Báo Điện tử Gia đình Mới

Quý I/2019 phải hoàn thành việc khám sức khoẻ định kỳ cho tài xế vận tải

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện nghiêm quy định về khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe, nhất là tài xế xe có khối lượng lớn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành về thực hiện pháp luật an toàn giao thông với tất cả đơn vị kinh doanh vận tải.

Trong quý 1/2019, việc kiểm tra các đơn vị vận tải có phương tiện gây tai nạn giao thông trong một năm trở lại đây phải hoàn thành.

Các sở giao thông phải khám sức khoẻ toàn bộ lái xe vận tải trong quý 2/2019. Địa phương giao trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị trong đảm bảo an toàn giao thông.

Trong bối cảnh liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà tài xế xe tải đường dài có một số vụ khiến dư luận bàng hoàng, việc khám sức khỏe cho lái xe quan trọng thế nào và lái xe cần khám những gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

  Việc khám sức khoẻ định kỳ cho tài xế cần phải được thực hiện nghiêm. Ảnh minh họa

Việc khám sức khoẻ định kỳ cho tài xế cần phải được thực hiện nghiêm. Ảnh minh họa

Theo ThS.BSCK2 Ngô Thị Cẩm Hoa, Trưởng khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Nhân dân 115, lái xe là công việc đòi hỏi sức khỏe thật tốt vì nó liên quan đến an toàn cho một hay nhiều người ngồi trong xe cũng như an toàn cho nhiều người và các phương tiện xung quanh.

Đã có những vụ tai nạn gây thiệt hại tính mạng và tài sản do người tài xế không đảm bảo sức khỏe khi lái xe.

Luật đã quy định rất rõ: Tài xế sử dụng loại xe gì cần có sức khỏe thế nào, ví dụ: Tài xế lái xe từ 9 chỗ trở lên cần tiêu chuẩn cao hơn tài xế lái xe dưới 9 chỗ.

Thông tư liên tịch số: 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT giữa Bộ Y tế và Bộ giao thông vận tải ban hành 21/08/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Bác sĩ Hoa cho biết thêm, để khám sức khỏe cho lái xe, lái xe phải kê khai rõ chi tiết tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng và được khám về tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp...

Ngoài ra cần thực hiện các xét nghiệm bắt buộc như: Xét nghiệm ma túy (test Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphetamin, Marijuana (cần sa)), Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở; các xét nghiệm chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ khám sức khỏe như: Huyết học/sinh hóa/X.quang...

Nội dung khám sức khỏe cho tài xế căn cứ theo: Phụ lục số 02 mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21 tháng 8 năm 2015)

Nếu tài xế lái xe không được khám sức khỏe ban đầu, khám định kỳ có thể gây tai nạn thiệt hại tính mạng và tài sản cho chính tài xế, hành khách và những người xung quanh.

Việc khám sức khỏe định kỳ được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.

Khám sức khỏe tổng quát gồm các bước khám thể trạng, khám lâm sàng tổng quát, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.

Sau đó dựa trên các kết quả khám, bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát sẽ kết luận tình trạng sức khỏe của người tham gia khám và có hướng cần khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lâm sàng nếu nghi ngờ có bệnh hoặc khám thêm chuyên khoa, làm thêm cận lân sàng đối với trường hợp khám sức khỏe cho đối tượng có nghề nghiệp đặc thù.

-Khám thể trạng: chiều cao, cân nặng, mạch, huyết áp.

-Khám lâm sàng tổng quát: bác sĩ thăm khám trực tiếp hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận-tiết niệu, nội tiết, cơ-xương-khớp, hệ thần kinh, tâm thần, mắt, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, da liễu.

-Nếu nghi ngờ có bệnh, bác sĩ Nội khoa tổng quát sẽ yêu cầu người đi khám đăng ký khám thêm các chuyên khoa: ung bướu, phụ khoa, nam khoa, lão khoa, tâm thần…

-Xét nghiệm máu, nước tiểu: như công thức máu (đếm tế bào máu), tổng phân tích nước tiểu, đường máu, mỡ máu (Cholesterol, Triglycerid, LDL, HDL), chức năng thận (urea, creatinin), men gan (SGOT, SGPT), viêm gan B, C, acid Uric máu, chức năng tuyến giáp, một số chất chỉ thị nghi ung thư nếu có chỉ định hay yêu cầu.

-Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang ngực; siêu âm ổ bụng và/hoặc tuyến giáp...

-Nội soi dạ dày, đại tràng, siêu âm vú... khi có chỉ định như gia đình có nhiều người: bị ung thư dạ dày, bị đa pô-líp đại tràng hoặc ung thư đại trực tràng, bị ung thư vú...

-Thăm dò chức năng: Điện tâm đồ...

Xem thêm tuyến bài về Tai nạn giao thông trên Gia Đình Mới TẠI ĐÂY

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO