Báo Điện tử Gia đình Mới

Sổ tay mua sắm 'ngon - bổ - rẻ' tại Tokyo, Nhật Bản

Mua quần áo giá rẻ ở Nhật không phải ‘nhiệm vụ bất khả thi’ nếu biết cách.

cam-nang-mua-quan-ao-gia-re-o-nhat

Tokyo là một trong những kinh đô thời trang của thế giới, nơi hội tụ nhiều nhà thiết kế thời trang cao cấp hàng đầu.

Quần áo ở Nhật nổi tiếng là đắt đỏ, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể mua được quần áo cũ và mới với giá rẻ ở những địa điểm sau.

Gia Đình Mới xin giới thiệu lộ trình mua sắm quần áo trong một ngày ở Tokyo, chắc chắn sẽ giúp ích cho trải nghiệm mua sắm của bạn.

1. Chợ trời

Cảnh một chợ trời ở Nhật

Cảnh một chợ trời ở Nhật

Nếu bạn là người đủ kiên nhẫn và tinh mắt để ‘bới’ hàng núi quần áo nhằm chọn cho mình bộ quần áo lý tưởng thì đây chính là nơi bạn nên đến.

Ở Tokyo có một số chợ trời hoạt động theo ngày nhất định. Một trong những chợ trời nổi tiếng nhất là chợ trời Ohi Racecourse ở ga Oimachi, mở cửa thứ Bảy và Chủ nhật từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Ở đây không chỉ bán quần áo mà còn có đồ nội thất và các đồ dùng gia đình khác.

Một phiên chợ trời Mottainai ở Nhật

Một phiên chợ trời Mottainai ở Nhật

Hoặc, bạn có thể ghé thăm chợ trời Mottainai, một phần của phong trào tái chế nổi tiếng Mottainai (mottainai nghĩa là ‘lãng phí quá’ trong tiếng Nhật), nơi chủ yếu bán quần áo.

Tuy nhiên, địa điểm và thời gian hoạt động của nó khá linh động, vì vậy bạn cần vào xem trang web chính thức để biết thêm chi tiết (mặc dù toàn tiếng Nhật nhưng không quá khó hiểu).

Ngoài ra, bạn có thể đến với một chợ trời khác với hơn 200 gian hàng ở trung tâm thủ đô Tokyo tại Công viên Shinjuku Chuo. Nó mở cửa từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (trừ phi trời mưa) nhưng lịch hoạt động cũng khá thất thường.

Bạn có thể xem thông tin trên trang web của chợ trời ở mục 直近開催 (‘Chokkin Kaisai’, nghĩa là ‘sự kiện mới nhất’).

Nếu bạn có thể đọc tiếng Nhật, tốt nhất hãy vào các trang Recycler.jp or Tokyo Recycle để xem danh sách chợ trời ở Tokyo và các khu vực lân cận.

2. Harajuku

Một cửa hàng bán phụ kiện ở Harajuku

Một cửa hàng bán phụ kiện ở Harajuku

Nhiều người có thể không thích mặc lại quần áo của người khác nhưng trên thực tế, quần áo cũ của người Nhật vẫn còn khá tốt.

Chợ trời thường đóng cửa sớm vào buổi chiều, vì thế sau khi bạn đã mua sắm xong, hãy đến thẳng trung tâm của Tokyo: Harajuku. Mua sắm ở đây không hề tốn kém nếu bạn biết một số mẹo sau.

Thứ nhất, hầu hết các cửa hàng ở phố Takeshita đều có một góc nhỏ để bán hàng sale.

Nhìn từ ngoài vào không rõ ràng lắm nhưng khi đi vào trong, bạn sẽ nhận ra ngay, vì vậy đừng ngại vào trong xem thử.

Một chuỗi cửa hàng đáng đến thăm là 390 Mart (đọc là ‘Sankyuu Mart’ hay ‘Thankyoumart’ – tất cả mọi món đồ bên trong đều có giá 390 yên (tương đương 78.000 VNĐ)

Bên trong cửa hàng 390 Mart

Bên trong cửa hàng 390 Mart

Đây là một cửa hàng tuyệt vời dành cho các tín đồ túi tote, những đôi tất đáng yêu, áo phông trơn và mũ. 

Ngoài ra các cửa hàng Takeshita Dori cũng có nhiều quần short denim và áo phông cũ với giá 390 yên. Địa điểm cuối ở Harajuku mà bạn nên đến thăm là cửa hàng quần áo cũ Kinji, nằm ở phố Meiji (Meiji Dori).

Cửa hàng này dành cho các khách hàng trẻ, tuy chất lượng không quá tốt nhưng giá khá rẻ, chỉ khoảng 400 yên (80.000 VNĐ) cho váy ngắn, áo phông và cardigan.

Đặc biệt, hãy thử đến Harajuku vào một ngày mưa. Để khuyến khích khách hàng, các cửa hiệu thường giảm giá 20% vào những ngày này.

3. Shibuya 

Cảnh ở Shibuya

Cảnh ở Shibuya

Từ Harajuku, bạn có thể đi bộ đến Shibuya ở phố Meiji và tiếp tục chuyến mua sắm giá rẻ của mình. Ở đây có hai cửa hàng bạn nên đến.

Đầu tiên là Bingo, cửa hàng quần áo cũ có nhiều thương hiệu nội và ngoại với giá rẻ. Cửa hàng này nằm ở tầng trệt của tòa nhà có chi nhánh Shibuya Book Off và là một phần của chuỗi cửa hàng Book Off nổi tiếng.

Địa điểm thứ hai bạn nên đến ở Shibuya là Don Don Down on Wednesday, ngay đằng sau cửa hàng Zara.

Đúng với tên gọi của nó, cửa hàng này thường giảm giá sản phẩm theo giờ. Đến cuối ngày, thậm chí có những sản phẩm chỉ còn 100 yên (khoảng 20.000 VNĐ)

4. Shinjuku

Empty

Từ Shibuya, hãy lên tuyến tàu Yamanote để đến Shinjuku. Ở đây bạn có hai lựa chọn.

Nếu mua quần áo cũ, bạn có thể đi ra bằng cửa phía Tây (cửa D5) của bến tàu ngầm Shinjuku Nishiguchi.

Cửa hàng Closet Child có 3 tầng, nằm ở tòa nhà phía tây bắc bến tàu với nhiều thương hiệu quần áo theo phong cách rock như Algonquins, Glad News, h.NAOTO với giá rẻ hơn nhiều giá gốc.

Nếu bạn thích những nhãn hiệu thời trang phương Tây, bạn có thể đi về phía đông, ở đó có cửa hàng của Forever 21 ở Shinjuku Sanchome.

Tầng 2 của tòa nhà là nơi bày bán hàng sale với giá chỉ từ 300 yên (khoảng 60.000 VNĐ)

5. Takadanobaba

Empty

Sau khi đã mua sắm thỏa thích ở Shinjuku, bạn có thể lên tuyến Yamanote và đi hai bến là đến Takadanobaba.

Khu này là của học sinh, sinh viên nên có rất nhiều quán ăn cũng như những cửa hàng giá rẻ mà bạn không thể bỏ lỡ.

Cửa hàng đầu tiên là Shimamura. Khi đến đây, bạn có thể phải ‘bới’ một chút nhưng chắc chắn sẽ tìm được những món đồ rẻ và đẹp.

Một điểm nữa là quần áo và giày dép ở đây có hàng ngoại cỡ, phù hợp với người nước ngoài.

Ngoài ra, Shimamura thường hợp tác với các hãng hoạt hình cũng như thần tượng âm nhạc, điện ảnh nên những sản phẩm ‘ăn theo’ được chiết khấu cao - nếu bạn là fan của các nhân vật hoạt hình của Sanrio hoặc Disney, đây chính là thiên đường dành cho bạn.

Thêm một địa điểm mua đồ secondhand nữa là Tanpopo House, đi từ phố Waseda (Waseda Dori) qua Đại học Waseda sẽ thấy cửa hàng nằm bên trái. Cửa hàng này có những giá đồ đồng giá 100 yên (khoảng 20.000 VNĐ).

Cuối cùng, bạn không thể bỏ qua Miniso, nằm ngay đối diện Tanpopo House.

Chuỗi cửa hàng này chủ yếu bán đồ gia dụng nhưng cũng có rất nhiều túi, mũ và tất đẹp với giá rẻ.

6. Nippori

Một cửa hàng vải ở Nippori

Một cửa hàng vải ở Nippori

Từ Takadanobaba, bạn có 2 lựa chọn. Một là lên tuyến Yamanote để tới Nippori.

Đây là một nơi rất thú vị với những ai thích thêu thùa với Thị trấn Vải Nippori (Nippori Sen-i Gai), nơi có hơn 100 cửa hàng bán đủ loại vải và đồ thêu.

Tuy nhiên, lời khuyên dành cho mọi người là nên tìm các giá có chữ ‘Hàng mẫu’ – đây là hàng mẫu thanh lý từ các trung tâm thương mại và thương hiệu nổi tiếng với mức giá chỉ bằng ¼.

Khi đến đây, đừng quên ghé thăm một số cửa hàng sau. Thứ nhất là Heiwa-do (ヘイワ堂), một chuỗi các cửa hàng bán buôn không chỉ bán vải và phụ kiện mà còn bán cả quần áo.

Tuy chất lượng không quá đặc sắc nhưng giá rất rẻ - một khi đã vào trong, bạn sẽ không thể trở ra tay không.

Cửa hàng thứ hai là Pop-Girl. Cửa hàng này cũng thuộc tập đoàn Heiwa-do nhưng chủ yếu bán đồ dành cho phụ nữ với mức giá rẻ.

7. Koenji

Empty

Từ Takadanobaba, một lựa chọn khác là đi tàu điện ngầm tuyến Tozai đến Nakano rồi từ đó đi tuyến JR Chuo đến Koenji.

Ở đây có một cửa hàng đồ cũ Mode Off nằm ngay phía bắc của cửa Bắc bến tàu Koenji.

Cửa hàng này có nhiều quần áo hàng hiệu vẫn còn mới, được xếp theo giá từ thấp đến cao.

Ngoài ra tại Koenji cũng có cửa hàng Don Don Down on Wednesday ở phía nam bến tàu nhưng nếu bạn muốn đến những cửa hàng quần áo vintage, đi qua khu vực PAL Arcade để tới Look Street.

Đây là thiên đường đồ vintage ở Tokyo, tuy giá không phải quá rẻ nhưng cũng có nhiều kệ đồ sale cho bạn lựa chọn.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO