Báo Điện tử Gia đình Mới

Phạm Trường- người nghệ sĩ vẽ những sắc màu quê hương trên bức tranh âm nhạc

Nhạc sĩ Phạm Trường âm thầm mang những sắc màu quê hương, đất nước vẽ lên bức tranh âm nhạc rất riêng biệt và đặc sắc của mình.

Với anh, cuộc sống là những giai điệu, những nốt nhạc luôn luôn nhảy múa, biến ảo trong một không gian sáng tác đầy sự trau chuốt nhưng cũng đầy chất nội tâm, lắng đọng và sự trải nghiệm tận cùng của những cung bậc cảm xúc chân thật nhất giữa những điều bình dị nơi cuộc sống thường ngày.

Người viết ca khúc không mệt mỏi và dường như các sáng tác của anh luôn là sự vượt lên chính mình để chạm vào trái tim của khán, thính giả, và đón nhận sự ủng hộ của bạn bè cùng đông đảo khán giả yêu quý anh.

Nhạc sĩ Phạm Trường (tên đầy đủ là Phạm Văn Trường) là người con của vùng đất Khánh Trung, Yên Khánh, Ninh Bình. Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật và âm nhạc. Ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Trường đã may mắn được làm quen với cây đàn piano của ông ngoại mình. Và chính ông ngoại của anh – cố nhạc sĩ tên tuổi Nguyễn Tương Lai là người đã truyền cảm hứng và chắp cánh cho  những nốt nhạc đầu đời, những ước mơ cháy bỏng đến với âm nhạc của anh.

Giữa những âm thanh du dương, lôi cuốn của chiếc đàn piano, cùng một “tuổi thơ dữ dội” trong thế giới bay bổng của những nốt nhạc thì sự truyền cảm, động viên, chỉ dạy tận tình từ ông ngoại, sự ủng hộ của bố, mẹ và những người thân trong gia đình đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, lớn lao để chắp cánh cho Phạm Trường đến với âm nhạc chuyên nghiệp. Và rồi không biết từ khi nào âm nhạc đã trở thành một phần hơi thở, cuộc sống của chính anh.

Phạm Trường- người nghệ sĩ vẽ những sắc màu quê hương trên bức tranh âm nhạc 0

Ngoài công việc là nhạc sĩ, anh còn là thầy giáo dạy nhạc và người sáng lập, điều hành Piano Mozart

Quyết tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp, Phạm Trường đã thi đỗ và sớm theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chuyên ngành Chỉ huy âm nhạc, Khoa Lý Luận - Sáng Tác - Chỉ Huy.

Vừa học văn hóa, vừa học nhạc song song, chiều tối lại tranh thủ đi làm để thêm với đủ các nghề khác nhau để trang trải cuộc sống và đỡ đần bố mẹ. Có lẽ những nỗ lực và trải nghiệm thực tế khi đó đã giúp anh cứng rắn và trưởng thành hơn rất nhiều, đặc biệt nó trở thành một thứ vốn sống sinh động và quý báu để anh đưa tất cả vào âm nhạc, cũng như tìm kiếm, khẳng định con đường riêng của mình.

Không chỉ hoạt động với cương vị là nhạc sĩ, hiện nay Phạm Trường còn là thầy giáo dạy nhạc, người sáng lập và điều hành Piano Mozart - chuỗi hệ thống cung cấp nhạc cụ và đào tạo âm nhạc với 14 cơ sở tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước. Có thể đạt được sự thành công như ngày hôm nay là nhờ sự kiên trì và quyết tâm rất lớn từ chính bản thân nhạc sĩ Phạm Trường.

Anh quan niệm, “không chỉ trong Âm nhạc mà trong công việc cũng như cuộc sống phải luôn luôn cố gắng học tập, rèn luyện và không ngừng nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất. Điều quan trọng nhất là bạn phải tìm được cho mình lối đi riêng, phải có khát khao, đam mê và niềm tinh mãnh liệt trong những công việc mình làm”.

Chàng nhạc sĩ “Quốc dân”

Đó là cách gọi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp thường dành cho chàng nhạc sĩ trẻ 8x Phạm Trường. Bởi nếu là người yêu mến và theo dõi nhạc của anh, chúng ta rất dễ bắt gặp những ca khúc viết về vẻ đẹp quê hương đất nước với “Về Khánh Trung quê anh”, “Sơn La tình yêu đôi mình" hay những bài hát phản ánh sự kiện mang tính thời sự xã hội như “Đất mẹ miền Trung” và gần đây nhất là tác phẩm “Người thầy thuốc nhân dân” cùng nhiều nhạc phẩm liên quan đến tuyên truyền, phòng chống đại dịch Covid-19…

Khác với nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay chọn đi sâu khai thác lĩnh vực tình yêu đôi lứa, gắn với các trend âm nhạc trong thị trường thì nhạc sĩ Phạm Trường lại âm thầm hướng những bản tình ca của mình về quê hương, đất nước và những sự kiện xã hội đang được dư luận quan tâm.

Phạm Trường- người nghệ sĩ vẽ những sắc màu quê hương trên bức tranh âm nhạc 1

Hình ảnh một số ca khúc nhạc sĩ Phạm Trường viết về quê hương, đất nước

Không hề có một sự khô cứng hay khiên cưỡng mà chính tình yêu, sự đam mê của anh đã thổi hồn cho những ca khúc, tạo nên chất trữ tình rất riêng biệt trong các sáng tác của anh. Bản thân anh cũng đã từng thừa nhận: “Với tôi, chủ đề về quê hương đất nước luôn luôn là một đề tài vô cùng ý nghĩa, thiêng liêng, luôn thôi thúc và cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tác. Tôi tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất hình chữ S. Cùng với đó, là một người được đào tạo chính quy tại khoa Lý Luận – Sáng Tác – Chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nên các sáng tác của tôi thường mang âm hưởng chính sự.

"Tôi đặc biệt quan tâm đến các đề tài về thời sự, xã hội, về quê hương, đất nước. Tôi thấy rằng mỗi miền đất, mỗi vùng quê trên khắp đất nước ta đều rất đẹp, rất thiêng liêng. Tất nhiên tôi cũng sẽ thử sức với các đề tài khác nhưng có lẽ với đề tài về quê hương, đất nước tôi sẽ luôn dành mối quan tâm và tình cảm nhiều hơn.”

Đối với kho tàng âm nhạc Việt Nam, có thể không hiếm gặp những ca khúc có cùng chủ đề quê hương, đất nước, từ những bản tình ca ngọt ngào cho tới những cảm xúc hào hùng, mãnh liệt nhưng ở mỗi tác phẩm do nhạc sĩ Phạm Trường sáng tác và phổ nhạc thì lại luôn mang một sắc màu riêng biệt: đó là sự sâu lắng, da diết trong giai điệu và ca từ, dẫn dắt người nghe theo những logic rành mạch của xúc cảm, mà chính họ, những người nghe luôn cảm nhận như mình đang sống và tận hưởng những hơi thở âm nhạc giữa những khung cảnh đồng quê bao la, không gian văn hóa đậm chất con người trong những bản nhạc đó.

Có lẽ do được đào tạo bàn bản, chuyên nghiệp và sự khắt khe của các thầy, cô trong thời gian dài nên bản thân nhạc sĩ luôn coi trọng và đảm bảo các tính chuẩn mực từ thủ pháp sáng tác, câu cú trong bài hay về mặt hòa thanh, các quãng trong tiến hành giai điệu của bài hát,...

Vì vậy nên các sáng tác của anh thường có tuyến giai điệu liền mạch, không có sự nhảy quãng, nó tạo nên sự êm ả và cuốn hút người nghe.  

Ngược lại với sự trau chuốt về kỹ thuật, những ca từ được nhạc sĩ Phạm Trường sử dụng trong các sáng tác của mình lại mộc mạc, gần gũi, xuất phát từ chính cảm xúc chân thật của người nghệ sĩ, khiến cho người nghe đều có thể cảm nhận được đâu đó hình ảnh của mình và cuộc sống của mình, những điều dung dị nhưng đậm chất thơ, chất nhạc đang hiện hữu xung quanh, mà đôi khi không phải lúc nào con người ta cũng có thể nhận ra được.

Nhạc sĩ Phạm Trường cũng thường xuyên khai thác chất liệu dân ca truyền thống, nhạc quê hương vốn có trong con người mình và lựa chọn giọng thứ trong các ca khúc để tăng tính tự sự cho bài và góp phần truyền tải những thông điệp vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa là sự dẫn dắt mỗi người nghe tạm quên đi những khó khăn, vất vả thường ngày để đến với tình yêu, giá trị và những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Mẹ” là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của nhạc sĩ Phạm trường do ca sĩ Lê Anh Dũng thể hiện tháng 7/2020, ngay khi ra mắt, ca khúc đã làm rung động bao trái tim của những người con khi hướng về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành và những tình cảm thiêng liêng, sâu sắc nhất của mỗi con người.

Không chỉ vì giai điệu đẹp, sự lôi cuốn, truyền cảm bằng những thủ pháp âm nhạc chuyên nghiệp mà dường như ở Mẹ là những cảm xúc mãnh liệt và chân thật nhất, đã dâng trào trên những nốt nhạc và ca từ của Phạm Trường:  

 “Mẹ tôi quanh năm dãi dầu mưa nắng

Quá nửa đời người chưa một lần thảnh thơi

Chín tháng mười ngày nặng đau thân mình

Công ơn sinh thành chưa một lần đền ơn

Tần tảo chắt chiu mớ rau, hạt thóc

Chỉ mong sao đàn con nên người

Mồ hôi mẹ rơi con nào đâu biết

Nhớ miếng khoai con dành ăn phần mẹ

Sao ngày đó cực khổ quá, mẹ ơi…”

Phạm Trường- người nghệ sĩ vẽ những sắc màu quê hương trên bức tranh âm nhạc 2

Có lẽ tất cả tình yêu và âm nhạc đã tạo nên một nét rất riêng và không nhầm lẫn trong cái tên Phạm Trường, người nghệ sĩ luôn pha những sắc mầu quê hương để vẽ lên bức tranh âm nhạc từ trái tim luôn nóng bỏng, nhiệt huyết của mình.

Đối với Phạm Trường, như anh chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng để sáng tác nên ca khúc hay chính là cảm xúc chân thật và những kinh nghiệm từng trải của bản thân tác giả chứ hoàn toàn không chỉ là những vấn đề kỹ thuật.

Mỗi tác phẩm của anh viết đều gắn liền với một kỷ niệm trong cuộc sống và sự chân thực của những cảm xúc bản thân mà anh luôn tôn trọng, giữ gìn như báu vật của mình. Có thể kể đến như hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Đất mẹ miền Trung” được nhạc sĩ viết khi anh có những trải nghiệm cùng với người thân, bạn bè chung tay vào hỗ trợ bà con tại Quảng Bình, Quảng trị để khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử năm 2020.

Phạm Trường- người nghệ sĩ vẽ những sắc màu quê hương trên bức tranh âm nhạc 3

Hay như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp, hàng ngày qua tivi nhìn thấy sự hi sinh của những y bác sĩ, chiến sĩ, trong đó có cả những người bạn, người anh đang sẵn sàng lên đường, ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh hiểm nguy, đã thôi thúc anh viết lên những lời ca, giai điệu để góp phần động viên tinh thần của các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch.

Nhiều ca khúc được anh sáng tác và phổ nhạc trong thời gian này như “Người thầy thuốc nhân dân” (phổ thơ Đỗ Hoàng); “Đà Nẵng ơi, Tổ quốc đang hướng về”; “Nếu anh không về” (phổ thơ Vũ Tuấn), “Bài ca chiến thắng dịch bệnh” (lời Phù Tiêu) hay mới đây nhất là “Covid là gì” đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.

Anh chia sẻ: “Qua các ca khúc này tôi mong rằng người dân có thể thấy được sự nhọc nhằn của những chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, hãy biết cảm thông và chia sẻ với họ. Đặc biệt, việc chống dịch không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, mọi nhà. Bởi bớt một người cách ly là tuyến đầu bớt đi một sự nhọc nhằn, Tổ quốc bớt đi gánh nặng về kinh tế”. 

Và kế hoạch cho tương lai...

Mặc dù rất bận rộn với công việc giảng dạy và kinh doanh, nhưng nhờ sự ủng hộ thấu hiểu của gia đình đặc biệt là sự chia sẻ, đồng cảm của người vợ thân yêu, nhạc sĩ Phạm Trường vẫn có thể nuôi dưỡng “khoảng trời riêng” dành cho niềm đam mê nghệ thuật cũng như cùng các con luyện tập hát và piano hàng ngày.

Anh cũng dành những lúc riêng tư nhất để đắm chìm trên những ca khúc mà anh viết không chỉ cho riêng mình. Có lẽ còn bao điều lớn lao hơn đang đợi nhạc sĩ ngoài ô cửa sổ kia…

Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh cho biết, khi đất nước hết dịch, đời sống trở lại bình thường anh sẽ tiếp tục mở thêm các cơ sở đào tạo âm nhạc với mong muốn là đưa âm nhạc đến với mọi gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ có những năng khiếu và niềm đam mê với nghệ thuật.

Nhạc sĩ cũng có nguyện vọng một ngày nào đó với sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp, anh có thể tổ chức một liveshow âm nhạc của mình. Mong rằng những ước mơ của anh sẽ sớm được chắp cánh và trở thành hiện thực, đáp ứng những tình cảm yêu quý của bạn bè, công chúng và những người hâm mộ anh.

Bùi Ngân

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO