Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ lý giải nguyên nhân ăn thịt dê vẫn có thể nguy kịch vì nhiễm liên cầu lợn

Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch với tiên lượng xấu do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Qua khai thác tiền sử, cả hai bệnh nhân đều ăn thịt dê bị chết, sau đó không lâu, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đặc trưng của bệnh. 

Nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường gây ra biến chứng nặng nề, có khi đe doạ tính mạng người bệnh

Nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường gây ra biến chứng nặng nề, có khi đe doạ tính mạng người bệnh

Cụ thể, ngày 29/5, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết đã tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch với tiên lượng xấu do nhiễm khuẩn liên cầu lợn, được chuyển về từ Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa.  Đó là ông M.D.V. (49 tuổi) và M. Đ.D. (34 tuổi, trú tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa).

Theo thông tin từ người nhà, trước đó, vào ngày 26/5 gia đình được người thân chia phần thịt từ con dê bị chết để ăn. Sau 1 - 2 ngày, hai bệnh nhân lần lượt xuất hiện các triệu chứng sốt cao, buồn nôn, đi ngoài, tụt huyết áp và được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa.

Bệnh ngày càng tiến triển nặng, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Thông thường, người dân vẫn được biết, liên cầu lợn là vi khuẩn gây bệnh có trong lợn nhiễm bệnh. Bệnh lây nhiễm vào người qua tiếp xúc trực tiếp như chăm sóc, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh.

Nhưng hay gặp nhất vẫn là ăn những sản phầm lợn chưa nấu chín mà có chứa liên cầu lợn như tiết canh, các món thịt sống, thịt tái. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể con người thường diễn biến thành 2 thể bệnh chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu nên sẽ có những biểu hiện khác nhau tùy mỗi thể.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh nhân sử dụng tiết canh dê, thịt dê vẫn gây bệnh.

Lý giải về vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết: "Liên cầu lợn có thể tồn tại trên dê, ngựa… tuy nhiên rất hiếm gặp. Có thể nói, hai bệnh nhân ở Thái Nguyên kể trên là một trong những trường hợp hi hữu mắc liên cầu lợn vì ăn thịt dê". Điều đó cho thấy, người dân cần hạn chế sử dụng tiết canh cũng như không nên ăn đồ chưa được nấu chín kĩ.

Tiết canh, đồ tái sống là thực phẩm dễ lây truyền bệnh liên cầu lợn

Tiết canh, đồ tái sống là thực phẩm dễ lây truyền bệnh liên cầu lợn

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cảnh báo: “Trên thực tế thăm khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị bệnh liên cầu lợn, bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân vào viện điều trị bệnh liên cầu lợn vì trước đó đã ăn tiết canh dê. Có bệnh nhân khẳng định với tôi rằng trước đó vài ngày đã ăn tiết canh dê và thịt dê trong một chuyến đi đến vùng đất dê núi Ninh Bình.

Sau 2 ngày ăn đặc sản dê núi, bệnh nhân lên cơn sốt, đau đầu, buồn nôn, hôn mê và được đưa vào viện cấp cứu. Kết quả sau thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị viêm màng não mủ do nhiễm khuẩn liên cầu lợn”.

Lý giải về việc bệnh nhân đi ăn tiết canh dê ngoài hàng mà lại bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, BS Nguyễn Trung Cấp khẳng định, việc người bệnh ăn tiết canh dê bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn ngoài cửa hàng có thể là do chủ quán dùng tiết lợn pha lẫn với tiết dê để có lợi ích kinh tế nhiều hơn. Lượng thực khách có nhu cầu ăn tiết canh dê lớn, mà mỗi con dê chỉ có một lượng tiết nhất định nên tiết lợn được lấy để pha lẫn làm tiết canh dê.

Một khả năng nữa cũng có thể xảy ra là phần thịt, sụn được băm nhỏ làm bổi tiết canh là phần thịt lợn chưa được nấu chín. Vì phần cuống họng dê nhỏ nên nhiều khi phải dùng sụn, họng lợn để băm, pha vào cùng với tiết dê. Mà phần họng lợn là nơi khu trú của liên cầu khuẩn. 

Ngoài ra còn có khả năng, tiết là tiết dê nhưng khi người bán chế biến, pha trộn vào dụng cụ trước đó dùng đựng tiết canh của con lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn.

Hồng Ngọc - Lý Lĩnh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO