Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Trung tâm 115 chỉ ra những nguy hiểm bất ngờ với sức khoẻ trong thời tiết nắng nóng

Nhiều người dễ bị say nắng (còn gọi là sốc nhiệt) nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị tổn thương não, các cơ quan nội tạng, thậm chí dẫn tới tử vong.

Chóng mặt, ngất xỉu vì say nắng có thể dẫn tới tử vong

Tình trạng sốc nhiệt thường xảy ra với trẻ nhỏ, người già, những người đang mắc các bệnh lý mạn tính nào đó. Bởi đây là những đối tượng có sức đề kháng suy giảm nên dễ ảnh hưởng do những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết.

Biểu hiện ban đầu của say nắng thường là các dấu hiệu nhẹ như mệt lả, hoa mắt, chóng mặt, chuột rút do nhiệt… Vì bắt đầu bằng những dấu hiệu nhẹ nên nhiều người bỏ qua và dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Trần Anh Thắng cho biết, hoa mắt, chóng mặt, mệt lả... là những dấu hiệu cảnh báo bị say nắng

Bác sĩ Trần Anh Thắng cho biết, hoa mắt, chóng mặt, mệt lả... là những dấu hiệu cảnh báo bị say nắng

Bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã không ít lần chứng kiến những ca tử vong do say nắng chỉ vì người dân chủ quan, gọi cấp cứu muộn.

“Cấp cứu cho người dân bị say nắng là những ca bệnh mà bác sĩ của trung tâm chúng tôi thường xuyên gặp phải trong mùa hè. Không ít trường hợp tử vong vì bệnh nhân và người nhà chủ quan, thiếu hiểu biết.

Tôi nhớ, mùa hè năm ngoái trong ca trực của mình, tôi và đồng nghiệp nhận được điện thoại cấp cứu của người dân trên khu phố cổ. Người dân gọi điện báo người thân của họ sau khi đi chợ về thì người mệt lả, mềm nhũn và bị ngất.

Khi xe cấp cứu của chúng tôi đến nơi thì bệnh nhân đã tử vong. Khai thác thông tin từ phía gia đình thì được biết bệnh nhân bán hàng ngoài chợ đến khoảng gần 11 giờ. Về nhà bệnh nhân kêu hoa mắt, chóng mặt nên đi nằm nghỉ.

Thấy bệnh nhân nằm mãi không dậy ăn trưa nên người nhà vào gọi và phát hiện bệnh nhân ngất và gọi cấp cứu. Tuy nhiên tất cả đã muộn vì sự chủ quan trước đó của cả bệnh nhân và người nhà. Nếu bệnh nhân được sự trợ giúp của nhân viên y tế sớm hơn thì có lẽ kết quả không như vậy” – BS Trần Anh Thắng chia sẻ.

Khi có người bị say nắng cần nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ảnh minh họa

Khi có người bị say nắng cần nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ảnh minh họa

Qua câu chuyện này bác sĩ Thắng cũng có lời khuyên dành cho người dân khi thấy người thân, bạn bè có dấu hiệu say nắng là, nên gọi cấp cứu 115 ngay lập tức và tổ chức sơ cứu cho nạn nhân khi nhân viên y tế chưa tới. Hoặc cũng có thể chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Say nắng là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Người bị say nắng thường có các biểu hiện buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ bị tổn hại não và các cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính.

Dấu hiệu cảnh báo say nắng không thể bỏ qua 

- Nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C 

- Ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên 

- Đau nhói đầu 

- Chóng mặt và choáng váng 

- Không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng 

- Da đỏ, nóng và khô 

- Yếu cơ hoặc chuột rút 

- Buồn nôn và nôn 

- Nhịp tim (mạch) nhanh, tim (mạch) có thể đập mạnh hoặc yếu 

- Thở nhanh và thở nông 

- Thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt 

- Co giật 

- Hôn mê

Đắp khăn lạnh, chườm đá ở cổ, nách, bẹn người bị say nắng để giúp hạ nhiệt nhanh

Đắp khăn lạnh, chườm đá ở cổ, nách, bẹn người bị say nắng để giúp hạ nhiệt nhanh

Cách sơ cứu khi có người bị say nắng

Khi gặp người có những dấu hiệu say nắng kể trên, trong lúc chờ nhân viên y tế đến, người thân hoặc những người xung quanh có thể thực hiện các bước sơ cứu dưới đây theo hướng dẫn của bác sĩ Trần Anh Thắng.

- Đưa bệnh nhân vào khu vực râm mát hoặc nơi có điều hòa, quạt mát

- Cởi bỏ bớt quần áo trên người bệnh nhân để giúp tản nhiệt nhanh hơn

- Làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể bằng cách dùng vòi nước xịt nhẹ nhàng làm ướt da bệnh nhân hoặc dùng khăn ướt lau cơ thể.

- Đắp khăn ướt, chườm đá (bọc đá vào khăn) ở vùng bẹn, cổ, nách của bệnh nhân để làm giảm nhiệt nhanh hơn.

- Cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc hoặc uống oresol để bù nước

Uống nhiều nước trong mùa hè để phòng ngừa say nắng

Uống nhiều nước trong mùa hè để phòng ngừa say nắng

Phòng say nắng bằng cách nào?

- Tránh ra ngoài trời nắng, nhất là những thời điểm nắng gay gắt nhất trong ngày từ 10 giờ đến 15 giờ.

- Khi thay đổi môi trường từ phòng mát điều hòa ra ngoài trời cần có khoảng thời gian cho cơ thể thích nghi, không vội vàng đi ra ngoài trời nắng ngay.

- Mặc quần áo rộng, nhẹ, thoáng mát và sáng màu, đội mũ nón rộng vành.

- Uống nhiều nước để tránh mất nước, uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày.

- Nơi ở và nơi làm việc phải thoáng mát

- Nghỉ ngơi khi thấy cơ thể mệt mỏi, không làm việc gắng sức, không nên làm việc ngoài trời nắng nóng lúc giữa trưa.

- Tập cho cơ thể dần thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.

- Tăng sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO