Báo Điện tử Gia đình Mới

Quy định mới khiến tài xế không uống rượu, bia cũng có thể rơi vào lao lý?

Nếu đưa vào điều luật con số giới hạn nồng độ cồn trong máu là số 0 tuyệt đối, thì sẽ có những trường hợp lái xe rơi vào vòng lao lí, mà họ không hề uống một giọt rượu hay giọt bia nào.

Các đại biểu Quốc hội vừa bấm nút thông qua quy định “Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" với 374/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 77,27%.

Nếu được Quốc hội phê duyệt, thì Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020.

Xung quanh vấn đề lái xe có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, phóng viên Gia Đình Mới có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn:

-Phóng viên: Thưa ông, với vai trò một bác sĩ, ông chia sẻ thế nào về việc Quốc hội biểu quyết nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn?

-Bác sĩ Trần Văn Phúc: Nếu là một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, thông qua việc cấm lái xe không được uống một giọt rượu bia nào, thì tôi cho rằng rất tốt, bởi say rượu khi lái xe giống như đang tiềm ẩn hành vi giết người.

Là một bác sĩ làm trong bệnh viện chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc mà lái xe nồng nặc mùi rượu, nên tôi rất hiểu mối liên quan giữa rượu và tai nạn sẽ nghiêm trọng như thế nào.

Nhưng cũng dưới con mắt của một bác sĩ, khi liên hệ với khả năng thực thi pháp luật, thì quy định “nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", có nghĩa là nồng độ cồn trong cơ thể phải bằng 0 khi lái xe, nếu những câu chữ này ghi vào điều luật, theo tôi cần phải xem xét lại kĩ lưỡng hơn.

Tôi xin nhấn mạnh: con số giới hạn là số 0 tuyệt đối!

Giới hạn bằng 0 tuyệt đối, phải hiểu đúng là bất kì ai có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở trên con số 0, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Theo tôi, con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối này, trong một số trường hợp cụ thể sẽ xuất hiện những vấn đề pháp lí gây tranh cãi.

  Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bác sĩ Trần Văn Phúc

-Nghĩa là ông không đồng ý với 374/446 đại biểu Quốc hội đã biểu quyết?

-Đừng hiểu sai ý tôi!

Nếu đưa vào điều luật con số giới hạn nồng độ cồn trong máu là số 0 tuyệt đối, thì sẽ có những trường hợp lái xe rơi vào vòng lao lí, mà họ không hề uống một giọt rượu hay giọt bia nào.

Tôi lấy ví dụ giả định, một tài xế lái ô tô đi đúng luật trên đường, bị một xe máy vượt sai quy định đâm vào ô tô và tử vong. Kết quả giám định máu và hơi thở người lái ô tô có nồng độ cồn vượt qua số 0.

Trước thời điểm tai nạn người lái xe ô tô vừa ăn hoa quả và uống nước trái cây bị lên men rượu. Như vậy, tài xế ô tô có nồng độ cồn trong máu đã vi phạm luật, nên căn cứ Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999, thì tài xế ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thậm chí phạt tù đến 10 năm. 

Có nhiều lí do để một người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Đó là các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức. 

-Ông có thể nói cụ thể hơn?

-Tôi tìm được khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch, thành phần bên trong có chứa cồn. Danh sách nước súc miệng chứa cồn tôi cũng đếm được 11 loại tất cả. 

Không có thực phẩm tự nhiên nào chứa rượu. Nhưng một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên, hoặc quá trình chế biến có thêm rượu, mặc dù là lượng rất nhỏ.

Tôi lấy ví dụ món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp rồi đem nấu chín theo cách thông thường vẫn giữ được hơn 70% lượng cồn, phải đun kĩ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế.

Với các món tráng miệng nướng được làm bằng Vani cũng chứa cồn, nếu thời gian nướng 15 phút vẫn giữ lại 40% cồn, nướng 60% thì lượng cồn là 25%, muốn hết sạch cồn chỉ có cách nước cháy toàn bộ. Các loại bánh tráng miệng như bánh châu chấu của Pháp hay một số loại bánh khác cũng có thể chứa cồn.

Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa một lượng nhỏ cồn. Phong cách nấu ăn lành mạnh không thể thiếu giấm, vì bản thân giấm nhờ vào hương vị đặc biệt của nó, mà khi khi chế biến thực phẩm thì hương vị giấm sẽ giúp giảm bớt lượng muối, giảm bớt chất béo.

Chính vì thế, giấm đang trở nên phổ biến trong các gia đình văn minh, các chủng loại giấm cũng dần phong phú hơn, từ giấm bỗng rượu, giấm trắng, giấm táo, giấm rượu vang, giấm lúa mạch nha, giấm Balsamic, giấm dừa, giấm nho, giấm bia.

Hoa quả và trái cây chứa đường chín quá mức, một số đồ uống từ trái cây, một số loại nước tăng lực, trà Kombucha cũng có thể chứa cồn.

Rõ ràng, sẽ có những người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng họ sử dụng các chế phẩm thuốc, ăn thực phẩm hay trái cây chứa rượu, thì vẫn xuất hiện nồng độ cồn trong máu và hơi thở.

Quy định mới khiến tài xế không uống rượu, bia cũng có thể rơi vào lao lý? 1

-Vậy nồng độ cồn trong máu nên quy định như thế nào là hợp lí khi điều khiển phương tiện giao thông?

-Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Y học khuyết tật và phục hồi chức năng tại Đại học Queensland, trong số các vụ tai nạn nghiêm trọng có 76% tài xế kiểm tra nồng độ cồn dao động từ 0,10% - 0,24% trong máu. Nhưng ở ngưỡng 0,05% nồng độ cồn trong máu, chỉ có 4,4% tài xế, trong tổng số các vụ tai nạn nghiêm trọng. 

Thụy Điển năm 1990 đã quyết định giảm ngưỡng nồng độ cồn trong máu từ 0,05% xuống 0,02% mới được phép lái xe. Nghiên cứu công bố năm 1997 cho thấy, tỉ lệ tai nạn giao thông đã giảm 7,5% và số ca tử vong do tai nạn đã giảm 9,7%.

Các quốc gia đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học, đã có “những bằng chứng mạnh mẽ” cho thấy nồng độ cồn trong máu ảnh hưởng đến khả năng xử lí khi lái xe. Dựa trên những nghiên cứu ấy, mỗi quốc gia đưa ra một con số giới hạn quy định, đảm bảo phù hợp với đặc điểm xã hội và chủng tộc. 

Nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới không sử dụng con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối, ngoại trừ những quốc gia như UAE, Ả Rập Saudi và Pakistan, Afghanistan sử dụng con số 0 do vấn đề văn hóa và tôn giáo. 

Tôi xin đưa ra những con số cụ thể ở 221 quốc gia và khu vực lãnh thổ quy định nồng độ cồn trong máu (BAC) không được phép vượt quá khi lái xe:

Giới hạn 0.00% BAC: có 28 quốc gia.

Giới hạn 0.01% BAC: có 1 quốc gia.

Giới hạn 0.015% BAC: có 2 quốc gia.

Giới hạn 0.02% BAC: có 9 quốc gia.

Giới hạn 0.03% BAC: có 11 quốc gia.

Giới hạn 0.04% BAC: có 4 quốc gia.

Giới hạn 0.05% BAC: có 87 quốc gia.

Giới hạn 0.06% BAC: có 3 quốc gia.

Giới hạn 0.07% BAC: có 1 quốc gia.

Giới hạn 0.08% BAC: có 70 quốc gia.

Giới hạn 0.10% BAC: có 2 quốc gia.

Không giới hạn: có 13 quốc gia.

Như vậy, phổ biến vẫn là con số 0,05% với 87/221 quốc gia, tiếp theo là con số 0,08% với 70/221 quốc gia. Chúng ta chưa có những con số nghiên cứu cụ thể, nhưng rõ ràng con số 0 tuyệt đối mà các đại biểu Quốc hội vừa ấn nút biểu quyết, theo tôi chưa hợp lí; và những con số mà các quốc gia đang áp dụng rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ tham khảo. 

-Vâng, xin cám ơn bác sĩ Trần Văn Phúc!

Nguyễn Long (thực hiện)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO