Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

[Nơi tôi sống] Làng hoa rực rỡ của đô thị vệ tinh kiểu mới

Quê ngoại sau 10 năm về với Thủ đô đã khoác lên mình tấm áo mới, đặc biệt là lối sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, giữa văn minh đan xen với kỷ niệm xưa cũ và loại bỏ dần dần những suy nghĩ, lối sống cổ hủ.

Mỗi khi có dịp về thăm quê mẹ tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên là tôi lại được đi trên con đường hoa mười giờ tuyệt đẹp đủ sắc mầu, ở đây người dân tự trồng hoa ven đường như hoan hỉ đón khách thập phương đến chơi hay những người con xa quê trở về.

Những bông hoa mười giờ khoe sắc trong nắng tạo nên nét đẹp của người dân khu vực ngoại thành Hà Nội.

Hoa được người dân trồng khắp làng bên cạnh là cánh đồng lúa xanh bát ngát.

Hoa được người dân trồng khắp làng bên cạnh là cánh đồng lúa xanh bát ngát.

Ngày 1/8/2008, người dân Hà Tây sau một đêm ngủ dậy đã trở thành công dân thủ đô, họ không còn là người dân tỉnh lẻ có đống rơm to nữa. Và cũng từ đó đến giờ biết bao sự đổi thay về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân khu vực ngoại thành.

Là công dân thủ đô chắc chắn sẽ cảm thấy vinh dự hơn vì dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An tuy còn có chút vương vấn “Hà Tây quê lụa” qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương.

Quê mẹ tôi là một ngôi làng thuần nông nhỏ ven đê sông Hồng, quanh năm bà con trồng lúa và làm thêm một số nghề phụ. Hà Nội ùa về với họ vẫn khá xa vời, đặc biệt là nếp sống mới của người dân thủ đô là văn minh và thanh lịch lúc bấy giờ chưa thể len lỏi vào văn hóa vùng miền cổ quê.

Ngày còn nhỏ, tôi thường đạp xe về quê mẹ chơi với ngoại. Tuổi thơ quê hương trên triền đê lộng gió thật đáng nhớ với những buổi chiều chăn trâu, thả diều hay đá bóng trên nền cát trắng xóa, mùi ngô non thơm nhẹ nhàng, đằm thắm.

Rồi mỗi khi chơi xong chạy thẳng về nhà tu gáo nước mưa mát lạnh, ăn củ khoai lang nướng của ngoại trong khói rơm lèm nhèm thật đáng nhớ biết bao.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điều cổ hủ và lạc hậu. Bây giờ có cơ hội ngẫm lại thấy quê ta có đôi chút buồn buồn, ví dụ như tôi hay hỏi ngoại rằng tại sao nhà này xây nhà hai tầng nhà bên cạnh phải xây ba hay chí ít là xây cao hơn một chút, hay tại sao nhà chú Lực xây hai cửa sổ lấy gió nhà ông Mò phải cố xây lan can cao lên để bịt cửa sổ lại, hay như cỗ đám cưới người ta làm nhiều và để thừa nhiều đến thế? Nhiều lắm, nhiều lắm, rất nhiều câu hỏi mà lớn rồi mới tự ngẫm ra được.

Trải qua một thập kỷ về với thủ đô, không chỉ quê ngoại mà rất nhiều vùng ngoại thành khác có sự thay đổi rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần đều chuyển biến rõ rệt.

Thấp thoáng đâu đó là xe buýt trên triền đê hay Hà Nội 12 mùa hoa trên loa phát thanh của làng. Vẫn còn đó mái đình cổ xưa, còn đó hồ sen ngan ngát hương nồng và những nét văn hóa mới len lỏi dần, thay thế lối suy nghĩ cổ hủ xưa.

Ngay dọc con đường từ cổng làng băng qua cánh đồng vào làng, hai luống hoa mười giờ trải dài hàng km xuất hiện làm ngỡ ngàng bao người con xa quê. Hoa nở màu rực rỡ nhất vào lúc nắng sang sảng, khoảng chín đến mười giờ sáng như hai dải lụa đầy sắc màu.

Ngày xưa, có “lỡ” trồng bụi hoa cho đẹp nhà, đẹp cửa thì bị mỉa mai là “cơm không đủ mà ăn còn hoa với hoét”. Giờ thì cơm cũng đã đủ ăn, hoa thì cũng đã khắp làng, khắp xóm.

Con đường làng không còn cống rãnh không nắp như ngày xưa, rộng rãi và sạch đẹp, nghe đâu đó mấy hộ dân còn phá tường rào đi nắn đường cho thẳng, rộng trong thời cuộc dân số và phương tiện giao thông tăng lên.

Tình làng nghĩa xóm đấy chứ đâu. Thế mà nhớ chục năm trước, nhà ông Ba Cơ cứ chềnh ềnh ra giữa đường, ông bảo đất nhà tao từ xưa tao muốn xây gì là việc của tao, giờ ông khuất núi rồi, mấy anh con của ông đành phá “di sản” đó đi để xây lùi vào.

Về thăm ngoại khi tóc ngoại đã bạc trắng nhưng hàm răng vẫn đều chăn chắt và đen sì, có lẽ bởi ngày xưa ngoại hay ăn trầu với vôi nên răng mới chắc được đến bây giờ.

Ngoại tuy cao tuổi nhưng vẫn minh mẫn, còn nhắc “sao lâu lắm rồi mới thấy mày về thăm tao, có phải công việc bận rộn quá hay tại mày quên ngoại, quên quê hương rồi không?”

Ngày xưa, nhà ngoại và mấy nhà hàng xóm đều thông sân vườn, rộng lắm. Trẻ con tha hồ chạy chơi rồi trèo lên hết cây này cành nọ, bây giờ thì nhà bê tông nào cũng mọc lên nhưng được cái quy củ hơn vì có lẽ họ không kinh doanh mặt đường như trên phố, mỗi nhà lại chòi ra một tí.

Tuy vườn tược giờ không còn nữa nhưng nhà nào cũng có một góc nhỏ trồng cây cảnh, giữ chút xanh mát cho ngôi nhà của mình.

Ở khe góc nhỏ vẫn còn một lối qua nhà hàng xóm, ấy là khi có việc gì ngoại ới hàng xóm cho dễ. Ngoại già rồi, con cháu không mấy khi ở nhà, có mấy anh bạn hàng xóm vẫn hơn.

Chạy ra cánh đồng làng, đường bê tông đã phủ kín mọi con đường, đó là kết quả của tiến trình xây dựng nông thôn mới ở làng, hệ thống thủy lợi chắc chắn.

Dường như việc làm nông của bà con bây giờ dễ dàng hơn trước rất nhiều khi có sự trợ giúp của máy móc công nghiệp. Trước làng nổi tiếng trồng nhiều lúa, bây giờ vẫn vậy. "Quê gái đảm" mà không trồng lúa làm sao "anh phi công bàng hoàngngỡmình bay trên gấm vóc" được?

Khắp đường làng, đường đồng đều treo các khẩu hiệu xây dựng đất nước, "xây dựng đời sống mới văn minh, sạch đẹp".

Ngay cả ở đồng cũng có thùng rác đựng vỏ thuốc trừ sâu, không còn vứt tràn lan ra kênh như trước. Giờ, làm đồng nhanh, họ ít ới nhau cùng đi làm như trước nữa, có khi nhà này xuống đồng nhà kia đã lên đồng.

May mà vẫn còn có tục tốt như hết gạo chạy sang nhà hàng xóm vay tạm hai bơ rồi mai lại mang gạo đi đổi bánh cuốn về chia giả.

Thấy mọi người nháo nhác ra nhà văn hóa ăn cỗ mới ngỡ ra rằng bây giờ đám cưới chủ yếu được tổ chức ngoài nhà văn hóa dưới sự chủ trì của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận,…

Điều đặc biệt, nghe ngoại kể, hôm trước đám cưới cái Na nhà bà Quýt được tổ chức theo hình thức mới, đó là tiệc ngọt ngắn gọn trong một hôm duy nhất, tiết kiệm được nhiều tiền cho đôi vợ chồng son.

Đám cưới như này tuy chưa nhiều nhưng cũng báo hiệu “mùa xuân” đang về và sẽ là xu hướng của các đám cưới tương lai, tiết kiệm và văn minh.

Quê ngoại sau 10 năm về với Thủ đô đã khoác lên mình tấm áo mới, đặc biệt là lối sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, giữa văn minh đan xen với kỷ niệm xưa cũ và loại bỏ dần dần những suy nghĩ, lối sống cổ hủ.

Vùng quê vẫn phủ lên mình tấm áo xanh ngắt của làng thêm vào đó là các hàng hoa mười giờ nhỏ tua tua khắp nơi, trẻ con không bứt phá như trước vì chúng được người lớn dặn là hoa làm đẹp cho đời nên không được bứt hay phá.

Thế nên, làng quê cứ đẹp lên từng ngày cho dù cơn bão đô thị hóa vẫn diễn ra rất mạnh mẽ trên khu vực nội thành.

Và cũng không mấy đâu, Phú Xuyên sẽ trở thành đô thị vệ tinh của thành phố, mang sắc màu tươi mới của văn minh đô thị về với vùng đất ngoại thành nhiều làng nghề và giàu truyền thống khoa bảng.

Tuy chưa thấy nhiều chung cư nhà cao tầng nhưng tôi đã thấy manh nha lối sống mới ở quê ngoại chuẩn bị cho những điều tươi mới sắp về trước mắt.

Ngày mai, tôi sẽ về quê ngoại trên tuyến xe buýt thân thiện, để hồi niệm cùng ngoại những kỷ niệm ấu thơ…

Nguyễn Thanh Hoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO