“Những sớm tháng 6 mát mẻ, bọn trẻ con sẽ háo hức chờ đến ngày “giết sâu bọ” để thi nhau mở cái liếp giang trên liễn gốm ủ rượu nếp, để ngửi mùi hơi rượu sộc thẳng lên óc, thông cả mũi, rồi hít hà mùi rượu nếp thơm, chờ bà, chờ mẹ dùng đôi đũa tre ngắn cũn xới cho một cái bát chiết yêu con con đầy cơm rượu nếp, để giết sâu bọ.

Giết sâu bọ bằng rượu nếp thích cực nhé! Gẩy gẩy từng hạt cơm rượu căng mẩy, mọng nước rượu thơm bên trong, nhai cứ lép bép trong mồm và tưởng tượng là nuốt hết bát rượu này, là bao nhiêu sâu bọ trong người sẽ lăn quay ra chết, người mình lập tức sẽ khoẻ mạnh như Thánh Gióng luôn!

Xong sẽ lê la sang xem người lớn giết sâu thế nào. Và chỉ mong người lớn sơ sểnh sẽ lè lưỡi nếm thử tý rượu mai vàng óng như mật mà cay xè xộc lên mũi. Rồi nào mận hậu đỏ thắm cắn ngập chân răng, nào vải thiều đầu mùa, nào bánh gio chấm mật… Ôi chỉ ước gì một năm có dăm ba cái Tết giết sâu bọ thế này.

Hôm nay ở Studio, chúng mình cũng tổ chức giết sâu bọ. Cũng đủ đầy rượu nếp cái hoa vàng, rượu nếp cẩm nhung, bánh gio chấm mật, mận hậu tươi rói chấm muối bụp giấm, và đặc biệt hôm nay chả biết đủ trăm ngày chưa nhưng đã chắt rượu mai ra uống. Tê cả người…”

Trong Esheep Kitchen Studio mang phong cách Bắc Âu với tông màu lạnh, Phan Anh và “đồng bọn” của cô bắt đầu và kết thúc một ngày Tết Đoan Ngọ như vậy.

Đắm chìm trong không gian trong mơ mà bất cứ một Food Blogger nào cũng mong muốn này, Phan Anh Esheep say sưa nói về niềm đam mê ẩm thực, về giấc mơ “Khu vườn trên mây” thành thật, về căn bếp giúp cô được là chính mình và gia đình nhỏ bé của cô.  

tit phu 1-3

Buổi sáng một ngày mùa hè, Phan Anh và cả team của mình đến “Khu vườn trên mây” của Esheep Kitchen Studio. Những người trẻ tự tay mỗi người dọn dẹp, quét tước, tưới cây, chăm vườn. Họ trồng nhiều loại cây, từ gia vị và rau củ đến hoa, đặc biệt là hoa hồng. Rồi hàng ngày, họ cùng nhau nấu ăn.

“Đây là lần đầu tiên em được làm nông dân đúng nghĩa đấy!”, một thành viên trong nhóm tỉ mỉ ngồi cưa, khoan khoan, đục đục làm giàn cho mấy cây mướp hương, dăm ngọn dưa chuột mới trồng. Phía bên kia, Phan Anh vác một bịch phân gà đi bón, chăm chút cho từng cái cây một. Cô làm công việc này bằng tất cả niềm say mê mà cô tự gọi mình là "người làm vườn hạnh phúc".

Vừa làm cả team vừa tranh thủ thu hoạch ít đồ cây nhà lá vườn. Khu vườn nhỏ xinh vậy thôi mà nhặt nhạnh được nhiều thứ hay ho. Là củ gừng dúi xuống được chừng mấy tháng đã “phát tướng”; cà chua bi căng mọng, đỏ au, lúc lỉu từng chùm; bạc hà tươi xanh mơn mởn, dùng để pha một bình nước chanh vàng bạc hà; cây xương sông già cuối vườn đang kết hạt; đám tía tô um tùm cả một góc vườn…

Nếu như nói “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thì với Phan Anh và những người bạn ở “Khu vườn trên mây” của Studio, mỗi ngày làm việc là một ngày họ cảm thấy dễ chịu. Phan Anh lau giọt mồ hôi, “Vèo cái hết cả buổi sáng, mệt nhưng vui”.

Dù công việc rất bận với lịch trình đặc kín lịch từ thứ hai nhưng khi được làm những việc yêu thích thì với họ, có khó khăn hay bế tắc thì cũng là chuyện thường. Bận xong lại rảnh. Bế tắc xong lại tìm được cách giải quyết.

“Công việc của tôi là cùng cả team chìm đắm trong một căn bếp nhỏ ngăn nắp để nghiên cứu, tìm hiểu và tự tay thực hành các món ăn. Có những món ăn, tôi làm đi làm lại cho đến khi thật thành công, thật ngon lành, ghi chép lại và chia sẻ cho các bạn. Có những món ăn, tôi làm đi làm lại mà vẫn không thể thành công, thật tệ hại. Tôi vẫn ghi chép lại, coi đó như bài học, để tiếp tục làm lại, không mệt mỏi.

Sau một việc khó mà mình làm được, đến khi ngoảnh lại nhìn kết quả thì sung sướng biết bao. Ví dụ như xem lại một đoạn phim nấu ăn thật đẹp, tìm được một công thức món ăn thật ngon, ngắm lại những bức hình đã chụp thật tinh tế, ngồi ghi chép lại hành trình của một đất nước mình vừa đi qua, thì cảm giác dễ chịu không gì bằng”, Phan Anh phấn khích.

Tại studio, Phan Anh và “đồng bọn” còn thực hiện việc nghiên cứu chất lượng sản phẩm cho các nhãn hàng ngành nông nghiệp, thực phẩm và thiết bị bếp. Ngoài ra, nơi đây còn là “tụ điểm” gặp gỡ của những người yêu bếp.

“Người chị cả” Phan Anh coi êkip của mình là một gia đình, mỗi thành viên là một nhân vật xuất sắc cá biệt. Cô tự hào và hãnh diện với một ekip có thể bổ sung những gì cô còn thiếu. Họ yêu thương, trân quý nhau và cùng thích ăn ngon. 

Tình yêu với căn bếp, với “Khu vườn trên mây” của Phan Anh giống như tình yêu của Mikage - nhân vật trong cuốn sách Kitchen của nhà văn Banana Yoshimoto nói về căn bếp của mình: “Tôi nghĩ rằng nơi tôi yêu thích nhất trên thế gian này là bếp. Chỉ cần nó là bếp, chỉ cần nó là nơi nấu ăn, thì dù ở nơi đâu, như thế nào, tôi cũng cảm thấy không còn buồn bã”.

Với Phan Anh, “Tôi yêu việc nấu nướng, yêu mùi đồ ăn, yêu thịt thà, rau củ, nghiện mùi vị đến mức có thể lặp đi lặp lại công việc nấu nướng, chăm sóc vườn tược, ngắm hoa và viết lách hàng ngày, hàng giờ. Tôi luôn có cảm giác thật hạnh phúc khi ở trong bếp và nấu ăn, làm bánh. Mọi thứ như một cuộc chơi đầy khám phá mà cũng thật thong dong.

Nó là cuộc phiêu lưu trong tâm tưởng với bơ, bột, trứng, đường, là sự trình diễn ngoạn mục với rau, củ, thịt, cá… để rồi từ những thứ nguyên liệu rời rạc bỗng chốc tạo nên tuyệt phẩm ngon lành đầy khác biệt ngay trong bếp của bạn, ngay trên tay bạn, do bạn tạo ra…”

Từ Studio này, lần lượt các món “mùa nào thức nấy” được ra đời, từ món chả cá ngần: “Mua ngay một mẻ cá ngần trắng nõn trắng ngần về, nhanh tay viên chả, rán thơm nức mũi, ăn với bún rối, rau muống chẻ, hoa chuối thái rối, đủ loại rau thơm, rau sống, rau gia vị xanh mướt; rồi chấm thứ nước chấm đẫm tỏi bằm, ớt bằm và tiêu cay xè, thơm thơm mà độ chua ngọt lại phải vừa vặn được pha bởi dấm hồng, dấm chuối”; hay tập hợp các món ngon dễ làm cuối tuần hoặc đôi khi là cái reo lên vui mừng khi những ổ Brownies ra lò vàng suộm, thơm ngào ngạt…

“Khu Vườn Trên Mây” của Studio đã dạy Phan Anh sự rung cảm với những điều bé nhỏ xung quanh, với thiên nhiên… Cô học được sự sâu sắc của cây lá khi chuyển mùa, học được sự thay đổi tinh vi của độ ẩm, học được độ nhạy cảm của mùi và vị qua ngày tháng.

tit phu 2

Từ nhỏ đến lớn, Phan Anh yêu thích hội hoạ và được nuôi dưỡng trong môi trường nghệ thuật để trở thành hoạ sĩ tài ba như bố mẹ của cô. Suy nghĩ đó thấm đẫm vào con người cô đến mức, cô luôn luôn nghĩ đến già cô vẫn là một hoạ sĩ. Vậy là, cô chăm chỉ tập vẽ hằng ngày, hằng giờ và theo đuổi việc vẽ vời trong gần 30 năm cho đến khi cô phát hiện hoá ra cái việc “chơi đồ hàng và nấu ăn” khi bé mới chính là đam mê của cô.

Khi ấy, không ai trong gia đình ủng hộ Phan Anh. Để nuôi dưỡng được niềm đam mê “tình cờ” đó, cô phải giấu giếm, lén lút làm bánh rồi đổ đi những mẻ bánh hỏng. Cô dành từng giờ rảnh rỗi ngoài việc làm báo và vẽ vời để tập nấu ăn, tập làm bánh. Cô thường nửa đêm lén dậy để đọc sách về ẩm thực, tự tập các kỹ năng nấu bếp vào buổi đêm, khi chắc chắn điều này không làm phiền ai.

Những tháng ngày đó, mọi người xung quanh Phan Anh đều nghĩ những điều cô làm chỉ là một sở thích thoáng qua, sẽ nhanh chóng biến mất. Cho đến khi cô nói sẽ bỏ việc, bỏ toà soạn báo danh tiếng mà cô đã gắn bó hơn 10 năm, để theo đuổi một nghề nghiệp còn chẳng ai biết là việc gì, chẳng ai biết sẽ đi đến đâu. Lúc này, mọi người bắt đầu phản đối cô, đưa lời khuyên cho cô trong thời điểm đó.

Phan Anh chưa bao giờ nghĩ rằng, vài sở thích từ bé như đọc truyện, trồng cây, nấu ăn, viết lách, tỉ mẩn làm đồ thủ công, thích quan sát sự sống (đơn giản là dành hàng giờ để ngồi nhìn ngắm một sinh vật sống nào đó như cái cây, con cá, mây bay...) cuối cùng lại là những mảnh ghép để tạo nên con người cô bây giờ, trở thành tính cách và là ưu điểm, sở trường của cô trong công việc.

Và rồi Phan Anh nhận ra, “Trước đây, tôi không tin rằng mình có thể biến việc yêu thích nấu ăn và tìm hiểu ẩm thực thành một nghề nghiệp. Và bằng một mối lương duyên nào đó, tôi đã ở đây, là một food blogger và làm những việc mình yêu thích. Vào một thời điểm nào đó, khi đã thực sự lớn lên, thực sự trưởng thành, thì mỗi người luôn tìm cách sửa soạn một góc nhỏ trong cuộc sống, trong thời gian sống của mình để dành cho những sở thích đó. Và hoá ra, những thứ ấp ủ, thích thú, say mê từ thời thơ ấu lại là sức mạnh cực lớn giúp tôi luôn cân bằng, luôn vui vẻ và khiến tôi hiểu rõ về bản thân.

Hoá ra, việc phải hiểu được rõ bản thân mình rất quan trọng. Khi hiểu rõ mình là ai, mình muốn gì, làm thế nào để mình vui, hạnh phúc hay mục tiêu tồn tại của bản thân là gì thì tự nhiên thấy cuộc sống thật hết sức đơn giản”.

Những tháng ngày này, Phan Anh dành toàn bộ thời gian cho công việc nghiên cứu ẩm thực, làm một food blogger. Cô đã “kích hoạt” được phần sống động nhất, vui vẻ nhất trong chính con người cô khi được toàn tâm toàn ý với việc nấu nướng và ăn uống. Điều mà từ bé cô đã rất yêu thích tìm hiểu nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng nó lại được trở thành một công việc.

Phan Anh cho rằng, food blogger là một nghề phù hợp với cô ở thời điểm hiện tại. Bởi đó là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo cao, công việc không bị lặp lại, môi trường linh hoạt, cần rất nhiều các kỹ năng tổng hợp và kiến thức của nhiều lĩnh vực, cũng đầy thử thách và kích thích cô được “tái tạo”.

Phan Anh thổ lộ, “Công việc này chính là đòn bẩy hích tôi thoát khỏi “cái hố” của sự ổn định. May thay, nó đến trước khi tôi sụt vào sự-ổn-định-không-còn-mục-tiêu-muốn-thay-đổi”.

Mỗi ngày tới Esheep Kitchen Studio, sống, làm việc và chăm chút từng góc nhỏ bằng tình yêu bếp đến tuyệt đối, bằng sự gắn kết và trái tim rung động trước đồ ăn nhưng không có phải lúc nào Phan Anh cũng hứng khởi.

Hơn 5 năm làm blogger ẩm thực, cô nàng tóc tém lặng lẽ, “Kể cả lúc hứng khởi hay không hứng khởi, tôi đều miệt mài làm, bởi đó là công việc, là trách nhiệm, là con đường tôi đã chọn. Tôi nghĩ chẳng có cách nào khác để nuôi dưỡng đam mê ngoài việc phải thật chăm chỉ và rèn luyện việc chịu đựng áp lực trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nghề nào cũng vậy, đam mê nào cũng vậy, có cái nào trải toàn hoa hồng để bạn bước lên đâu. Muốn có hoa hồng, bạn phải chính là người tự trồng lấy một vườn hồng của riêng mình thôi”.

tit phu 3-2

"Mẹ với chị Mĩm có biết không? Một lần con đã kể với các bạn con về việc con chỉ thích ăn đít dưa hấu mà không thích ăn đầu. Thế là chúng nó cũng hỏi con y hệt như mẹ và chị Mĩm. Rồi chúng nó cười phá lên! Rồi sau đó chúng nó chế nhạo con và chê con là 'Đồ đần!'.

Mẹ với chị Mĩm có biết là đít dưa hấu là phần ngọt nhất và ít hạt nhất, trong khi phần đầu lại nhiều hạt nhất không? Trong sách khoa học tự nhiên về các loại quả có viết thế. Và con ăn thử thấy đúng như vậy. Hoá ra nhìn cứ tưởng giống nhau nhưng đầu và đít dưa hấu lại khác hẳn. Chứ không như lạp xường hay bánh mì”, Phan Anh ngỡ ngàng trước sự bình tĩnh giải thích của cô con gái Cừu.

Nhưng với Phan Anh, đằng sau cách phân biệt phần đầu và phần đít của quả dưa hấu là bài học lớn hơn về cuộc sống này, “Tôi nghĩ, đôi khi, chỉ cần biết lắng nghe trước khi phê phán và chê cười một ai đó, là đã giúp bản thân mở rộng hiểu biết hơn nhiều rồi!”

Trong cuốn Cookbook Vị yêu, Phan Anh đã viết lời đề tựa: “Yêu thương tặng Mr.J, Mĩm và Cừu, gia đình bé mọn của tôi…” và câu cuối của lời ngỏ: “Và cũng như Yêu thôi, hãy giữ tâm hồn bạn giản dị nhất, thật thà nhất khi vào bếp”.

Phan Anh cho tằng, căn bếp là một cái cớ rất có lý để gia đình dành thời gian cho nhau. “Hãy tưởng tượng việc sau một ngày làm việc hay đi học về, chúng ta có vài phút nấu ăn hoặc chỉ đơn giản là sửa soạn cùng nhau một bữa ăn, sẽ vui hơn là việc ngồi vào ăn, ăn xong đứng dậy mỗi người một nơi. Chưa kể, bếp là nơi người cha, người mẹ dễ dàng truyền dạy cho con cái rất nhiều kỹ năng sống, chia sẻ kinh nghiệm và kỷ niệm. Những đứa con, biết vào bếp, thường sẽ tự tin hơn khi được tự tay “làm việc”, tự tay trải nghiệm sự thú vị của thực phẩm, hiểu hơn được ý nghĩa của san sẻ, của việc chăm sóc gia đình qua căn bếp”.

Bằng một cách nào đó, Phan Anh đã lan toả được sự yêu thích đồ ăn, yêu thích nấu nướng đến hai cô con gái nhỏ Mĩm và Cừu của mình. Mĩm và Cừu rất thích ăn ngon, thích khám phá đồ ăn, chăm chú đến việc nấu ăn và chăm sóc người khác. Đối với Phan Anh, điều này hết sức tuyệt vời. Và việc chồng cô luôn nhớ đến và yêu thích những món ăn cô nấu cũng khiến cô hạnh phúc.

“Tôi chưa bao giờ đặt gia đình và công việc lên bàn cân. Với tôi, gia đình luôn được đặt lên hàng đầu. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy thành công nhất của mình chính là có hai cô con gái cực lém lỉnh, một anh chồng biết đàn hát rất hay, sẵn sàng làm mọi việc vì mẹ con tôi. Những thứ còn lại, tôi không gọi là thành công, nó là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời mà thôi”, Phan Anh thổ lộ. 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO