Tại BV Việt Pháp, trẻ sơ sinh được tiếp xúc "da kề da" với ngực hay bụng mẹ trong trường hợp sinh thường; còn với mổ đẻ, chậm nhất sau 2 giờ sinh, mẹ được gặp lại con.

Cử nhân hộ sinh Ngô Kiều Lan, Khoa Sản phụ, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội – người có gần 30 năm liên tục đỡ đẻ, trong đó có 7 năm là nữ hộ sinh trưởng của Khoa Sản phụ, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội chia sẻ với Gia Đình Mới về công việc của mình.

Dù quá đỗi thân quen với tiếng khóc oa oa chào đời của các thiên thần nhỏ, song mỗi lần chứng kiến sự chào đời của mỗi bé, trong bà Kiều Lan vẫn vẹn nguyên cảm xúc hồi hộp hạnh phúc như mới thực hiện công việc lần đầu...

Chính vì thế, khi em bé vừa cất tiếng khóc chào đời liền được áp má luôn lên bầu ngực sữa ấm áp của mẹ. Trong lúc đó, bất chợt vương trên gương mặt đầm đìa mồ hôi vừa qua cơn vượt cạn thành công của mẹ lăn dài giọt nước mắt mãn nguyện, cùng nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của người cha không gì đong đếm được.

Khoảnh khắc vô giá đó của cuộc sống mỗi gia đình đều được bà Lan chụp ảnh lại. Đó cũng là bức hình đầu tiên của em với những người thân yêu nhất của mình. 

Công việc của một nữ hộ sinh đã tạo cho bà Kiều Lan những mối lương duyên kì lạ. "Tôi có nhiều con, nhiều cháu lắm!", bà nói. Và trong thực tế, chỉ có một cô con gái, một cậu con trai và hai đứa cháu sinh đôi là ruột thịt của bà, còn lại, họ gọi bà là "mẹ đỡ đầu", là "mẹ nuôi".

Cuộc trò chuyện với nữ hộ sinh luôn thường trực nụ cười phúc hậu trên môi đôi lúc chợt lắng lại trước câu chuyện đáng suy ngẫm vừa mới xảy ra.

Ngày 2/3, Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai tiếp nhận một sản phụ trong tình trạng huyết động ổn, tầng sinh môn phù nề nhiều máu. Đầu thai nhi đã lọt qua eo dưới, thập thò ở âm hộ.

Sản phụ được hỗ trợ sinh thường. Sau sinh, trẻ khóc ngay, không có dấu hiệu ngạt, không có dị tật ngoài. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu có nhiều vết xây xát da, có một vết thương dài khoảng 7cm, rộng 4cm.

Theo các bác sĩ tìm hiểu, nguyên nhân là do sản phụ tự sinh con tại nhà, được mẹ chồng đỡ đẻ nhưng do quá khó, không biết xử trí thế nào nên bà mẹ đã dùng dao rạch tầng sinh môn sản phụ là con dâu để giúp bé ra ngoài. Nhưng không ngờ, bà nội lại rạch trúng đầu cháu.

Là một nữ hộ sinh, bà suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Tôi thấy trường hợp vừa kể trên là rất may mắn song thực sự quá nguy hiểm cho sản phụ và em bé! Tại sao trong thời buổi văn minh, y bác sĩ được tăng cường ở các tuyến như thế này lại có những người liều lĩnh như vậy?

Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền để sản phụ và người nhà hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, sự an toàn cho mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai rất quan trọng. Sản phụ nên được bác sĩ theo dõi thăm khám trong suốt thai kì và phải đến cơ sở y tế sinh thay vì sinh tại nhà như vậy.

Vậy thì, nguy cơ đứa trẻ và sản phụ gặp phải là gì, thưa bà?

- Dù em bé đã được đỡ đẻ thành công và vết thương được kịp thời xử lý, nhưng trường hợp này cho thấy việc sinh nở tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thế nào. Con dao chưa được khử khuẩn, chỗ sinh không đảm bảo an toàn vệ sinh… khiến đứa trẻ có thể bị uốn ván rốn, nhiễm trùng sơ sinh, mẹ có thể bị nhiễm trùng hậu sản, tai biến sản khoa.

Nếu tình trạng nặng thì hai mẹ con có nguy cơ tử vong. Mẹ và bé cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, tiêm phòng uốn ván và có thể phải dùng kháng sinh. 

Như vậy, việc sản phụ và người nhà cần có sự hiểu biết về an toàn trong quá trình mang thai và sinh nở rất quan trọng…

- Sản phụ cần có sự chuẩn bị tốt cho kì sinh nở, kiểm soát được cơn chuyển dạ khi sinh và làm thế nào để bé được chào đời một cách an toàn. Để có được điều đó, sản phụ nên tham gia các lớp học tiền sản. Các lớp học này giúp sản phụ và gia đình tỉnh táo xử trí được phần nào những tình huống nguy hiểm bất ngờ có thể xảy đến.

Trong khóa học này, nữ hộ sinh của bệnh viện sẽ chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp kiến thức trước và sau sinh cho sản phụ. Lớp học tiền sản tại bệnh viện chúng tôi được tổ chức định kì hàng tuần, cung cấp miễn phí cho các sản phụ đã đăng kí sinh tại bệnh viện.

Thời điểm nào là thích hợp để sản phụ tham gia vào khoá học tiền sản, thưa bà?

- Lớp học tiền sản tại bệnh viện chúng tôi có nhiều phần: an toàn thai sản; chuyển dạ, sinh thường và sinh mổ; tập thể dục, tập thở, tập rặn; chăm sóc bé sơ sinh và tắm cho bé; chăm sóc mẹ sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ.

Đặc biệt, các ông bố sẽ được học một số kỹ năng massage hữu ích để bà bầu cảm thấy thoải mái trước những khó chịu của tháng cuối cùng thai kì và chuẩn bị tốt sẵn sàng lâm bồn. Chúng tôi thường nói vui với các ông bố ở lớp học tiền sản là "Niềm vui tao nhã là giặt tã cho con".

Tham gia lớp học tiền sản càng sớm càng tốt. Các mẹ có thể học tiền sản ngay khi có thai. Tuy nhiên, với chủ đề đau bụng chuyển dạ sinh, chăm sóc mẹ và bé sau sinh thì có thể học khi gần sinh.

Trong các lớp học tiền sản, không chỉ có sự tham gia của bà bầu mà còn cả các ông bố?

- Nhiều người cho rằng, lớp học tiền sản chỉ dành cho các bà mẹ chuẩn bị sinh nhưng thực tế, chúng tôi khuyến khích các ông bố tương lai tích cực tham gia lớp học này. Tuy vậy, nếu các ông bố không thể tham gia được thì sản phụ nên cùng người sẽ giúp mình chăm sóc em bé như bà nội, bà ngoại tham gia.

Hiện nay, hầu hết các lớp học tiền sản đều khuyến khích các cặp vợ chồng đi học cùng nhau. Qua lớp học này, không chỉ người mẹ mà người bố cũng có những trang bị cơ bản về kiến thức, kỹ năng chăm sóc các bé sau này.

Bà có thể chia sẻ một vài ví dụ về việc thiếu hiểu biết về kiến thức sức khoẻ sinh sản dẫn tới mất an toàn trong thai kì và sinh nở?

- Những tháng cuối thai kì, khi thai nhi đã khá lớn sẽ gây áp lực đến bàng quang và gây ra hiện tượng són tiểu cho mẹ bầu. Ngoài ra, trong thời gian này, ở một số mẹ bầu cũng xuất hiện hiện tượng rỉ ối khiến chị em lo lắng không biết khi nào là nước ối, khi nào là nước tiểu.

Việc phân biệt được nước ối hay nước tiểu là vô cùng quan trọng bởi hiện tượng rỉ ối rất nguy hiểm, có thể gây hại cho thai nhi do nước ối là môi trường cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ bào thai phát triển.

Ngoài ra, trong suốt quá trình mang thai, tiết dịch âm đạo xảy ra liên tục, khi bụng bầu càng lớn thì tiết dịch càng nhiều hơn và nhiều nhất ở cuối thai kì. Nhiều bà bầu nhầm hai hiện tượng rỉ ối và tiết dịch âm đạo với nhau và chủ quan. Đã có những người để việc rỉ ối diễn ra 1 tuần mới đi khám vì bị sốt cao. Khi đó, em bé trong bụng đã bị nhiễm khuẩn.

Nếu đi học lớp tiền sản, bà bầu sẽ dễ dàng phân biệt được giữa rỉ ối và tiết dịch âm đạo, để bản thân và con được an toàn hơn.

Người xưa có câu "Gái chửa cửa mả" để nói về mức độ nguy hiểm của các bà bầu khi bước vào thai kì, đặc biệt là quá trình vượt cạn. Trong lớp học tiền sản, họ được học gì, thưa bà?

- Sản phụ được trải nghiệm trước về những phản ứng cảm xúc của mình, những thay đổi sẽ xảy đến với cả sản phụ và chồng trong suốt thai kì cũng như sau khi sinh nở.

Sản phụ sẽ có dịp học hỏi về các tư thế sinh khác nhau, và có thể thử nghiệm trước ngày sinh nở. Sản phụ cũng sẽ được cung cấp thông tin về các lựa chọn giảm đau, xem xét các tình huống có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ và tính trước xem muốn mọi việc diễn ra theo cách nào.

Ngày càng có nhiều sản phụ được áp dụng phương pháp "Đẻ không đau" thông qua thủ thuật gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong khi sinh. Phương pháp này giúp các bà bầu vẫn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi chuyện diễn ra xung quanh.

Là nữ hộ sinh của một bệnh viện quốc tế, cách chăm sóc mẹ và bé sau sinh có sự khác biệt như thế nào với phương pháp truyền thống của Việt Nam, có kiêng khem gì không, thưa bà?

- Chúng tôi áp dụng theo quy trình chuẩn của Châu Âu, đặc biệt là Pháp. Khác với nhiều nơi, trẻ sơ sinh được tiếp xúc "da kề da" với ngực hay bụng mẹ trong trường hợp sinh thường; còn với mổ đẻ, chậm nhất sau 2 giờ mổ đẻ, mẹ được gặp lại con.

Sau 3 tiếng, nữ hộ sinh sẽ cho sản phụ đi tiểu để tránh bí tiểu. 6 tiếng sau, khi được thông báo qua chuông bấm ở giường sản phụ nằm, nữ hộ sinh sẽ tới dẫn sản phụ đi toilet. Sản phụ sau khi sinh được tắm gội bình thường.

Về dinh dưỡng sau khi sinh, sản phụ được ăn uống phong phú các loại thực phẩm đa dạng cách chế biến chứ không chỉ toàn ăn thịt nạc và rau ngót. Ăn thế nào để đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo sức khoẻ để sữa về cho con bú là được.

Khi sức khoẻ cả mẹ và bé đã ổn định, họ xuất viện, chúng tôi tư vấn, tư vấn, đưa lời khuyên về cách chăm sóc, ăn uống cho họ. Ngày hôm sau, chúng tôi gọi điện hỏi thăm tình hình sức khoẻ hai mẹ con xem có cần giúp đỡ gì không.

Từ lớp học tiền sản với sự giúp đỡ của nữ hộ sinh tới khi mẹ tròn con vuông là một hành trình dài. Là một nữ hộ sinh công tác tại Bệnh việt Việt Pháp hơn 20 năm, bà được chứng kiến nhiều câu chuyện của sản phụ và người nhà. Cảm xúc nào của họ đọng lại trong bà nhiều nhất?

- Mang thai là một hành trình đem tới nhiều cảm xúc nhất cho cả bà bầu và gia đình. Nhưng trên hết vẫn là niềm hạnh phúc tột cùng khi được "lên chức".

Cảm xúc giống nhau như vậy, làm thế nào mà bà nhớ được tường tận tất cả cảm xúc đó đến từ đâu?

- Hình ảnh em bé chào đời da kề da với mẹ và bố ôm hai mẹ con là khoảnh khắc vô giá không chỉ của mỗi gia đình mà ngay cả với những người nữ hộ sinh chúng tôi. Chính vì vậy, không thường xuyên nhưng khi nào có cơ hội ghi nhận những hình ảnh đó là tôi làm.

Tôi lưu những bức hình tuyệt vời đó trong điện thoại hoặc máy tính của mình. Thi thoảng, lúc rảnh, tôi lại lôi chúng ra, "nhấm nháp" cảm giác hạnh phúc trong thời khắc đó.

Nhớ lại ca đỡ đẻ đầu tiên đến bây giờ, khi không còn tham gia công tác đỡ đẻ nữa mà chỉ thăm khám thai, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đỡ đẻ, theo dõi chuyển dạ, chu đáo mọi mặt trước khi sản phụ đẻ, bà cảm thấy thế nào?

- Tôi tham gia đỡ đẻ lần đầu tiên vào năm 1986, tôi chứng kiến mẹ bầu đó đau đến mức mệt lả đi, nhưng chỉ với một phương pháp chuyên môn mà đồng nghiệp sử dụng, sản phụ bừng tỉnh, rặn một hơi, em bé chào đời an toàn.

Thế mới biết, bản năng làm mẹ được trỗi dậy mạnh mẽ như thế nào!

Trong những ca đỡ tiếp theo, tôi được hưởng trọn vẹn niềm vui hơn khi tham gia đỡ đẻ tại phòng đẻ gia đình của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.

Tôi thấy tự hào vô cùng, vì mình đã góp phần vào hạnh phúc trọn vẹn của các gia đình khi có thêm thành viên mới. Tôi vẫn nói với các con của mình, nếu bây giờ được chọn lại thì mẹ vẫn chọn nghề y và chọn nghề đỡ đẻ.

Bà có nhắc tới phòng đẻ gia đình, nơi đó có ý nghĩa như thế nào với sản phụ và em bé?

- Phòng đẻ gia đình là nơi cho phép người thân của sản phụ được tham gia vào quá trình sinh thường. Những cái nắm tay, nụ hôn, lời động viên của người thân sản phụ có ý nghĩa đặc biệt quan trong, tiếp thêm sức mạnh cho họ để vượt cạn thành công.

Ngoài ra, khi đứa trẻ chào đời sẽ ngay lập tức được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ; con sẽ cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc được lan toả từ bố sang mẹ và ngược lại.

Có ông bố nắm chặt tay vợ: "Cố lên em! Đầu đây rồi..." nhưng khi vừa nhìn thấy đứa con chào đời thì bố ngất luôn, có thể ông bố đó không tin trước mắt mình là một thiên thần được sinh ra.

Vậy còn với những ca mổ đẻ thì em bé có được gặp bố hay người nhà luôn không, thưa bà?

- Với những ca mổ đẻ, các bé được da kề da với bố sau cái ôm đầu tiên của mẹ. Em bé được nằm trên ngực bố, môi bé chúm chím liếm láp ngực bố khiến các ông bố vô cùng hạnh phúc.

Chưa có nơi nào mà người ta lại mong chờ được vào viện như khoa sản vì ở đó, họ sắp được đón chào đón những đứa con, đứa cháu của mình. Gánh trên vai trách nhiệm không chỉ đảm bảo an toàn cho tính mạng của một mà hai người, tâm trạng của bà như thế nào khi bước vào các ca đẻ?

- Tôi đã từng trải qua cảm giác vừa là người nhà vừa là nữ hộ sinh trong ca đẻ của chính con mình. Đó là một ca đẻ sinh đôi, một trai, một gái, tôi là người đón hai cháu của mình đầu tiên. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được đắm chìm trong niềm hạnh phúc của người nhà mà bấy lâu nay, tôi chỉ là người chứng kiến.

Từ đó, tôi càng thêm hiểu cảm giác của sản phụ và người nhà khi mong chờ đứa con, đứa cháu của mình được sinh ra an toàn. Sản phụ và người nhà thực sự thở phào, yên tâm khi bác sĩ thông báo mẹ tròn, con vuông. Còn trước đó là sự lo lắng đến thắt ruột, thắt gan.

Vì thế, tôi luôn tâm niệm, tôi và đồng nghiệp của mình làm thế nào để tốt nhất cho mẹ và bé thì sẽ làm hết sức có thể.

Với tôi, y đức chính là sự an toàn của mẹ và bé. Giống như khẩu hiệu mà Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội – ông Võ Bản trao cho Khoa Sản phụ: "An toàn cho mẹ - Sức khoẻ cho bé".

Thấu hiểu cảm giác gửi gắm con mình vào bác sĩ, bà đã có sự tư vấn như thế nào với sản phụ và người nhà?

- Hành trình vượt cạn của mỗi người khác nhau. Tôi và đồng nghiệp luôn giải thích cho sản phụ và gia đình từng giai đoạn của cuộc chuyển dạ để họ yên tâm hơn trong khi chờ đứa trẻ chào đời.

Tôi thường trấn tĩnh các bà bầu, đặc biệt với những người mang thai lần đầu: "Hành trình vượt cạn là một hành trình vất vả nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc. Trở thành mẹ là một niềm hạnh phúc không gì đong đếm được. Các bạn hãy tự tin lên, đừng quá lo lắng vì các bạn có chúng tôi – những người có chuyên môn vững vàng bên cạnh, luôn theo sát hai mẹ con."

 

footer

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO