Báo Điện tử Gia đình Mới

Stress nặng vì những câu hỏi vô duyên: Lương cao không? Bao giờ lấy chồng? Lúc nào đẻ?

Những câu hỏi mang mầu sắc quan tâm, quý hóa kiểu 'Lương cao không?' 'Bao giờ mới cưới chồng hả?' bị gom vào một hashtag #ngungvoduyen (ngưng vô duyên) của cộng đồng Facebook.

  Đừng để trẻ em bị cáu giận và tổn thương tâm lý vì những câu hỏi vô duyên

Đừng để trẻ em bị cáu giận và tổn thương tâm lý vì những câu hỏi vô duyên

Chắc không ít lần bạn gặp phải những câu hỏi như: "Em/cháu làm việc ở XYZ lương có cao không, bao nhiêu mỗi tháng?", hoặc: "Mấy con rồi? Trai hay gái? Đẻ nữa đi cho có nếp có tẻ…". Và, có bao giờ, chính bạn là người hỏi những câu như vậy?

Những câu hỏi vô tâm, vô tình và vô duyên

Sau đây là một đoạn chia sẻ về "tình cảnh" bị quan tâm quá mức của một bà mẹ trẻ trên mạng xã hội.

1. Chưa chồng: bao giờ lấy chồng, lấy chồng đi cho nó ổn định.

Vâng chắc cháu ổn định thì nhà bác giàu hay sao mà giục hơn cả bố mẹ ruột

2. Có chồng chưa có con: có baby chưa, hai vợ chồng đi khám xem có vấn đề gì không?…

Bác lại quan tâm đến gia phả nhà cháu quá!

3. Bầu: trai hay gái; ừ thôi tập này gái cố gắng tập sau…

- Bầu to: khiếp béo thế, đi bộ đi cho dễ đẻ…

- Bầu nhỏ: chẳng chịu ăn uống gì thì con làm sao khỏe, không biết nghĩ cho con; bé thế này con làm sao to được…

- Mệt không đi làm đc: làm như thế giới mỗi mình bầu; đã không phải đi làm còn mệt nỗi gì…

- Vẫn làm việc: không biết giữ gìn ảnh hưởng đến con hối không kịp…

4. Sau sinh:

- Sữa nhiều không?

- Không cho con bú mẹ thì làm sao con có tình cảm với mình?

- Sao không cho nó bú thêm sữa ngoài đi chứ sữa mẹ làm gì đủ chất?

- Mẹ làm gì mà để con khóc/còi/ốm…???

- Vừa đặt lưng xuống sau khi con ngủ, xộc vào phòng "dậy cô/dì/chú/bác bế cái nào,". Nhắc khéo cháu mới ngủ thì "ngủ gì mà lắm, tí nữa về rồi ngủ". Đến lúc con gắt ngủ cáu ầm lên "Thôi trả mẹ này".

- Nói xa nói gần đừng hôn cháu mà "thương thì mới thơm chứ không thì ai thèm"

Tâm trạng của người bị quan tâm là vừa bi vừa hài vừa khó chịu.

Chị em phụ nữ chưa có chồng, có chồng hay mang bầu… đều không thoát khỏi những câu hỏi quan tâm quá mức. Đến lúc nuôi con thì chị em còn vấp phải vô số những câu hỏi "khó đỡ" về chuyện con gầy, con béo, nuôi con thế lọ thế chai…

Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng là nạn nhân của những câu hỏi quan tâm quá mức. Câu hỏi vô duyên điển hình là: "Làm ở đâu? Lương bao nhiêu một tháng?"

  Bình luận viên Anh Ngọc chia sẻ: 'Chuẩn bị phát rồ vì một lần nữa lại bị hỏi 'Sao không đẻ thêm nữa à?'

Bình luận viên Anh Ngọc chia sẻ: 'Chuẩn bị phát rồ vì một lần nữa lại bị hỏi 'Sao không đẻ thêm nữa à?'

Tiếp theo, như bình luận viên Trương Anh Ngọc chia sẻ trên facebook cá nhân, cũng là những câu hỏi về chuyện con cái:

Chuẩn bị phát rồ vì một lần nữa lại bị hỏi, "sao không đẻ thêm nữa à?", đến khi bảo "cháu chỉ một đứa thôi ạ" thì lại bị bảo là "thế là không có trách nhiệm với tổ tông rồi".

Đấy là lần thứ 30 bị hỏi thẳng như thế kể từ khi về nước đấy các ông các bà ạ (chưa kể vài chục lần hỏi theo kiểu bóng gió).

Sao lại có cái kiểu văn hóa giao tiếp kỳ quặc theo cách vừa quan tâm đến đời tư người khác, với những điều tế nhị như thế, lại vừa dạy bảo theo kiểu bề trên áp đặt. Mà cái kiểu vừa quan tâm vừa dạy bảo ấy mình đã gặp ở rất nhiều người, lúc đầu thì cảm thấy cũng OK, chắc là họ hỏi theo kiểu quan tâm thôi, nhưng đến nhiều lần gặp sau thì rất bực vì họ cứ đay đi đay lại theo kiểu mình đã làm một điều gì đó có lỗi lớn với nhân loại.

Nhiều hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ

Nếu bạn là một người độc thân, một người phụ nữ hay một người đàn ông đã có gia đình, việc gặp phải những câu hỏi "xoáy" như trên có thể chỉ là một chút khó chịu, cảm giác không thoải mái để tiếp tục giao tiếp.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, khi khả năng nhận thức và phòng vệ (về tâm lý và thể chất) còn hạn chế, những câu hỏi vô duyên như vậy có thể để lại một tổn thương lớn với các em.

Rất nhiều người từng ấn tượng với status "Người lớn, hãy ngưng vô duyên!" của MC Nguyễn Minh Trang, Đài Truyền hình Việt Nam, khi chị kể về câu chuyện những lời nói, hành động khiếm nhã, xâm phạm sự riêng tư của các bé.

Tình hình là dạo này mình dù không muốn nhưng lại rất hay gặp phải những người "có lớn mà chẳng có duyên", đặc biệt là trong khi nói chuyện, tương tác với trẻ nhỏ.

Một vài trường hợp mà mình hay gặp thuộc các thể loại sau:

- Trẻ đang cầm món đồ gì đó CỦA TRẺ, xong người lớn tự dưng đòi xin bằng được. Kiểu: "Daisy ơi, cho bác xin cái kẹo/con búp bê… này đi". Ơ hay nhỉ? Bạn mới mua cái iPhone mới ra, tiết kiệm cả năm trời, xong có người xin bạn có cho không? Đối với trẻ con mà nói, con gấu bông yêu thích hay cái kẹo mút mãi mới xin được bố mẹ cho ấy mà, còn quý hơn vàng.

Tự dưng ở đâu ra xin, trẻ không cho lại bĩu môi kêu nó ki bo, thần giữ của các kiểu. Một phiên bản khác giật đồ trên tay trẻ rồi bắt trẻ lạy lục xin lại bằng được. Ơ hay nhỉ?

- Chả thân chả quen, tuần gặp trẻ chưa được một lần, mà nhìn thấy mặt từ xa đã véo von "Daisy chào bác chưa nhỉ?". Trẻ con nó còn đang mắt tròn mắt dẹt chưa nhớ nổi ai với ai, khẽ nhíu mày suy nghĩ hoặc bẽn lẽn nép vào sau bố mẹ thì người lớn kia tuôn luôn một tràng: "Ơ không chào bác à, 5 tuổi mà chưa biết chào à, ở nhà không ai dạy chào à…" bờ la và bờ la.

- Hỏi hoặc đùa những nội dung nhạy cảm, hoặc những nội dung 100% trẻ chả hiểu gì, hoặc xui trẻ đi nói những câu nó cũng chẳng biết nghĩa là làm sao.

- Người lớn rất hạn chế chê bai cơ thể của nhau, nhưng lại chả ngần ngại nhận xét và chê bai cơ thể của trẻ nhỏ…Cứ tưởng là đùa vui nhưng trẻ con sẽ tin 100% là thật và rồi sẽ âm thầm mặc cảm về bản thân suốt những ngày tiếp theo…

- Đùa quá trớn: doạ ma đến nỗi trẻ sợ tím tái mặt mày, khóc thét lên, hoặc ám ảnh mái sau này; hay cù léc quá đà đến nỗi trẻ đau quặn, cười không nổi mà chỉ khóc không thành tiếng.

- Vô tư vạch quần bé trai để "xem chim", sờ chim, thậm chí lấy ngón tay búng bung chim của trẻ, cái này có vẻ khá phổ biến ở các vùng nông thôn nơi mà quan niệm trọng nam khinh nữ, phải có cháu đích tôn nối dõi tông đường...vẫn còn rất nặng nề.

Ngoài ra là những người lớn chẳng suy nghĩ gì cứ nói thẳng vào mặt bé gái những nội dung kiểu như con gái đẻ lắm chả có tích sự gì, lớn lên lại tót đi lấy chồng, hoặc bố mẹ chả nhờ vả được gì đâu, phải phấn đấu đẻ lấy đứa con trai...

Thử tưởng tượng xem, trẻ nhỏ sẽ lớn lên ra sao với suy nghĩ rằng mình vô dụng, mình bỏ đi, mình chẳng có chút ý nghĩa hay giá trị gì trong mắt cha mẹ, gia đình?

   

 

Người lớn chẳng suy nghĩ gì cứ nói thẳng vào mặt bé gái những nội dung kiểu như con gái đẻ lắm chả có tích sự gì, lớn lên lại tót đi lấy chồng,...

Thử tưởng tượng xem, trẻ nhỏ sẽ lớn lên ra sao với suy nghĩ rằng mình vô dụng, mình bỏ đi, mình chẳng có chút ý nghĩa hay giá trị gì trong mắt cha mẹ, gia đình?

MC Minh Trang

- Một cách hành xử kém duyên nữa và để lại những hậu quả có thật, vô cùng thương tâm, đó là câu nói "MẸ SẮP CÓ EM BÉ RỒI, CHÁU CHUẨN BỊ RA RÌA THÔI!!!".

Thay vì trò chuyện với trẻ về sự háo hức và vui sướng khi gia đình chuẩn bị có thành viên mới, những câu nói như thế này sẽ khiến trẻ bị ám ảnh và suy nghĩ rất nhiều.

Người lớn chỉ nói một câu ĐÙA CHO VUI MIỆNG, nhưng tâm hồn non nớt của trẻ làm sao có thể phân biệt được đâu là thật, là đùa?

Đã có không biết bao nhiêu câu chuyện thương tâm chị ném em qua cửa sổ, bịt gối lên mặt em đến mức tử vong vì ngạt thở...vì suy nghĩ ám ảnh trong đầu trẻ về việc bị RA RÌA!!!!!

Trẻ nhỏ không phải là đối tượng để mang ra trêu đùa bỡn cợt, và không xứng đáng bị như thế!

Một bà mẹ khác ở TP. HCM cũng chia sẻ tâm sự:

Mới sáng sớm gặp ca khó đỡ: ơ hai đứa con gái à, thế thì phải sinh nữa.

Nói nghe nè, giờ em nó còn nhỏ, em nó chưa biết giận. Mốt nó lớn tí nó nghe được nó nghĩ sao? Ủa con là con gái con vô dụng lắm hả cô/ dì/ chú/ bác?

Những câu hỏi và xa hơn là hành động gắn mác "âu yếm" "quan tâm" với trẻ có thể gây ra phản ứng khó chịu ngay tức thì. Người có hành động đó nhẹ thì bị bẽ mặt, nặng thì có thể bị coi là có ý định "xâm hại trẻ em".

  Con là con gái vô dụng lắm hả cô/dì/chú/bác???

Con là con gái vô dụng lắm hả cô/dì/chú/bác???

Đó là trường hợp được nêu trong một bài viết khác của facebooker Anh Ngọc kể về trường hợp: người phụ nữ trung niên Việt Nam thò tay véo nhẹ vào má em bé nước ngoài và kêu lên: "Cô bé xinh quá".

Ngay lập tức, người bảo mẫu (người Việt) quay lại phản ứng: "Chị ơi, chị đừng làm thế".

Còn em bé thì lên tiếng ngay: "Don't touch me, please!" (Làm ơn, đừng chạm vào người cháu).

Tình huống này khiến người phụ nữ trung niên cảm thấy ngượng, cười một cách gượng gạo rồi bỏ đi, có lẽ vẫn chưa hiểu tại sao bị phản ứng.

Bình luận viên Anh Ngọc nhận xét: "Ở mình, việc các bà các cô sờ, bấu, véo... má, rồi tay, rồi một số bộ phận khác của trẻ nhỏ để thể hiện cảm xúc thích thú không kiềm chế được của mình với sự kháu của chúng từ lâu được coi là bình thường. "Yêu cháu quá, phải cắn cháu một cái chứ", có người nói thế.

Nhưng ở nhiều nước phát triển, việc đụng chạm như thế là điều cấm kị. Có những quy ước riêng cần phải tôn trọng về khoảng cách giữa người lớn và trẻ, trong khi bản thân trẻ từ khi còn bé đã được dạy về việc không cho người lạ tiếp xúc với bất cứ phần nào của cơ thể mình (…)

Người phụ nữ trung niên hành xử theo thứ văn hóa của bà và không cho là mình sai. Cô bé hành xử theo văn hóa của cô, bởi nó được dạy như vậy.

Nhưng trong cuộc sống hiện đại, khi những sự va chạm cơ thể trong các không gian hẹp có thể có các yếu tố tiêu cực, khi tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng tăng lên, thì việc dạy con cái mình tự vệ trước những va chạm từ người lạ là rất cần thiết, và chính các bậc cha mẹ cũng nên kiên quyết (hoặc khéo léo) tránh cho con để người khác chạm vào.

Hơn thế nữa, đấy cũng là cách để tránh lây lan các bệnh ngoài da có tính truyền nhiễm..."

Cách ứng xử trước những câu hỏi vô duyên

Bạn sẽ chọn cách phản ứng như thế nào khi mình bị "hỏi vô duyên"? Cam chịu, nổi nóng hoặc nhẹ nhàng nhưng dứt khoát để góp ý với người đối thoại.

   MC Minh Trang chọn cách 'giả vờ đồng tình' để không phải nói chuyện với những người vô duyên

 MC Minh Trang chọn cách 'giả vờ đồng tình' để không phải nói chuyện với những người vô duyên

MC Minh Trang chọn cách "giả vờ" đồng tình cho qua chuyện.

Chị đã kể lại câu chuyện một số người rất hay hỏi khi chị mang bầu em bé thứ ba: "Con gái hay con trai?". Biết được bé thứ 3 là gái, sau khi chị đã có 2 con gái, nhiều người sẽ ô, a… Chị phải lập tức trình bầy ngay: "Vâng, nhà cháu phải cố đẻ, bao giờ được thằng cu mới thôi bác ạ!".

Mặc dù trong thâm tâm hoàn toàn hạnh phúc với việc sinh 3 cô con gái, nhưng để khỏi mất công giải thích, phân bua về "kế hoạch dân số" của gia đình mình, MC thông minh đã chọn cách giả vờ ủng hộ những người nhiều chuyện.

Trong một số trường hợp, bạn nên chọn cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát bầy tỏ thái độ.

Thay vì cam chịu để ôm một "cục tức" to đùng trong người vì những câu hỏi vô duyên, bạn đơn giản có thể trả lời: "Thế à, nghe hay đấy, nhưng em/cháu/tôi chưa nghĩ đến việc đó".

Hãy bắt đầu thay đổi

Một số người cho rằng, việc "hỏi thăm vô duyên" hoặc có những hành động thân mật thái quá chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn, với những người tuổi trung niên hoặc cao tuổi.

Nhưng thực ra, lỗi giao tiếp này có thể vướng phải với bất cứ ai, bao gồm cả các bạn trẻ và người thành thị.

Có thể, nếu bạn còn trẻ tuổi, bạn sẽ hoàn toàn vô tư khi nhận xét bạn bè là "béo thế", "gầy thế", "mặt nhiều mụn thế"… Nhưng chắc chắn bình phẩm về bề ngoài của người khác là điều không nên.

Đôi khi, lỗi giao tiếp diễn ra tinh tế hơn. Ví dụ nhân dịp sinh nhật, bạn chúc sếp nữ - còn độc thân và đã gần 30 tuổi – sớm có người yêu, sớm "cho mọi người ăn cỗ". Điều này chắc chắn không thoải mái với cô ấy vì với những phụ nữ tầm tuổi 30 thì chuyện hôn nhân không phải là một đề tài để "tếu táo".

"Xía mũi vào chuyện người khác hoặc phán xét họ chẳng khác gì một môn thể thao toàn dân. Các mối quan hệ có thể bị ảnh hưởng một khi sự tôn trọng không hoặc ít tồn tại" – facebooker Trương Anh Ngọc nói về căn nguyên của vấn đề.

Nhà văn Đoàn Bảo Châu thì nhận xét nguyên nhân của những câu hỏi vô duyên là vì người hỏi ngoài những câu hỏi như thế họ không biết nói gì khác, hỏi những câu gì khác. Cách thức ấy đã thành thói quen giao tiếp hàng trăm năm của người Việt.

Đồng thời, anh cũng cảnh báo: "Không phải cái gì tồn tại lâu thì được phép chấp nhận.

Cuộc sống thay đổi đòi hỏi văn hoá giao tiếp cũng cần thay đổi, nhanh hay chậm là do ý thức của mỗi chúng ta và quan trọng hơn cả là định hướng giáo dục trẻ em về giao tiếp. Tránh trường hợp vô tình làm người khác khó chịu".

Vậy, nếu bạn không phải là những người "tung ra" những câu hỏi quá riêng tư ở trên, thì bạn hãy đảm bảo rằng những đứa con đang lớn lên mình không bao giờ có những câu hỏi như vậy.

Người Việt hãy ngưng phán xét người khác theo lăng kính của mình, theo chuẩn mực của mình.

Cùng xây dựng một thói quen giap tiếp mới, văn minh và nhân ái hơn, là điều mỗi người đều có thể làm được.

   

 

Những thông tin riêng tư tuyệt đối không nên hỏi, bình phẩm:

- Tuổi tác (đặc biệt với phụ nữ)

- Thu nhập

- Tình trạng hôn nhân

- Ngoại hình

- Số con, giới tính của con, kế hoạch sinh con...

Thay vì hỏi, trò chuyện về những đề tài nhạy cảm trên, với những người không quá thân thiết, bạn chỉ nên hỏi những đề tài dễ nói chuyện như: thời tiết, sự kiện thể thao, sở thích,...

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO