Báo Điện tử Gia đình Mới

Phạm Gia Hiền: 'Hôm nay con đi học có vui không?'

Từ ngày đầu tiên con tôi cắp cặp đi học đến giờ, đã sang năm thứ 3 rồi, mỗi ngày gặp nó tôi chỉ hỏi: Hôm nay con đi học có vui không?

Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới. Tôi dậy sớm đi làm. Qua góc phố, thấy đám trẻ mặc đồng phục đứng đợi xe bus. Trong mấy chục giây đèn đỏ, tôi nhìn chúng, chỉ thấy một vẻ chán chường.

Mệt mỏi, bơ phờ, không hào hứng. Thực ra ai cũng biết, với đám trẻ ở đô thị (ít nhất là như thế), thì ngày khai giảng từ lâu chỉ còn là một thủ tục mang tính hình thức.

Chúng đã đi học từ cả tháng nay, thậm chí là suốt cả mùa hè. Để các thầy cô kịp bổ sung một khối lượng kiến thức nào đó, của một giáo trình nào đó, với vô số chỉ tiêu nào đó – chẳng ai hiểu được.

Từ ngày đầu tiên con tôi cắp cặp đi học đến giờ, đã sang năm thứ 3 rồi, mỗi ngày gặp nó tôi chỉ hỏi: 'Hôm nay con đi học có vui không?'

Phạm Gia Hiền: 'Hôm nay con đi học có vui không?' 0

Trong những năm tháng đầu tiên, nhiều khi nó rất hào hứng: "Vui bố ạ", "Có bố ạ", thậm chí là "Vui lắm cơ bố ạ!". Rồi bi bô kể đủ thứ chuyện về cô, về bạn, bằng một niềm cảm hứng mà người lớn chúng ta bất cứ ai cũng phải thèm khát.

Nhưng bây giờ, khi tôi hỏi Con đi học có vui không? Thì câu trả lời thường là "Cũng bình thường bố ạ", hoặc "Không có gì đặc biệt bố ạ".

Thế là thế nào? Bình thường? Không có gì đặc biệt? Tôi không thể, và cũng không muốn gặng hỏi hơn. Bởi vì cái tôi muốn biết không phải là những câu chuyện, mà là sự hào hứng của con với trường lớp. Nó mới lớp 3, và điều đó đã không còn. Thật đáng sợ.

Trường học có vui không? – Tôi trở nên ám ảnh với câu hỏi này. Và tôi tìm hiểu thì trường học quả thật là không vui lắm đâu. Bởi vì mặc dù ở đó có thày có bạn, những lớp học sáng choang, có sân chơi, căng tin chất đầy đồ ăn… nhưng trường học là những "nhà máy" thực sự.

Ở những nhà máy ấy, học sinh là những công nhân, chúng làm việc cực kỳ kỷ luật trong suốt 12 năm, đóng lon vô số kiến thức, dán nhãn, và sau đó bày bán ra thị trường với giá rẻ mạt vì thừa ế. Nhiều thập kỷ qua, tình hình ấy không thay đổi.

Hãy mở sách giáo khoa của con bạn ra mà xem. Hãy xem những bài toán, những đề tập làm văn, tiếng Anh. Không chỉ khó, chúng nhiều khủng khiếp. Không đứa trẻ nào còn có thể thấy niềm vui học, với một khối lượng bài vở ngồn ngộn và mông lung như thế.

Những ngày qua, tôi im lặng theo dõi cuộc tranh luận lớn về cách đánh vần. Tôi tự hỏi, nếu một đứa trẻ mới vào lớp 1, lớp vỡ lòng ấy mà, nó hiểu được những gì người lớn đang cãi nhau xung quanh quyển sách đầu tiên mà nó mở ra, những con chữ đầu tiên mà nó học, thì nó có sợ không?

Nó có sợ hãi không khi mà hóa ra cái “quần” cũng có dăm bảy cách đọc. Nó có sợ hãi không, khi mà hóa ra việc đọc không phải hồn nhiên như bố nó dạy ở nhà, và nhờ thế mà nó lỡ biết đọc mất rồi. Nó có sợ hãi không, khi biết rằng, đó mới chỉ là một cuộc tranh luận về thứ sơ khởi của việc học ở nước nó mà thôi. Trong khi, sách giáo khoa có đến hàng trăm quyển, và việc học thì sẽ kéo dài từ 12 đến 16 năm.

Hôm qua, tôi dự lễ khai giảng của trường con mình. Tôi đứng phía sau, nhìn và nghe bọn trẻ cười nói. Mỉm cười nhận ra rằng, đúng rồi, việc đi học cơ bản có thế thôi. Giỏi, Ngoan, Thân Thiện. Cứ như thế, rồi dần nên con người.

Chúng ta - những người lớn, quyết định việc dạy cái gì và học ở đâu của bọn trẻ - dường như chỉ quan tâm đến khối lượng và chất lượng kiến thức. Trong khi khởi thủy của mọi thứ, luôn luôn phải là động lực, là niềm hứng khởi.

Hôm nay, chính thức cả nước vào một mùa khai giảng mới. Có thể cuộc tranh luận đánh vần sẽ còn kéo dài cho đến tối, cho đến mai, cho đến tuần sau. Và chắc chắn sẽ lại có những cuộc tranh luận khác nữa. Nhưng nếu đón một đứa trẻ ở trường về, xin hãy ôm chúng và hỏi: "Hôm nay con đi học có vui không?"

Phạm Gia Hiền/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO