Báo Điện tử Gia đình Mới

Chân dung đứa trẻ phải chứng kiến bạo hành gia đình qua phác thảo của bác sĩ BV tâm thần

Từ một cậu bé ngoan, hòa đồng với mọi người, trẻ chuyển sang sống khép mình, ngại giao tiếp, có suy nghĩ tự tử khi thấy bố mẹ cãi nhau, đánh nhau, có bồ bịch…

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cho biết, tình trạng trẻ bị trầm cảm do phải chứng kiến bạo lực gia đình ngày càng tăng lên, với nhiều biểu hiện nguy hiểm, không ít trẻ có suy nghĩ thắt cổ, nhảy sông, uống thuốc diệt cỏ… để tự tử.

  Phải chứng kiến bạo lực gia đình làm nhiều trẻ bị trầm cảm, có suy nghĩ tự tử. Ảnh minh họa

Phải chứng kiến bạo lực gia đình làm nhiều trẻ bị trầm cảm, có suy nghĩ tự tử. Ảnh minh họa

“Tôi đã từng điều trị cho rất nhiều trẻ bị trầm cảm chỉ vì bạo lực gia đình. Gần đây nhất là trường hợp cậu bé 12 tuổi vào viện với biểu hiện sống khép mình, không nói chuyện, không giao tiếp với mọi người.

Lúc đầu gia đình đưa cháu vào viện thăm khám vì nghĩ rằng trẻ bị áp lực học tập, căng thẳng nên có biểu hiện trầm cảm.

Tuy nhiên, sau khi thăm khám và tìm nhiều biện pháp để trẻ nói chuyện, tâm sự thì tôi được biết, trẻ bị như vậy là do sốc tâm lý. Nguyên nhân dẫn đến trẻ sốc tâm lý là do phải chứng kiến cảnh bố mẹ mắng chửi nhau.

Cháu bé còn cho tôi biết rằng, cả bố và mẹ cháu đều có bồ và cháu đã từng chứng kiến bố, mẹ mình đi chơi, gọi điện với bồ trong tâm trạng vui vẻ, thích thú.

Đến khi cả 2 về nhà lại lạnh nhạt, cãi vã, đánh chửi lẫn nhau, không quan tâm đến con cái. Tình trạng đó kéo dài làm cậu bé chán nản, mất niềm tin vào bố mẹ, không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống” – BS Thắng chia sẻ.

  Bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa

Bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ảnh minh họa

Những hình ảnh bạo lực xảy ra ngay trước mắt có thể khiến trẻ khiếp sợ, gây những tổn thương trong lòng.

Một số bé sẽ sống thu mình lại vì sợ hãi, vì mặc cảm, một số thậm chí bị ám ảnh. Tất cả đều có thể dẫn tới những rối loạn về tâm lý và gây ra trầm cảm ở trẻ.

Theo bác sĩ Thắng, có rất nhiều cách hành xử và rắc rối tình cảm của trẻ nhỏ là do mâu thuẫn giữa những người lớn trong gia đình.

Chẳng hạn như khi người lớn đóng sập cửa, đập phá đồ, chửi nhau sẽ làm trẻ sợ hãi. Khi cha mẹ đánh nhau hoặc tranh cãi trước mặt trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mất an toàn, mất lợi ích.

Trẻ có thể trở nên cực kỳ buồn bã vì những người mà trẻ yêu thương đang không hòa thuận với nhau. Điều này sẽ dẫn đến trẻ cảm thấy lo lắng, buồn bã, ít nói.

Sự buồn bã về tình cảm thường chuyển thành các vấn đề về thể chất. Chẳng hạn như cha mẹ cãi nhau về tiền nong, trẻ cảm thấy mình vô dụng và trở nên lo lắng.

Cảm giác này có thể sẽ được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Khi buồn bã, trẻ không muốn ăn hoặc ngược lại, ăn quá nhiều để đối phó.

Lo lắng sẽ khiến trẻ khó ngủ vào buổi tối mà cứ suy nghĩ mãi về các mâu thuẫn đã xảy ra trong ngày. Mệt mỏi về thể chất và tinh thần khiến trẻ phải nghỉ học hoặc không tham gia các hoạt động cùng bạn bè và khiến bệnh tình ngày càng nặng.

Việc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho con trẻ. Vì vậy, điều mấu chốt để không làm ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ là bố mẹ phải có cách giải quyết vấn đề bình tĩnh, hợp lý để con học theo.

Thay vì cãi vã um sùm khiến bé bị tổn thương, bố mẹ nên học cách hết sức kiềm chế để giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý đến những biểu hiện bất thường của trẻ để đưa con đi thăm khám sớm. Biểu hiện ban đầu của những trẻ bị trầm cảm thường là buồn, chán, mệt mỏi.

Tiếp theo nữa là không thích học; trốn học… Rồi trẻ không thích giao tiếp với bạn bè, thu hẹp mình lại. Trẻ thường hay thức khuya do bị rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ… Đặc biệt các em còn có biểu hiện sụt cân, da xanh xao.

Đây là những biểu hiện trẻ bị trầm cảm rõ ràng nhất và khi thấy trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ nên đưa con đến khám chuyên khoa về tâm thần để được các bác sĩ thăm khám và điều trị sớm nhất. Bởi nếu để tình trạng này kéo dài trẻ sẽ có xu hướng tự tử.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO