Những tác hại của hạt chia có thể bạn chưa biết

Bình luận

Chia là một siêu thực phẩm và đang được sử dụng rộng khắp trên toàn thế giới. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, dùng chia có thể gây tác dụng phụ khi ăn quá nhiều.

Những tác hại của hạt chia có thể bạn chưa biết 0

Hạt chia là hạt của cây Slavia hispanica. Nó được coi là một siêu thực phẩm bởi chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo có lợi. Chỉ cần 28g hạt chia, bạn đã được cung cấp 42% lượng chất xơ khuyến nghị hàng ngày, cùng với rất nhiều phốt pho, magie, canxi, omega-3.

Không chỉ bổ, hạt chia còn được cho là có tác dụng chữa bệnh khi nó rất giàu chất oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính, giảm cân. Chia cũng chứa nhiều axit béo omega-3, giúp tăng cholesterol có lợi HDL và giảm cholesterol có hại LDL, hỗ trợ giảm mỡ máu và hạn chế viêm sưng.

Tác dụng phụ của ăn quá nhiều hạt chia

Tuy nhiên, ăn quá nhiều hạt chia thì dễ gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

1. Gây ra vấn đề về tiêu hóa

Theo các nghiên cứu khoa học, việc ăn quá nhiều chất xơ có thể gây ra các vấn đề như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi và khí. Những người mắc các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn có thể có các biểu hiện như đau bụng, chảy máu, tiêu chảy và sút cân.

2. Nguy cơ bị nghẹn

  Sử dụng hạt chia không đúng cách có thể gây ra nguy cơ bị nghẹn thở, nguy hiểm tới tính mạng.

Sử dụng hạt chia không đúng cách có thể gây ra nguy cơ bị nghẹn thở, nguy hiểm tới tính mạng.

Với những người bị gặp vấn đề về nuốt thức ăn, việc sử dụng chia càng cần phải thận trọng. Nguyên nhân là hạt chia có thể hấp thụ được lượng nước gấp 10-12 lần trọng lượng cơ thể và nở to ra, hình thành lớp gel bao phủ bên ngoài, gây tắc nghẽn đường thở. Để khắc phục tình trạng này, cần ngâm chia trong 5-10 phút để đảm bảo nó hoàn toàn nở hết rồi mới ăn.

3. Có thể liên quan tới ung thư tiền liệt tuyến

Hạt chi-a chứa một lượng axit béo omega-3 có tên alpha-linolen (ALA), tốt cho chức năng nhận thức và sức khỏe tim. Axit này được tìm thấy nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. ALA là sự bổ sung quan trọng, đặc biệt là cho những người không ăn được hải sản, bởi nó có thể chuyển hóa thành DHA và EPA.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được tiến hành trên 288.268 người đàn ông, các nhà khoa học nhận thấy có mối liên hệ giữa nguy cơ tiến triển bệnh ung thư tiền liệt tuyến với lượng ALA đưa vào cơ thể. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, lượng omega-3 có nhiều trong máu dẫn tới nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến cao.

Mặc dù vậy, vẫn có những nghiên cứu chỉ ra rằng ALA có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi ung thư tiền liệt tuyến. Cần lưu ý rằng, các nghiên cứu này chỉ chú trọng tới mối liên hệ giữa ALA với bệnh ung thư mà chưa tính tới các yếu tố khác.

Để đưa ra kết luận cuối cùng, vẫn cần thêm những nghiên cứu chuyên sâu khác.

4. Gây dị ứng

Dù khá hiếm gặp nhưng lịch sử y khoa đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị dị ứng khi ăn hạt chia. Biểu hiện gồm nôn,tiêu chảy, ngứa trong lưỡi và môi. Ở những tình huống nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng.

5. Giảm đường huyết và huyết áp

Sử dụng một lượng chia vừa phải có thể giúp bạn điều chỉnh được lượng đường huyết và huyết áp trong cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc điều trị 2 căn bệnh này, không ăn quá nhiều chia bởi nó có thể khiến thuốc hoạt động quá hiệu quả, gây ra tác hại với sức khỏe.

Bạn đang xem bài viết Những tác hại của hạt chia có thể bạn chưa biết tại chuyên mục Chỉ dẫn của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hiền Thảo