Báo Điện tử Gia đình Mới

Nữ hộ sinh 3 lần cách ly vì đỡ đẻ cho sản phụ mắc COVID-19

Liên tiếp 3 lần cách ly và nhiều lần phải đỡ đẻ trong trang phục y tế nóng bức là những kỷ đẹp và đáng nhớ trong suốt 30 năm làm nghề của nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng.

Lần đầu đỡ đẻ cho sản phụ mắc COVID-19

“Ca đẻ diễn ra suôn sẻ, thành công. Là cháu trai nặng 3,8 kg. Sản phụ và bé đều có sức khỏe tốt” – Đây là câu nói đầu tiên khi bước ra khỏi phòng sinh mà nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng (Khoa Ngoại sản, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) thông báo cho các đồng nghiệp của mình trong niềm vui vỡ òa của cả ê-kíp.

Mặc dù ca đỡ đẻ đặc biệt này đã diễn ra trong vài tháng những chị Hằng vẫn nhớ như in giây phút hạnh phúc đó.

Sản phụ là một bệnh nhân COVID-19 từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 17/7/2020 và được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định.

Bệnh nhân có tiền sử đẻ non, để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi, bệnh nhân đã được chuyển tuyến về BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.

“Hôm đó không phải ca trực của tôi, nhưng đồng nghiệp có việc bận nên tôi nhận trực thay. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc có sản phụ sinh từ đợt dịch đầu tiên. Khi tiếp nhận bệnh nhân đã sắp xếp ngay một ê-kíp riêng để khi có vấn đề sẽ đến hỗ trợ.

Bệnh nhân đến với chúng tôi khi thai được tuần 35, Khoa virus - Ký sinh trùng đã chuẩn bị sẵn sàng hết mọi thứ để chuẩn bị cho việc sinh thường ở khoa.

  Con của sản phụ mắc COVID-19 được nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng cùng đồng nghiệp đỡ đẻ thành công và được chăm sóc đặc biệt sau sinh

Con của sản phụ mắc COVID-19 được nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng cùng đồng nghiệp đỡ đẻ thành công và được chăm sóc đặc biệt sau sinh

Chúng tôi đã mang cả bàn đẻ, dụng cụ thuốc men và sắp xếp lại các thiết bị trong phòng để đảm bảo gần như giống với một phòng sinh bình thường ở Khoa Ngoại sản.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lên phương án đẻ mổ nếu quá trình sinh gặp phải khó khăn. Khi đó, nếu bệnh nhân nặng lên thì chuyển xuống phòng mổ riêng ở Khoa Ngoại sản dưới đường đi riêng, vì bệnh nhân đang dương tính SARS-COV-2.

Chúng tôi chỉ huy động số lượng vừa đủ cho kíp mổ và kíp đỡ đẻ vì đây là bệnh lây nhiễm. Kíp đỡ đẻ gồm 1 bác sĩ sản và 1 nữ hỗ sinh là tôi. Kíp mổ đẻ sẽ có 1 bác sĩ gây mê và 2 điều dưỡng, khi đẻ mổ kíp đỡ đẻ cũng sẽ xuống tham gia cùng” – Nữ hộ sinh Thu Hằng chia sẻ.

Dù đã có kinh nghiệm gần 30 năm làm nữ hộ sinh nhưng vì đây là ca đỡ đẻ đặc biệt (thai phụ mắc COVID-19) nên chị Hằng cũng có chút lo lắng. Bởi, thai phụ phải nằm cách ly riêng, thời gian chuyển dạ kéo dài 4 – 5 tiếng đồng hồ, cơn đau khi chuyển dạ cộng với tâm lý sợ hãi của người bệnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh em bé. Do đó, chị Hằng đã phải động viên, chấn an tâm lý cho bệnh nhân rất nhiều.

Trong suốt thời gian bệnh nhân chuyển dạ, nữ hộ sinh Hằng gần như không rời khỏi bệnh nhân. Theo dõi độ mở tử cung, cơn gò tử cung, sức khỏe của mẹ và em bé. Cùng với đó là những lời đồng viên tinh thần “Cháu thoải mái ra, yên tâm làm theo hướng dẫn của cô là mọi việc sẽ tốt đẹp thôi”; “Cháu cô gắng lên”…

Và mọi lo lắng, căng thẳng đã chuyển thành hạnh phúc vỡ òa khi nữ hỗ sinh Hoàng Thị Thu Hằng bước ra từ phòng đẻ thông báo với các đồng nghiệp: “Ca đẻ diễn ra suôn sẻ, thành công. Em bé chào đời ở tuần thứ 36 và là cháu trai nặng 3,8 kg. Sản phụ có sức khỏe tốt, sinh thường em bé an toàn, không mất máu”.

“Khi sản phụ mẹ tròn, con vuông thì không riêng gì tôi mà cả ê kíp đều rất hạnh phúc. Tuy đỡ đẻ trong trang phục y tế nóng bức nhưng có lẽ là một kỷ niệm đẹp với chúng tôi. Sau đây chúng tôi sẽ được cách ly y tế 14 ngày” – Chị Hằng vui vẻ nói.

  Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng theo dõi thai kỳ cho một thai phụ

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng theo dõi thai kỳ cho một thai phụ

Lần thứ 3 phải cách ly vì COVID-19

Sau khi bệnh nhân đẻ xong thì phòng đẻ và các thiết bị y tế đều được khử trùng. Các y bác sĩ đỡ đẻ cho bệnh nhân phải cách ly 14 ngày theo quy định để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Với chị Hằng, đây không phải là lần đầu cách ly vì COVID-19. Trước đó, nữ hộ sinh Hằng và các đồng nghiệp của mình cũng đã đỡ đẻ thành công cho hai sản phụ nghi nhiễm COVID-19 và phải cách ly sau khi hoàn thành ca đẻ.

Ngày đầu cách ly, chị Hằng và các đồng nghiệp phải tập quen dần với cuộc sống tập thể, vừa sinh hoạt, vừa chăm sóc người bệnh.

“Mọi liên lạc với người thân chỉ qua điện thoại. Mỗi lần nhận điện thoại của cháu, nghe cháu nói “con nhớ bà”, “bà ơi về với con” lại làm tôi ứa nước mắt” – Chị Hằng tâm sự.

Nhưng những sản phụ và các em bé sơ sinh cần người chăm sóc nên chị Hằng lại nhanh chóng gạt đi những cảm xúc của bản thân để tiếp tục công việc chăm sóc người bệnh của mình.

Chị lo lắng và chăm sóc cho sản phụ như một người mẹ chăm cho con gái. Không chỉ lo sức khỏe của bệnh nhân có tốt không, mà chị còn quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ, cảm xúc của sản phụ.

  Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng chăm sóc cho mẹ con sản phụ sau sinh

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Thu Hằng chăm sóc cho mẹ con sản phụ sau sinh

Là một trong những sản phụ được chị Hằng đỡ đẻ và chăm sóc, chị N.T.H. chia sẻ: “Khi đó tôi đang mắc COVID-19, thời điểm sinh con tôi rất sợ con sẽ lây bệnh từ mình.

Một mình trong khu cách ly không có người thân bên cạnh, lại trong thời điểm sắp sinh khiến tôi rất lo lắng. Nhưng may mắn có các y bác sĩ ở bên cạnh động viên và chăm sóc.

Đặc biệt là cô Hằng nữ hộ sinh đã quan tâm đến tôi rất nhiều. Dù là sinh con lần 2 nhưng tôi vẫn rất sợ và đau. Cô luôn động viên tôi cố gắng, hướng dẫn tôi cách chăm sóc bản thân và em bé trong bụng khi đang cách ly điều trị COVID-19.

Suốt mấy tiếng trở dạ cô cũng luôn ở bên cạnh động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Thời điểm sinh em bé ra an toàn tôi đã bật khóc vì hạnh phúc”.

Vui mừng, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chị H. lại phải xa con, vì 2 mẹ con phải cách ly riêng để theo dõi tránh dịch bệnh COVID-19 cho bé.

Thương con vì vừa sinh ra đã không được ăn sữa mẹ như những trẻ khác, thêm vào đó là tâm trạng buồn chán vì xa con, phải một mình trong khu cách ly nên chị H. trở nên trầm lặng hơn, ít giao tiếp với mọi người, ít đi lại, chỉ ngồi trong phòng.

“Những ngày đó các y bác sĩ sợ tôi bị trầm cảm sau sinh. Bởi trước đó, dù phải ở trong khu cách ly một mình nhưng tôi vẫn đi lại ngoài ban công, ra ban công ngắm khung cảnh bên ngoài, thi thoảng giao tiếp với các y bác sĩ.

Nhưng sau khi sinh em bé tôi chán nản vì xa con nên cũng ít giao tiếp với mọi người, ít đi lại.

Các y bác sĩ đã giúp đỡ tôi rất nhiều để vượt qua những ngày tháng đó. Niềm vui thực sự trở lại với tôi khi tôi nhân được thông báo mình khỏi bệnh.

Vì vui quá mà tôi nghe nhầm, tưởng khỏi bệnh là được về nhà với con nên tôi đã sắp xếp hết đồ đạc đề ra về.

Ra đến cửa thấy các y bác sĩ nhắc phải ở lại cách ly theo dõi thêm mới biết mình nghe nhầm. Lúc đó tôi hơi hút hẫng, nhưng nghĩ, rất nhanh thôi sẽ được gặp con làm tôi có thêm động lực để tiếp tục.

Đến khi khỏi bệnh hoàn toàn, được về ăn Tết cùng gia đình, được bên cạnh con, cả 2 mẹ con đều đã an toàn tôi mới thực sự yên tâm, vui vẻ và thấy mình may mắn. Vì nếu tôi cứ ở bên nước ngoài thì tôi và con có thể được chăm sóc tốt như vậy. Cảm ơn các y bác sĩ vì họ rất nhiệt tình cứu chữa cho người bệnh, cứu chữa và chăm sóc mẹ con tôi” – chị H. chia sẻ.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO