Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh nhân HIV và nỗi đau bị ruồng bỏ: Người nhà cho sai số điện thoại, ra đi trong cô độc

Với những người mắc căn bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, số phận dường như đóng sập toàn bộ các cánh cửa cuộc đời họ, từ sự nghiệp, sức khoẻ, bạn bè cho đến chính với những người thân yêu.

“Mặc xác nó, nó chết ở đâu cũng được”

Được coi là một trong số thế hệ thứ 2 làm và nghiên cứu về HIV ở Việt Nam, Ths. Bs Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 chứng kiến hàng hàng lớp lớp những bệnh nhân HIV bị xã hội ruồng bỏ.

Nhưng đối với bác sĩ, sự ruồng bỏ đáng sợ nhất, chính là sự đối xử của nhiều gia đình bệnh nhân HIV với con cháu của họ.

Anh kể: "Bệnh nhân được đưa vào đây, sau đó, người nhà cũng mất hút, họ đưa cho chúng tôi một số điện thoại không chính xác. Khi bác sĩ gọi điện, đầu dây bên kia chỉ trả lời lạnh nhạt “các anh nhầm số”.

Đến ngày bệnh nhân hấp hối, lúc cấp cứu, chúng tôi phải gọi về UBND xã của bệnh nhân để truy cứu địa chỉ. Cũng tối đó, chúng tôi được cán bộ xã cho số điện thoại người bố. Tuy nhiên, điều thất vọng nhất, đó là ông chỉ nói duy nhất một câu “khi nào nó chết, các anh hãy gọi tôi”!

Ths. Bs Hưng đang khám cho một nữ bệnh nhân HIV

Ths. Bs Hưng đang khám cho một nữ bệnh nhân HIV

 

Ngay như với câu chuyện kể trên, khi bệnh nhân qua đời, gọi mãi gia đình người nhà mới đến, họ đứng từ xa nhìn vọng vào, sau đó, xin khẩu trang từ bác sĩ vì sợ lây bệnh. 

Với quan niệm của người Việt, chết phải chết ở nhà, không làm “ma đường, ma chợ” nhưng những người mắc bệnh HIV không có quyền được làm điều đó. Họ không chỉ chịu thiệt thòi vì bị bỏ rơi, phần nhiều trong số đó còn không thể gặp người thân trong giây phút hấp hối. 

Giữa giây phút sinh tử, nhiều người có nguyện vọng được nhìn thấy khuôn mặt của cha mẹ, chị em thế nhưng, khi bác sĩ liên hệ, đa số người nhà đều từ chối. Có những trường hợp, gia đình buông câu lạnh nhạt “kệ nó, nó muốn chết ở đâu nó chết!”. 

Hay cũng có những bệnh nhân, dù sắp trút hơi thở cuối cùng, khi được bác sĩ hỏi có nguyện vọng gặp cha mẹ hay không. Anh này chỉ lắc đầu, không chịu đọc số điện thoại nhưng hai hàng nước mắt không ngừng rơi.

Vài năm trước, cũng tại Bệnh viện 09, một nam thanh niên nhiễm HIV lâu năm đang hấp hối. Các bác sĩ cho anh thở oxy úp mặt nạ dưỡng khí thế nhưng cứ khi bác sĩ quay vào, chiếc mặt nạ trên mặt bệnh nhân lại bị bỏ ra.

“Cứ vài lần như thế, đến khi điều dưỡng hỏi người nhà, hoá ra, chính ông bố và chị gái bệnh nhân giật ra. Chúng tôi hỏi tại sao, ông bố vô tâm trả lời “Đằng nào nó chẳng chết, tôi chọn giờ đẹp cho nó chết rồi!”, Ths. Bs Hưng đau lòng nhớ lại.

Một câu chuyện khác là có cặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Vinh và chị Hoàng Thủy Tiên từng điều trị tại Bệnh viện 09. Họ quen nhau và cưới nhau khi đã bị HIV. Lam lũ xuống Hà Nội làm việc, thuê nhà sống từng ngày. Thế nhưng, mỗi khi đi tới đâu bị phát hiện mắc bệnh, họ đều bị đuổi không cho ở. 

Đến khi anh chị chấp nhận đối mặt, lên truyền hình chia sẻ câu chuyện của mình, gần như cả hai bị tẩy chay khỏi Hà Nội. Họ lên Phú Thọ sinh sống và làm ăn, đến bây giờ, họ sinh con và con không hề mang bệnh.

bac-hung-1408

Sự kỳ thị như một vết dầu loang khiến cả xã hội bị tổn thương

Qua những câu chuyện thực tế mình đã gặp, Ths. Bs Hưng cho rằng, xã hội đang có cái nhìn lệch lạc về căn bệnh HIV/AIDS: “Việt Nam có cả một ngành truyền nhiễm với hàng loạt các bệnh nguy hiểm có thể lây truyền, hay các bệnh về da liễu, bệnh lây lan qua đường tình dục… rất nguy hiểm. Tại sao chúng ta không nhìn nhận HIV như những căn bệnh khác?"

Khi một bệnh nhân viêm gan C giai đoạn 3, 4 được bác sĩ chẩn đoán bệnh, nó không khác gì họ được nghe một án tử. Nếu với bệnh nhân ung thư, căn bệnh đeo đẳng và tổn kém thì HIV điều trị chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, khi được điều trị, bệnh không thể lây lan cho người khác. Thế nhưng, nó vẫn đang bị kì thị, cô lập khỏi xã hội. 

Chưa kể, với những người mắc bệnh HIV, không phải tất cả họ đều là người tệ nạn xã hội chích hút, mại dâm… Nghề nào, tuổi nào, giới tính nào cũng có thể mắc căn bệnh trên. 

Bác sĩ cho rằng, sự kỳ thị trong xã hội như một vết dầu loang làm tổn thương tất thảy những người đã bị và chưa bị H. Ngay như trong câu chuyện xã Kim Thượng vừa qua, bác sĩ cho rằng, khi chúng ta đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm với chiều hướng HIV là căn bệnh nguy hiểm. Nó trở thành rào cản giao tiếp cho tất cả những người đã và đang sinh sống tại đó.

“Bây giờ, trong làng có đám, họ đi ăn cỗ nhưng phải dòm mặt nhau, lo sợ xem có ai mắc bệnh hay không. Hay có một cô gái, đi tìm hiểu người yêu nhưng nói đến quê quán, chắc hẳn, đối phương của họ sẽ quy chụp, nghi ngờ cũng có thể bị bệnh”, bác sĩ chia sẻ.

Chưa kể, bởi chính sự tổn thương, nhiều người bệnh HIV giấu mình, vô tình, là nguyên nhân khiến bệnh phát triển âm thầm trong xã hội.

Trong khi đó, với căn bệnh HIV, mặc dù khoa học, y học chưa có cách điều trị dứt điểm nhưng nếu bệnh nhân được điều trị thuốc, theo đúng phác đồ, họ vẫn sống khoẻ mạnh, tuổi thọ kéo dài hay có thể sinh con không mang bệnh.

Bác sĩ cho rằng, những người kỳ thị HIV là những người thiếu hiểu biết cả về văn hoá và tri thức. Đã đến lúc, xã hội cần nhìn nhận đúng đắn về căn bệnh HIV, có cái nhìn hiểu biết và rộng lượng hơn với người mắc bệnh.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO