽ trừ bớt phần do bánh cung cấp.

Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát lượng đường huyết tăng cao.

  Bánh Trung thu được làm từ nhiều loại thực phẩm và các chất phụ gia nên dễ có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Bánh Trung thu được làm từ nhiều loại thực phẩm và các chất phụ gia nên dễ có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Ngoài ra, bánh Trung thu được làm từ đa dạng các loại thực phẩm, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo màu, chất bảo quản, chất chống mốc)... Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: thực phẩm bị ôi thui, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,...), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng,...

Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, những đối tượng sau nên hạn chế ăn bánh Trung thu.

Người thừa cân béo phì: Chất béo và ngọt trong bánh Trung thu rất cao nên gây tăng cân, béo phì. Hơn nữa, nếu ăn quá nhiều, ở người thừa cân, béo phì còn có thể gây rối loạn dung nạp glucse và gây ra bệnh đái tháo đường.

Người bị đái tháo đường: Bánh Trung thu thường có nhiều đường và đường trong bánh lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Do đó, người bị đái tháo đường tốt nhất không nên ăn bánh Trung thu, nếu quá thèm thì nên chọn mua loại bánh ít đường, bánh dành cho người ăn kiêng và chỉ ăn một miếng nhỏ.

Trẻ nhỏ: Trong bánh Trung thu thường có nhiều đường nên dễ làm trẻ bị sâu răng và tạo thành các mảng bám xung quanh răng. Đồng thời, do bánh có chữa nhiều đường, nhiều đạm nên trẻ nhỏ ăn nhiều sẽ gặp phải tình trạng khó tiêu, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, khiến trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.

Người cao tuổi: Với những người có tuổi thường hay mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đường tiêu hóa hoạt động kém… nên sẽ không tốt khi ăn nhiều thực phẩm có đạm, đường cao như bánh Trung thu. Kể cả những loại bánh Trung thu không đường, bánh dành cho người ăn kiêng cũng gây hại nếu như ăn quá nhiều. Vậy nên, người cao tuổi chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ (khoảng 1/8 cái bánh) sau bữa ăn, cũng phải chú ý không nên ăn thường xuyên.

Phụ nữ mang thai: Bánh Trung thu thường có lượng đường cao nên bà bầu cần hạn chế ăn để tránh bị đái tháo đường thai kỳ. Hơn nữa, bánh trung thu chứa nhiều chất béo, calorie cao, dễ dẫn đến tăng cân quá mức ở phụ nữ có thai, ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi và dễ dẫn đến khó tiêu hóa.

Bạn đang xem bài viết Những người không nên ăn bánh Trung thu kẻo rước thêm hoạ vào thân tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
An Bình