Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ trực Tết là những đêm trắng ở phòng bệnh

Thật “oái oăm” trong khi các ngành nghề khác luôn mong có việc hoặc đông khách thì đối với các bác sĩ thì lại luôn mong mình “thất nghiệp”, và đặc biệt là “thất nghiệp” trong dịp Tết. Bởi điều ấy có nghĩa rằng mùa xuân an lành đã đến với mọi nhà trong những ngày đầu năm mới.

Ngày Tết là những ngày khối lượng công việc gần như tăng

Ngày Tết là những ngày khối lượng công việc gần như tăng "gấp đôi" ngày thường đối với các bác sĩ.

Tết là dịp nghỉ ngơi của nhiều ngành nghề, tuy nhiên với đội ngũ các y, bác sĩ thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Bởi trong thời khắc giao thừa hay trong những ngày đầu năm khi mọi người được sum họp bên gia đình thì họ những người mặc áo blouse vẫn hết mình, miệt mài với công việc.

Gạt niềm riêng, hoàn thành nhiệm vụ trực Tết

Đối với nhiều bệnh nhân, việc đón giao thừa ở bệnh viện là một điều bất đắc dĩ nhưng đối với các bác sĩ, việc đón giao thừa ở bệnh viện gần như đã là chuyện thương xuyên.

“Cuộc chiến giành giật sự sống” của các bác sĩ vẫn luôn kéo dài từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác và đặc biệt vào những thời điểm giao giữa năm cũ và năm mới lại là thời khắc “quyết liệt nhất”.

Bởi vào những thời điểm này, số lượng bệnh nhân tăng đột biến, hầu hết là những ca bệnh nặng, đội ngũ y, bác sĩ ở mỗi khoa giảm hơn ngày thường quá nhiều do vậy các bác sĩ phải làm việc với cường độ áp lực, vất vả hơn rất nhiều.

Không những vậy, ngày Tết, bệnh viện còn thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân say rượu, ngộ độc do rượu... và đón tiếp cả những hội nhậu say xỉn ùn ùn kéo vào theo bệnh nhân.

Họ hùng hổ ép bác sĩ phải quan tâm nhiều nhất, dùng thuốc tốt nhất cho bệnh nhân, hoặc dọa nạt, hành hung nhân viên y tế.

Có những nhóm khác thì vẫn quyết mang cả hận thù vào bệnh viện để “xử lý”, “thanh toán” lẫn nhau.

Do đó, kể cả ngày trực thường cũng như trực Tết hôm nào kết thúc ca trực mà ở bệnh viện không xảy ra chuyện chửi bới, dọa nạt, lấy cớ hành hung nhân viên y tế là cả kíp trực đều thở phào nhẹ nhõm.

Mấy năm gần đây nhờ có lực lượng 141, công an phối hợp với các bệnh viện, cùng với đó trình độ dân trí tăng cao nên tình trạng hành hung bác sĩ tại bệnh viện đã được hạn chế hơn. Bác sĩ trực trong những ngày Tết cũng được yên tâm hơn để điều trị cho bệnh nhân. 

Những ca bệnh vào viện dịp Tết hầu hết là những ca bệnh nặng.

Những ca bệnh vào viện dịp Tết hầu hết là những ca bệnh nặng.

5 năm trực giao thừa, đối với bác sĩ Tạ Xuân Trường - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nông nghiệp cho hay: “Mình gần như năm nào cũng trực Tết, còn trực đón giao thừa ở viện thì khoảng 4-5 năm  rồi.

Ngày trước khi chưa có gia đình mình thường trực đón giao thừa ở viện nhiều hơn. Lúc ấy còn trẻ, nên cũng chưa thấy buồn lắm, nhưng giờ khi đã có gia đình, mình cũng chỉ mong khoảnh khắc giao thừa ấy được sum vầy với gia đình nhỏ của mình!

Thế nhưng khi đã chấp nhận là bác sĩ, thì đây là đặc thù riêng của nghề, mình cũng chấp nhận thôi. Và trực Tết, đón giao thừa ở bệnh viện thật ra mình thấy cũng có những niềm vui riêng.

Mọi người cũng đến chúc tết mình, rồi thì mình cũng đi đến từng phòng bệnh chúc Tết các bệnh nhân. Thì đây là niềm vui riêng của những người trực Tết như mình”.

Kể về kỷ niệm nhớ nhất trong suốt những năm trực Tết, bác sĩ Trường bùi ngùi tâm sự: “Suốt những năm mình trực tết thì mỗi năm trải qua mình đều rất nhớ. Nhưng kỷ niệm nhớ nhất thì có lẽ là hình ảnh một cụ già phải ăn Tết tại bệnh viện một mình.

Bà không có gia đình, Tết phải ở lại bởi vì về nhà cũng chỉ có một mình, bà ở lại viện thì ít nhất vẫn còn một số bệnh nhân ở lại và bác sĩ, y tá trực tại bệnh viện.

Thật sự mình thấy bà rất là thiệt thòi, bởi ngày Tết, nếu như không phải vạn bất đắc dĩ thì họ sẽ không ở lại. Gần như ngày 30 tết là các bệnh nhân nếu có cũng sẽ được các bác sĩ kiểm tra, theo dõi xem đã ổn chưa, và có thể thì thuốc về nhà uống và theo dõi cho.

Còn với bà cụ đó, theo mình được biết thì bà ở lại ăn tết ở viện mình 3-4 năm liền. Nhưng giờ thì bà mất rồi!”.

Chia sẻ về những khó khăn cũng như vất vả trong những ngày trực Tết, bác sỹ Trường chia sẻ: “Những ngày Tết, nhân lực tại các khoa của bệnh viện ít nhưng số bệnh nhân lại có xu hướng tăng thêm nhiều, đặc biệt là những ca vào viện lúc này đều là những ca rất nặng.

Thường những ngày giáp đi làm, tức là khoảng mùng 4, mùng 5 thì bệnh viện đã tiếp nhận rất đông bệnh nhân, có những khi 30-40 bệnh nhân đến khám và các bác sĩ trong khoa cũng ở lại để hỗ trợ các kíp trực”.

Khi đồng hồ điểm dần tới con số 24h, khi thời khắc năm mới bắt đầu thì cũng là lúc

Khi đồng hồ điểm dần tới con số 24h, khi thời khắc năm mới bắt đầu thì cũng là lúc "cuộc chiến giành giật sự sống" cho bệnh nhân của các bác sĩ trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

“Chúc đồng chí trực có ít bệnh nhân”

Chuyện mất giao thừa, mất Tết vì cứu bệnh nhân không xa lạ với những bác sĩ. Nhớ đến những đêm giao thừa đã từng trải qua trong bệnh viện, hầu hết các bác sĩ đều cho biết đó là những ca nặng vì uống rượu bia, tai nạn giao thông, tình trạng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.

Trong thời khắc nhà nhà đoàn viên đón năm mới, pháo hoa hay tiếng chuông nhà thờ nổ vang rền khắp nơi nhưng đâu đó, ở mỗi bệnh viện vẫn có những ca bệnh quá nặng mà bác sĩ đã không thể cứu chữa khỏi.

Mặc dù, quen với việc đối diện ranh giới giữa sự sống và cái chết, các bác sĩ vẫn không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân ngay trong thời khắc đặc biệt của năm.

Với họ, năm mới bắt đầu bằng sự chứng kiến ra đi của một con người, vì vậy Tết cũng không còn trọn vẹn.

Chia sẻ về những lần trực Tết của mình, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho hay: “Bình thường lời chào, lời chúc năm mới luôn là những lời chúc được mọi người dành cho nhau nhiều nhất trong thời khắc năm mới.

Tuy nhiên, ở bệnh viện mọi người gặp nhau đều hỏi “hôm qua có đông bệnh nhân không” rồi lại chúc nhau “hôm nay đồng chí trực chúc đồng chí sẽ có ít bệnh nhân”, với họ đó là những lời chúc, hỏi thăm nhau giá trị nhất trong bệnh viện.

Hầu như ai cũng mong mỏi ít bệnh nhân nhưng lời mong mỏi, lời chúc đó hầu như chưa khi nào thành hiện thực”, bác sĩ Phúc bày tỏ.

Trong những ngày Tết, ngay cả trong bệnh viện, tình thương, tình yêu của con người dành cho nhau dường như được bộc lộ rõ hơn.

Với thầy thuốc trong mỗi bệnh viện luôn có những bác sĩ giao thừa qua lúc nào họ cũng chẳng hay bởi khi đó họ đang tập trung cao độ dưới ánh sáng của đèn mổ giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Họ đã dành hết tâm sức, thời gian đón Tết cùng gia đình cho những ca bệnh của họ. Bởi với họ, nếu năm nào trong những ngày Tết mà bệnh viện ít bệnh nhân, hay bệnh nhân đã trải qua thời khắc nguy kịch thì năm đó, mùa xuân an lành đã đến với mỗi nhà trong những ngày đầu xuân.

“Điều đáng sợ nhất trong trực Tết cũng như ngày trực thường là gặp phải ca bệnh nhân tử vong, nhất là những trường hợp tử vong tang thương như bệnh nhân trẻ tuổi, hay những cháu nhỏ.

Trong ngày Tết nếu chẳng may gặp trường hợp đó thì sẽ bị ám ảnh, thậm chí các bác sĩ sẽ mang cả nỗi buồn của bệnh nhân về gia đình mình trong những ngày đầu năm”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO