Báo Điện tử Gia đình Mới

Bé 10 tháng tuổi đau bụng kèm nôn mửa, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trường hợp khẩn cấp

Bệnh nhi 10 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói theo cơn được các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận và đã chẩn đoán bé bị lồng ruột cấp.

  Các bác sĩ tháo lồng ruột cho bé bằng hơi. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Các bác sĩ tháo lồng ruột cho bé bằng hơi. Ảnh bệnh viện cung cấp.

Ngày 8/3, thông tin từ bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), bệnh viện này mới tiếp nhận bệnh nhân nhi T.N T.A. (10 tháng tuổi, Bình Dương) vào cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn ói nhiều theo cơn.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa cấp cứu tiến hành thăm khám và cho chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cùng với hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé T.A. bị lồng ruột cấp và chỉ định tháo lồng ruột bằng hơi.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Đạt - Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, tình trạng lồng ruột của bệnh nhân này là rất nguy hiểm.

Trước tình huống trên, các bác sĩ quyết định thực hiện thủ thuật tháo lồng dưới sự hỗ trợ máy tháo lồng bằng hơi. Chỉ sau một lần thực hiện bơm hơi với áp lực 80 mmHg, các bác sĩ đã tháo lồng thành công. Kết quả chụp C-arm cho thấy các quai ruột đều, không còn hiện tượng lồng các đoạn ruột vào nhau.

  Hình ảnh bé bị lồng ruột trước và sau khi tháo.

Hình ảnh bé bị lồng ruột trước và sau khi tháo.

Bác sĩ Đạt khuyến cáo: Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của lồng ruột, cần đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, tốt nhất trong vòng 24 giờ.

Nếu để quá lâu thì ruột non và các mạch máu nuôi dưỡng đi kèm chui vào ruột già làm ruột bị tắc, các mạch máu bị nghẽn lại, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Được biết, đây là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị lồng ruột hiếm gặp (thông thường trẻ bị lồng ruột từ 2- 3 tuổi) và ít bệnh viện tuyến quận/huyện có thể điều trị được.

Theo các chuyên gia, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.

Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO