Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết!

Nhắc đến răng khôn, người ta nghĩ ngay đến những cơn đau ám ảnh. Không phải tất cả nhưng với hầu hết mọi người, quá trình mọc răng khôn thường gây đau nhức, sưng tấy… rất khó chịu.

 Răng khôn là răng nào?

Con người có tất cả 32 răng chia đều cho 2 hàm, mỗi hàm 16 răng. Trong đó, có 14 răng chính để thực hiện những nhiệm vụ của nó như chức năng ăn, nhai, nuốt… và chức năng thẩm mỹ.

14 răng này mọc từ lúc 6 tuổi và thường kết thúc vào khoảng 14 tuổi.

4 răng còn lại được chia đều ở 4 góc hàm. Đây là răng mọc sau cùng. Bởi vì nó mọc ở giai đoạn con người đã trưởng thành, từ 18 tuổi (đã khôn) nên được người ta gọi là răng khôn

Trong chuyên môn, bác sĩ gọi là răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 0
Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 1
Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 2

Ngược dòng thời gian một chút để quay về với thời đại của người tiền sử. Ở đời sống của người tiền sử, việc vệ sinh răng miệng không có; chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh (ăn cả đồ sống) nên hầu hết đều mất những răng hàm ở tuổi trường thành (khoảng từ 16 đến 18 tuổi).

Lúc này cũng là lúc răng khôn mọc ra để thay thế răng hàm, đảm bảo chức năng ăn nhai. Sự tính toán của tạo hóa nhằm  đảm bảo sự sinh tồn của con người thời tiền sử.

Vì sao mọc răng khôn lại đau?

Đối với đời sống của con người hiện đại, răng khôn lại là răng thừa.

Theo thời gian, do chế độ ăn uống được cải thiện với đồ ăn ngày càng mềm, xương quai hàm ở người trở nên nhỏ dần. Nhỏ tới mức chỉ đủ chỗ cho 14 răng chính, thậm chí có trường hợp còn không đủ chỗ cho nhóm răng này.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 3

Răng khôn cũng là răng, nên luôn có xu hướng mọc. Trong khi đó, trên xương hàm không còn đủ chỗ cho răng khôn nữa. Vì vậy, nó thường mọc nghiêng, mọc lệch hoặc thậm chí là mọc ngầm.

Đó là lý do mà quá trình mọc răng khôn gây nhiều phiền toái cho khổ chủ. Không chỉ dừng lại ở đau.

Tác hại của răng khôn như thế nào?

Viêm lợi vùng nướu răng khôn

Đây là loại nhiễm trùng phổ biến nhất khi răng khôn bắt đầu mọc. Khi ấy, phần lợi (nướu) trùm lên răng khôn đang mọc sẽ bị viêm đỏ và sưng tấy lên, gây cảm giác đau và khó chịu cho khổ chủ. Mức độ đau có thể từ ê ẩm cho tới những cơn đau hành bạn suốt một vài ngày, một số trường hợp còn có thể phát sốt.

Tranh giành chỗ, làm xô lệch các răng khác

Răng khôn là răng cối thứ 3 nên có hình dáng rất lớn. Nếu hướng mọc của răng khôn không bị kẹt, thì trong quá trình mọc, chúng sẽ gây ra sức ép chen chúc lên những chiếc răng gần đó: từ răng hàm lớn, răng hàm nhỏ và răng nanh hay thậm chí là cả răng cửa.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 4
Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 5

 Dễ bị sâu

Bởi vì răng khôn nằm ở rất xa trên cung hàm, lại bị khuất, bị lệch nên việc vệ sinh răng này rất khó khăn. Thậm chí có thể nói là không thể vệ sinh được.

Thêm nữa, khi răng lệch sẽ hợp với răng bên cạnh (răng số 7) tạo thành một hốc đựng thức ăn.

Theo thời gian, răng khôn sẽ bị sâu. Và trong nhiều trường hợp, răng số 7 cũng bị “vạ lây” bởi anh hàng xóm khó chịu này.

Nghiêm trọng hơn, khi răng khôn mọc ngầm có thể gây ra tình trạng bệnh lý gọi là viêm mô tế bào, hoặc thậm chí còn gây chèn ép dây thần kinh hàm dưới, gây ra tê nửa vùng mặt cho người bệnh.

Vì nó đem lại khá nhiều phiền toái và sự bất tiện cho sức khỏe  răng miệng nên thường thì răng khôn sẽ “bị” chỉ định nhổ bỏ.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 6
Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 7

Nhổ răng khôn có đau không? Có nguy hiểm không?

Bởi vì răng khôn nằm ở góc rất xa, lại bị lệch, bị nghiêng nên việc nhổ răng này thường phải tiến hành tiểu phẫu. Có nghĩa là, trong nhiều trường hợp cần phải bóc tách phần nướu, bộc lộ răng khôn.

Răng sẽ được chia nhỏ ra thành từng phần mới lấy ra được.

Nhổ răng khôn (hoặc những răng khác) thường không đau. Bởi vì có sự can thiệp của thuốc tê.

Tuy nhiên, bởi vì răng này nằm ở gần với cuống lưỡi và hầu họng nên quá trình thao tác của dụng cụ sẽ gây ra sự khó chịu nhất định cho bệnh nhân.

Vết thương của răng khôn sau khi tiểu phẫu khá lớn nên khi hết thuốc tê bệnh nhân thường có cảm giác đau. Có trường hợp đau nhiều và sưng tấy trong vòng vài ngày.

Nhổ răng khôn có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật. Sự mạnh tay với những dụng cụ có thể sẽ làm cho góc xương hàm bị tổn thương, răng bên cạnh bị ảnh hưởng. Thậm chí, có trường hợp sẽ gây tổn hại cho dây thần kinh hàm dưới.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 8

Vì vậy, nhổ răng khôn chỉ nên thực hiện với bác sĩ nha khoa có trình độ và nhiều kinh nghiệm.

Nhổ răng khôn hết bao nhiêu tiền?

Bởi vì răng khôn nằm ở vị trí khó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến khi nhổ. Tiểu phẫu răng khôn đòi hỏi phải có những dụng cụ chuyên biệt. Những dụng cụ máy móc này lại không hề rẻ. Nên chi phí tiểu phẫu cũng cao hơn so với nhổ những răng khác.

Răng khôn – Tất cả những điều cần biết! 9

Tùy vào độ khó của từng case, tùy vào từng phòng khám, từng vùng miền mà chi phí nhổ răng khôn khác nhau: có thể dao động từ 5 trăm nghìn cho tới 5 triệu đồng.

Những trường hợp chống chỉ định nhổ răng khôn

Chống chỉ định tại chỗ.

       Các bệnh viêm cấp tính, chờ hết giai đoạn cấp tính mới nhổ, vì dễ gây nhiễm khuẩn lan rộng.

   - Viêm lợi hay viêm miệng cấp tính.

   - Viêm khớp răng cấp tính.

   - Viêm quanh thân răng cấp tín

   - Viêm xoang cấp tính không nhổ các răng cối trên.

Chống chỉ định tạm thời.

* Trường hợp có các bệnh sau :

   - Bệnh rối loạn về máu.

   - Bệnh tim mạch

   - Bệnh đái đường

   - Bệnh dị ứng.

Cần có ý kiến của những bác sĩ điều trị bệnh nhân trên, khi bệnh đã ổn định hoặc nhổ có chuẩn bị.

* Bệnh động kinh và tâm thần : Phải cho dùng thuôc an thần vài ngày trước.

* Tình trạng đặc biệt của phụ nữ :

   -        Có thai : không nên nhổ răng, nhất là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Nếu cần nhổ phải có ý kiến của bác sĩ sản khoa.

   -        Có kinh nguyệt: có thể máu chảy kéo dài nên hoãn đến khi sạch kinh.

* Không nhổ răng khi bệnh nhân chưa hiểu rõ mục đích việc nhổ răng hay thầy thuốc cảm thấy việc làm chưa phù hợp.

* Khi chưa đủ các điều kiện cơ bản trong kỹ thuật nhổ răng.

Chống chí định tuyệt đối.

   - Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu (dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu).

   - Bệnh nhân đã điều trị tia X vùng hàm mặt (dễ bị hoại tử xương hàm).

Bs Trần Mừng/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO