Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Nhi cảnh báo nguy hiểm khi dùng đề-xa để kích thích ăn ngon, chữa biếng ăn cho trẻ

Sau 1 tháng cho con uống thuốc dạng bột chữa biếng ăn, chị Nguyễn Thị Nhiên (ở Ứng Hòa, Hà Nội) thấy con béo ú dị thường, xấu xí. Hốt hoảng đem con đi khám chị Nhiên mới được biết con mình bị tác dụng phụ do uống đề-xa (hay corticoid) trong thời gian dài.

tre-beo-benh3

 Cho con dùng thuốc tăng cân, thuốc biếng ăn không rõ nguồn gốc sẽ làm nguy hại đế sức khỏe trẻ

'Thần dược' tăng cân hay hỗn hợp thuốc trộn không nguồn gốc

Con trai chị Nhiên được 14 tháng tuổi bắt đầu lười ăn, bé chỉ uống chút sữa và nước hoa quả. Dù chị đã thay đổi thực đơn liên tục nhưng bé vẫn không chịu ăn.

Tình trạng biếng ăn của bé kéo dài khoảng 3 tháng thì bé bắt đầu gầy còi hơn so với các trẻ cùng trang lứa.

Thậm chí nhiều người còn rè bỉu chị Nhiên chăm con vụng, nhà chẳng thiếu thứ gì mà để con gầy còm.

Sót ruột vì con không chịu ăn, chậm lớn, lại áp lực từ người thân về chuyện nuôi con nên chị Nhiên tìm kiếm đủ các biện pháp giúp con hay ăn chóng lớn.

Nghe theo người quen mách bảo, chị Nhiên cho con uống thuốc bột của một thầy lang. Những ngày đầu uống thuốc, bé ăn uống rất ngon miệng, không biếng ăn như trước.

Cân nặng của bé cũng tăng lên, nhìn bụ bẫm, phúng phính hơn. Thấy con thay da đổi thịt từng ngày chị Nhiên mừng lắm nên kiên trì cho con dùng thuốc hằng ngày.

Nhưng sau một tháng bé bắt đầu có biểu hiện phù mặt do tích nước, da thịt mềm nhão do tích mỡ, rạn da ở bẹn và bụng, hình hài bé dần xấu xí hơn bình thường…

Lúc này chị Nhiên mới hốt hoảng đem con đi thăm khám và được bác sĩ cho biết bé bị tác dụng phụ do dùng thuốc đề-xa sai cách.

PGS.TS-Nguyen-Tien-Dung

 PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ‘việc lạm dụng thuốc đề-xa (tên thuốc đầy đủ là dexamethason) để trẻ mập lên, ăn nhiều là điều hết sức nguy hiểm.

Dexamethason là một dạng corticoid, giá thành cực rẻ nhưng tác dụng phụ rất nhiều nếu sử dụng không đúng.

Một trong những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn khi người ta sử dụng đề-xa là ăn khỏe.

Về khoa học, người ta chỉ dùng để xa để chữa bệnh, không ai lại lấy đề-xa để chế thành thuốc kích thích ăn ngon, chữa biếng ăn.

Nhưng thực tế, có không ít những người mạo danh thầy thuốc, bác sĩ chế thuốc biếng ăn cho trẻ từ đề-xa, sử dụng tác dụng phụ của thuốc để làm trẻ ăn nhiều hơn.

Việc trẻ ăn nhiều hơn trong trường hợp sử dụng đề-xa là dạng bệnh lý, mà dân gian vẫn thường gọi là ‘béo bệnh’, điều này là không tốt đối với sức khỏe trẻ.

Quá trình thăm khám bệnh cho trẻ nhỏ tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp trẻ béo bệnh do dùng đề-xa sai cách.

Dù bác sĩ chúng tôi đã khuyến cáo rất nhiều với cha mẹ nhưng không hiểu sao họ vẫn tin vào thần dược, tin vào những lời quảng cáo có cánh và bỏ ngoài tai những lời cảnh báo nguy hại đến sức khỏe của trẻ’.

tre-beo-benh2

Trẻ tăng cân do dùng đề-xa thường bị tích mỡ ở mặt, bụng, thịt nhão, không có cơ 

Những nguy hiểm khi dùng đề-xa sai cách

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc cho trẻ dùng đề-xa sẽ gây cho trẻ cảm giác thèm ăn giả tạo, tăng cân giả tạo, béo giả tạo…

Bởi, một trong những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn khi người ta sử dụng đề-xa là ăn khỏe.

Từ việc ăn khỏe sẽ gây rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn chuyển hóa đạm, rối loạn chuyển hóa đường…

Và như vậy em bé sẽ tăng cân nhanh do tích nước, tích mỡ ở mặt, bụng, trông đứa trẻ rất xấu, nhiều mỡ nhưng không có cơ, xương rất nhỏ…

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ dùng thuốc đề-xa còn bị tăng huyết áp, tiểu đường, gây bệnh loãng xương, thậm chí rối loạn tâm thần.

Nhiều trẻ còn có biểu hiện mọc nhiều lông, trứng cá, rạn da bụng, đùi, trông rất xấu xí.

Ngoài ra, việc dùng thuốc cũng có ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ như gây viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày.

Mặc dù thuốc đề-xa được sử dụng để chữa nhiều bệnh như bệnh thận, dị ứng, bệnh đường hô hấp ở trẻ…

Nhưng, việc dùng thuốc như nào, hàm lượng bao nhiêu phải có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác hại của thuốc.

Chính vì vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh cho con mà không có hướng dẫn của nhân viên y tế.

tre-bi-phu

Trẻ uống thuốc có chứa đề-xa còn có biểu hiện mọc nhiều lông, trứng cá, rạn da, trông rất xấu xí

‘Cha mẹ không thể nhận diện được việc người ta trộn đề-xa vào thuốc, sản phẩm biếng ăn của trẻ hay không, chỉ khi cho con sử dụng một thời gian, thấy con béo lên một cách bất thường mới đi khám thầy thuốc và phát hiện ra.

Những dấu hiệu bất thường ở trẻ khi uống phải đề-xa có thể biểu hiện sau 1 tuần hoặc 10 ngày, cũng có trẻ khoảng 1 tháng, điều này tùy thuộc vào tỷ lệ người ta pha trộn, trộn nhiều thì biểu hiện nhanh, trộn ít thì lâu hơn.

Với những trường hợp bé uống phải đề-xa gây béo giả tạo, tăng cân giả tạo…, khi đi khám bác sĩ sẽ khuyên dừng thuốc mà không cần phải điều trị gì. Dừng khoảng 1 – 2 tháng là hết, có trẻ nửa tháng là hết, điều nay do liều lượng thuốc mà trẻ đã uống.

Sau khi trẻ hết các biểu hiện do uống đề-xa, cha mẹ cần đưa con đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân trẻ biếng ăn và có cách điều trị hợp lý.

Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho con, nhất là những thuốc không rõ nguồn gốc’- BS Dũng khuyến cáo.

Các tác dụng của đề-xa (corticoid) dễ bị lạm dụng 

- Corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên khi trẻ dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng, làm cha mẹ tưởng con tăng cân, béo lên. 

- Corticoid làm tiết nhiều dịch vị ở dạ dày, gây cảm giác đói, ăn ngon làm cha mẹ nghĩ thuốc có tác dụng giúp con ăn ngon. 

- Corticoid tác dụng lên hệ thần kinh gây sảng khoái, làm giảm cảm giác đau nhức ở cơ thể.

Nguyên nhân làm trẻ biếng ăn là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em, trong đó phải kể đến những nguyên nhân sau:

Do thiếu ăn

Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin...) dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ.

Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh.

Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài. Với trẻ lớn hơn cũng xảy ra tình trạng như vậy.

Dẫn tới tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn...

Khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn.

Khẩu phần ăn không cân đối

Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn.

Thường một vài tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt.

Trẻ bị ốm

Trẻ mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột...).

Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn.

Trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.

tre-bieng-an2

Trẻ bị thúc ép, người lớn quát mắng khi ăn làm cho trẻ sợ hãi là nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn ở trẻ 

Trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý

Khi bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn, thậm chí nhiều bé thấy phải ăn lànôn.

Một số nguyên nhân khác như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn, thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn…

Để giúp cho trẻ ăn ngon miệng trở lại, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân và loại bỏ những nguyên nhân đó. Đồng thời, cha mẹ nên chú ý đến những vấn đề sau: 

- Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân. 

- Phòng chống bệnh còi xương, bệnh thiếu máu do thiếu sắt ngay từ tháng tuổi thứ 2, liên tục cho đến ít nhất 5 tuổi. 

- Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và các chất khoáng như Magiê, kẽm. Đặc biệt là không được lạm dụng kháng sinh. 

- Giảm đau trong qúa trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng để trẻ cảm thấy ít đau khi ăn. 

- Tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng. Không nên vì mong con nhanh tăng cân mà ép trẻ ăn quá nhiều. 

- Để giải quyết tình trạng biếng ăn bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ, và điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO