Báo Điện tử Gia đình Mới

Ra chiến lược điều trị không có trong sách vở để cứu bệnh nhân COVID-19

Nam bệnh nhân COVID-19 chuyển biến xấu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các cộng sự của mình đã mạo hiểm đưa ra chiến lược điều trị 'liều lĩnh', không có trong sách vở để cứu sống bệnh nhân.

Chiến lược 'liều lĩnh'

Câu chuyện đã xảy ra vài tháng nhưng ngồi nhớ lại bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn còn nguyên cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm ngày nào.

Trầm ngâm nhớ lại chuyện cũ, vị chuyên gia truyền nhiễm này kể lại: “Đó là thời điểm đầu tháng 3, một bệnh nhân nam trung tuổi có diễn tiến nguy kịch. Đây là một trong số những ca COVID-19 nặng đầu tiên của cả nước.

Chúng tôi đã rất “đau đầu” khi phải đưa ra lựa chọn áp dụng chiến lược điều trị cũ hay tìm chiến lược điều trị mới”.

Với bệnh nhân này, nếu áp theo kiến thức điều trị cũ trên kinh nghiệm của bệnh cúm, bệnh SARS thì bệnh nhân này phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO.

“Nhưng khi chúng tôi tiến hành thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân thì chúng tôi quyết định can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập.

Quyết định này của chúng tôi cũng đòi hỏi hơi “liều” một chút, can đảm một chút. Bởi nếu đối chiếu với sách vở về những bệnh lý tương tự thì làm như vậy có vẻ chưa đúng.

Nhưng thực tế đối với trực tiếp cá thể bệnh nhân này thì quyết định đó là một quyết định đúng” – BS Cấp nói.

  Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (bên phải) đang thăm khám cho bệnh nhân nặng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (bên phải) đang thăm khám cho bệnh nhân nặng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Và chính sự mạo hiểm ấy đã đem lại những hiệu quả đáng kinh ngạc. Sau một thời gian chăm sóc tích cực, bệnh nhân không cần đến thở máy hay chạy ECMO, đáp ứng điều trị và dần hồi phục.

Ca bệnh này giúp bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp của mình vững tin trong việc thay đổi chiến lược điều trị, có ý nghĩa rất lớn nếu dịch bệnh lan rộng, máy thở và thiết bị ECMO không đủ để đáp ứng.

Rất mừng là sau này, nhiều quan điểm của các nhà khoa học đưa ra đồng quan điểm với sự thay đổi có phần “liều lĩnh” của bác sĩ Cấp và các cộng sự.

Lật ngược quan điểm về phòng hộ và cải tiến các biện pháp phòng COVID-19

Thời điểm hai nhân viên y tế đầu tiên tại bệnh viện bị lây nhiễm COVID-19 từ bệnh nhân, dù đã tuân thủ các quy định về phòng hộ. Đó cũng bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp phải nhìn nhận lại về quan điểm về phòng hộ trước đây.

COVID-19 dễ dàng lây truyền từ người sang người và đường lây truyền của virus trong phòng hồi sức cấp cứu, trong môi trường kín như máy bay, không chỉ qua giọt bắn nhỏ mà còn qua khí dung.

Ngay sau đó, bệnh viện quyết định nâng mức phòng hộ nguy cơ lây nhiễm trong phòng hồi sức cấp cứu lên một bậc, nhân viên y tế thay vì chỉ sử dụng khẩu trang N95, mạng che mặt, găng tay, quần áo phòng hộ, cần có thêm mũ trùm đầu và máy lọc khí.

Tại thời điểm đó, thiết bị này không sẵn có trên thị trường, bởi vậy, các bác sĩ phải tìm cách thiết kế, sáng tạo trên những vật dụng đang có. Sau khi những thiết bị “tự chế” ấy được đưa vào sử dụng, bệnh viện không có thêm nhân viên y tế nào lây nhiễm chéo COVID-19.

Với kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 của mình, bác sĩ Cấp và các cộng sự của mình được cử đi Guinea Xích Đạo đón hơn 200 công dân Việt Nam về nước.

Đây là một chuyến đi với nhiều khó khăn và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 của nhân viên y tế là rất cao.

  Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, PGĐ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Với vai trò “thuyền trường”, bác sĩ Cấp đã chỉ huy đoàn đi đón chuẩn bị sẵn sàng cả về thiết bị phòng hộ lẫn tinh thần.

Những thiết bị được bác sĩ Cấp và đồng nghiệp tự sáng tạo để phòng dịch cũng được các bác sĩ đem theo trong chuyến bay đón đoàn  công dân Việt về từ Guinea Xích Đạo.

“Chuyến đi là sự kết tinh của tất cả các cố gắng từ trước, bao gồm tất cả các tính toán và các bước chuẩn bị.

Sử dụng các kiến thức, kinh nghiệm của mình sẵn có từ trước, cùng với đó là tìm tòi, học hỏi, sáng tạo những cái mới để phù hợp.

Nhất là trong môi trường đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên máy bay, tình huống mà chúng tôi chưa từng phải đối mặt bao giờ. Bây giờ chúng tôi phải đối mặt, phải tính toán sao cho an toàn nhất cho đoàn công tác.

Và đến thời điểm công bố đoàn đi đón công dân đều âm tính, không ai lây nhiễm bệnh, tất cả an toàn, khỏe mạnh là khoảnh khắc rất vui và hạnh phúc của chúng tôi. Cảm thấy tất cả nỗ lực của mình đã đạt được tới thành công” – Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Được đề cử công dân thủ đô ưu tú

Với những nỗ lực và cống hiến của mình cho cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, là một trong 10 người vừa được đề cử xét tặng danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2020. Ông cũng là đại diện duy nhất của ngành y tế có mặt trong danh sách này.

Bác sĩ Cấp cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đóng góp rất to lớn trong việc khống chế thành công dịch COVID-19, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền Bắc.

Không những vậy, tại thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở miền Trung, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp đã vào Huế để hỗ trợ các đồng nghiệp miền trong chống dịch, cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân nặng.

“Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải khi chống dịch là đây là một bệnh lý mới. Thời gian đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân, trên thế giới cũng chưa có nhiều thông tin về bệnh, chỉ có một số kinh nghiệm từ Vũ Hán. Các tài liệu bằng tiếng Trung Quốc để đọc hiểu cũng rất khó khăn, không giống như tài liệu tiếng Anh.

Nguồn thông tin, tài liệu hạn chế. Các quan điểm điều trị chủ yếu dựa vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như bệnh SARS, MERS CoV, bệnh, cúm…

Chính vì xây dựng chiến lược điều trị bệnh từ những bệnh lý tương tự nên khi áp sang bệnh lý COVID-19 không phải lúc nào cũng đúng nên là đòi hỏi thầy thuốc phải luôn sát sao bệnh nhân, tìm ra những vấn đề thực sự của bệnh nhân để điều trị cho đúng với tình trạng của người bệnh.

Sau khoảng 10 – 20 bệnh nhân đầu tiên, chúng tôi có dần các kinh nghiệm, có dần các hiểu biết về bệnh COVID-19. Đồng thời, các nghiên cứu trên thế giới cũng dần sáng tỏ dần và đến giờ việc chẩn đoán, điều trị mới dần rõ ràng hơn” – BS Cấp cho hay.

Trong đợt dịch COVID-19, với vai trò là Trưởng khoa Cấp cứu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cùng tập thể khoa cấp cứu đã xây dựng kế hoạch, thu thập tài liệu soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa học và chia sẻ cho các đồng nghiệp về nCoV.

  Bác sĩ Cấp từng có bài báo nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế

Bác sĩ Cấp từng có bài báo nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế

Cá nhân ông có 1 bài báo nghiên cứu khoa học được đăng tải trên tạp chí quốc tế, 1 bài được đăng tải trên tạp chí khoa học trong nước nghiên cứu khoa học về bệnh do SARS-CoV-2 gây ra; tham gia 1 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị bệnh COVID -19.

Bác sĩ Cấp cũng là người trực triếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi thao tác trong môi trường ô nhiễm; phối hợp với Công ty BKAV nghiên cứu thiết kế sản xuất thiết bị thở ôxy lưu lượng cao để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát trên phạm vi rộng).

Đồng thời ông đã tổ chức khám, phân loại, sàng lọc cho hàng ngàn đối tương nghi ngờ, trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân dương tính, trong đó có gần 20 bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Trong quá trình chống dịch ông cũng tham gia giảng dạy tại 4 lớp tập huấn, xây dựng chương trình đào tạo khẩn cấp về thở máy và hỗ trợ hô hấp và trực tiếp tham gia 2 buổi chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp do Sở Y tế Hà Nội tổ chức và thường xuyên kết nối, tư vấn cho các đồng nghiệp tại các bệnh viện và CDC trong cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Với những cống hiến xuất sắc trong ngành y, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp được Đảng, Nhà trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Bộ Nông nghiệp tặng Bằng khen năm 1988, 1999; Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2007, 2009; Công đoàn ngành y tế tặng Bằng khen năm 2010, 2020; Năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO