Báo Điện tử Gia đình Mới

Những giấc mơ mùa Giáng sinh được bán ‘đồng giá’ 1.000 đồng

Từ 13 giờ 20 phút, Lê Đức Anh cùng mẹ của mình đã đứng xếp hàng tại lối vào Hội chợ hoa Hướng dương – nơi có hơn 3.000 sản phẩm được bán với giá chỉ 1.000 đồng. Cậu nói với mẹ sẽ mua cặp lồng đựng cơm vì sáng nay mẹ cậu đi vội để quên ở nhà. 

Đức Anh đứng xếp hàng chờ đến giờ hội chợ mở cửa cùng mẹ của mình.

Đức Anh đứng xếp hàng chờ đến giờ hội chợ mở cửa cùng mẹ của mình.

Căn bệnh ung thư đại tràng khiến cậu bé đang học lớp 8 phải tạm nghỉ từ tháng 3/2017. Sáu đợt truyền hoá chất đã giúp Đức Anh quen với việc ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Sau 5 tuần về quê nhà Thái Bình nghỉ ngơi, Đức Anh cùng mẹ của em quay trở lại Bệnh viện K Trung ương, cơ sở Tân Triều để tiếp tục phác đồ điều trị của mình.

Đặt chân vào phòng bệnh lúc 13 giờ, hai mẹ con nghe tin chiều nay có hội chợ bán nhiều sản phẩm chỉ với giá 1.000 đồng. Nhanh chóng, Đức Anh thay áo bệnh nhân và khoác bên ngoài chiếc áo đồng phục cấp 2, mẹ em khoác chiếc áo vàng dành cho người nhà bệnh nhân.

Hai mẹ con xếp hàng, hoà cùng dòng người chờ đến giờ hội chợ mở cửa. Khi được phổ biến bên trong hội chợ có rất nhiều quầy bán hàng: đồ gia dụng, sữa, hoa quả, quần áo, chăn, sách,… Đức Anh quay sang bảo mẹ là mình sẽ mua cặp lồng đựng cơm vì sáng nay mẹ đi vội nên để quên ở nhà. 

Dành cho con

Đúng 14 giờ, hội chợ Hoa hướng dương mở cửa chào đón bệnh nhân và người nhà vào khu vực bán hàng.

Anh Nguyễn Văn Tiến đi dọc khuôn viên hội chợ gồm khoảng 10 gian hàng, ngó nghiêng hết gian hàng này tới gian hàng khác, cuối cùng, anh dừng lại ở quầy bán đồ cho trẻ em.

Một tháng nằm viện vì căn bệnh viêm gan, không được gặp gỡ hay chơi đùa với con khiến anh nhớ cô con gái sinh năm 2012 của mình da diết.

Anh chọn chiếc mũ, vừa gấp gọn gàng, cẩn thận cất vào túi nói giọng Nghệ An: ‘Sắp tới Noel rồi, bố sẽ có ngày về để tặng con món quà này’.

Empty
Empty
 
_DSC0052untitleduntitled

Đứng bên cạnh anh Tiến là bà Lê Thị Triền, người nhà của bệnh nhân mắc ung thư phổi. Bà Triền cũng nhanh tay chọn cho đứa cháu đang học mẫu giáo chiếc mũ có hình ông già noel màu đỏ. Bà Triền mừng lắm vì thứ 4 tới, bà có quà mang về cho cháu của mình.

Len qua đám đông vây kín quầy bán đồ cho trẻ nhỏ, chị Đặng Thị Tâm chọn bộ dây buộc tóc màu hồng dễ thương, mang về cho đưa cháu gái duy nhất của mình đang đi học mầm non ở quê nhà Hải Dương.

Chị Tâm tới viện chăm mẹ chị bị ung thư dạ dày và ung thư trực tràng, nằm viện từ đầu tháng 5 năm nay.

Khi được nghe tin hội chợ có bán nhiều mặt hàng với giá chỉ 1.000 đồng, chị Tâm háo hứng và quyết định dùng tấm phiếu mua hàng của mình để mua cho cháu gái món quà nhỏ.

Đứng ở quầy đồ Noel, nơi bán mũ, tất, đồ chơi cho trẻ em một lúc lâu, anh Hồ Văn Thương chọn 2 chiếc ô tô con mang về cho con trai 2 tuổi của mình.

Người đàn ông 26 tuổi bị ung thư phần mềm tâm sự, anh nằm viện được 5 tháng rồi, cảm giác nhớ con lúc nào cũng dâng lên trong lòng.

Khi bước vào hội chợ, không trần trừ gì, anh đã dùng tấm phiếu mua hàng duy nhất của mình để đổi lấy xe ô tô cho con.

Năm hôm nữa, khi đợt hoá trị kết thúc, anh Thương sẽ được về nhà với con của mình và tặng con món đồ chơi con yêu thích nhất.

Quầy bán đồ cho trẻ em vơi đi nhanh chóng. Hai vợ chồng chị Kiều Thị Tuyết cũng chọn quầy bán đồ cho trẻ con là nơi dừng chân.

Dù có ít lựa chọn nhưng hai vợ chồng vẫn tìm được món đồ ưng ý dành tặng cô con gái 4 tuổi của mình. Đó là một hộp sáp màu. Chị Tuyết chia sẻ, bé nhà chị thích màu sắc và rất thích tô màu nên chị mang về cho con chơi vui.

Empty
Empty
Empty
 

Giữa rất nhiều gian hàng: quầy đồ Noel: mũ, tất, đồ chơi cho trẻ em; quầy thực phẩm: sữa, bánh mỳ, xúc xích, bánh kẹo, nước; quầy thời trang: chăn, tất, găng tay, mũ trùm đầu, khăn quàng cổ; quầy tiêu dùng: khăn mặt, xà phòng, khẩu trang y tế, bình đựng nước, kem đánh răng, cặp lồng, dầu gội đầu; quầy sách báo: sách truyện, sáp màu, bút vẽ nhiều bệnh nhân và người chọn dừng lại trước các quầy có bán đồ cho trẻ con.

Dường như với họ, những mầm nhỏ luôn là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp họ đứng vững trên con đường chiến đấu với bệnh tật đầy gian nan mà họ đang phải cùng nhau đi qua.

Empty
Empty
 
Empty
Empty
 

Kể cả trong những lúc gian khó nhất, những ông bố, bà mẹ, người ông, người bà cũng không quên chắt chiu tình yêu thương dành cho những đứa con, đứa cháu bé bỏng của mình.

Với quy định, mỗi bệnh nhân sẽ được mua hai món đồ với giá chỉ 1.000 đồng, nhiều người dành phiếu mua cả hai món đồ cho con của mình.

Những món đồ nhỏ xinh như sách truyện tô màu, bút vẽ, sáp màu, mũ, tất, đồ chơi cho trẻ em, chun buộc tóc… như là cách để người lớn bù đắp quãng thời gian họ không được ở gần bên con, chăm sóc con như khao khát họ hằng mong.

Vì mắc căn bệnh ung thư quái ác mà người bệnh ít hoặc không có cơ hội làm tròn trách nhiệm của một người cha, người mẹ qua việc chăm sóc, bảo ban con cái hằng ngày.

Nhưng với họ, dù ở đâu họ cũng hướng về những đứa con của mình với một tình yêu thương bao la và luôn mong muốn dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Kể cả là khi có trong tay duy nhất một tờ phiếu đổi hàng, họ cũng dành cả cho con.

‘Cô ơi, cho con đổi lấy cái này ạ’

Cô gái 7 tuổi bị ung thư máu Chu Lam Anh rướn mắt tới các quầy hàng hỏi các cô chú đứng quầy ‘Ở đây có bán bộ dây buộc tóc không ạ?’.

Khi Lam Anh bước tới quầy duy nhất bán món đồ cô bé yêu thích thì người trước em đã mang bộ cuối cùng đi mất.

Lam Anh tiu nghỉu nhìn đống đồ còn xót lại trên bàn bày sản phẩm. Lướt mắt một vòng, Lam Anh chọn cho mình chiếc bờm tóc hình tuần lộc màu đỏ.

Lam Anh quay sang thấy người anh nằm cùng phòng bệnh Đào Hoàng Nam đang đeo thử chiếc bờm tóc lên đầu, bên cạnh là bố của em. Ánh mắt mong chờ cậu con trai 13 tuổi bị u hạch của bố Nam như khiến gian hàng bừng sáng.

Empty
Empty
 
Empty
Empty
Empty
 

Vừa đeo bờm cho con, bố Nam vừa cười rất tươi, bảo cậu bé lấy đi con. Cầm chiếc bờm tóc trên tay, Nam tiến về nơi em sẽ phải làm xạ trị ngay sau đó.  

Một tay cầm tờ phiếu đổi hàng, một tay nắm chặt tay ông đi khắp các gian hàng trong hội chợ, cậu bé bị ung thư máu Giàng Khái Thi dừng lại trước nơi bán sách tập tô màu và sáp màu.

‘Cô ơi, cho con đổi lấy cái này ạ’, Thi cầm hộp sáp màu lên xin phép hai người đứng quầy. Thi được họ cho một cuốn tập tô. Thi vui sướng khoe với ông sách và sáp màu, cậu bé sẽ mang về phòng bệnh cho các bạn trong phòng cùng tô.

Những cô bé, cậu bé này thậm chí còn chưa biết cách tiêu tiền nhưng vẫn có được những món đồ ưng ý trong buổi hội chợ này. Chúng khoe nhau những món đồ đổi được và chạy đuổi nhau vòng quanh khuôn viên hội chợ.

Sống đúng với tuổi thơ của mình 

Trong khi Lam Anh, Hoàng Nam và Khái Thi mua đồ tại các quầy hàng thì ở ngay lối đi vào hội chợ, nhiều bạn nhỏ đang tập trung sáng tác các tác phẩm của mình qua trò tô tượng.

Lần cuối cùng Vũ Thị Diệu Ly tô tượng cách đây hai năm. Diệu Ly tỉ mỉ, chăm chú tô từng chi tiết tượng em chọn. Cô bé 11 tuổi bị ung thư não hết tô nàng tiên cá xong chuyển sang tô hình mèo Kitty.

Ly mới nhập viện được hơn 1 tháng. Mẹ em tâm sự, một đợt truyền hoá chất khiến cô bé vui tươi, nhí nhảnh ngày nào trở nên ít cười. Hôm nay được tô tượng, Ly vui lắm và cười suốt.

Empty
Empty
Empty
 

Nơi tô tượng ngày càng đông các bé sà xuống đùa nghịch với màu sắc. Có lẽ, nhiều bé trong số này cũng giống như Ly, đã rất lâu rồi không được làm bạn với cây cọ, với những hộp màu nước. Gương mặt bé nào cũng tràn đầy niềm vui.

Bé Bùi Trung Phi có lẽ là nhân vật ít tuổi nhất có mặt tại sân tô tương. 2,5 tuổi, mang trong mình căn bệnh u nguyên bào thần kinh, Phi nằm viện từ tháng 9 đến nay.

‘Con đang tô màu gì đấy? Con đang tô tượng hình gì, con có biết không?’, mẹ bé Phi cầm cây cọ vừa tô màu cùng con vừa nựng. Hai mẹ con ngồi ở một góc tô tượng đến khi tô xong hình ô tô một màu xanh lá cây.

Empty
Empty
Empty
 
Empty
Empty
 

Phía bên kia, cậu bé Đức Anh nằng nặc đòi mẹ mua cặp lồng bằng được đang ngồi tô màu cùng các bạn. Nhưng có vẻ Đức Anh không mặn mà với màu sắc lắm nên em đứng dậy ngay sau đó.

Lam Anh đang tô những nét đầu tiên vào bức tượng hình nàng tiên cá. Bên cạnh Lam Anh là Trần Anh Đức, cùng phòng với em. Lam Anh và Đức vừa tô màu vừa đùa nghịch với nhau. Hai đứa cùng chờ cậu bé Hoàng Nam đang xạ trị. 

Empty
Empty
Empty
 
Empty
Empty
 
Empty
Empty
 

'Lam Anh ơi, Đức ơi, tao hiểu cảm giác xạ trị là như thế nào rồi, mất có 5 phút thôi', Hoàng Nam khuấy động không gian bằng cách vừa chạy vào cùng tô màu với các bạn vừa nói to. Nam chọn cho mình chú tượng hình người rơi rồi ngồi sáng tạo màu sắc như các bạn. 

Lặng lẽ ngồi một góc là cô bé 7 tuổi Minh Hằng (quê Thái Nguyên) đã bị cắt đi 1 bên chân từ năm 2015 vì bệnh ung thư xương.

Tế bào ung thư của Hằng đã di căn tới phổi, em phải tạm dừng việc học để nhập viện tiếp tục điều trị.

Tất cả các bé ngồi xuống tô màu rồi không tô hết, đứng lên ngay hoặc tô được nửa vời liền chạy đi đâu đó.

Chỉ duy nhất có cô bé Diệu Ly vẫn kiên nhẫn với từng tác phẩm của mình. Ly tô tượng trong lúc đợi mẹ em vào mua hàng. Diệu Ly là bé cuối cùng rời khỏi nơi tô tượng với hai bức tượng lủng lẳng xách về phòng.

Chống nạng chân, Hằng ngồi ngoan tô màu bức tượng của mình. Cũng lâu lắm rồi hôm nay cô bé mới lại được chơi trò tuổi thơ của mình. 

Với các em, những tràng cười không ngớt, những tiếng cười khanh khách đến đơn giản chỉ là một buổi chiều có những hoạt động khác, tại không gian khác ngoài phòng bệnh, được lấm lem bên đống tượng và sắc màu, được tự quyết định mua món đồ mình thích.

Những nụ cười hiếm hoi của các bố, các mẹ có được cũng là nhờ niềm vui lan toả từ chính các con.

Vì nhìn thấy tuổi thơ các con xuất hiện trong những câu đùa nhau, trong từng bức tượng tô, trong mỗi món đồ chơi, các con vui là bố mẹ cũng vui. Mùa giáng sinh năm nay nhờ vậy mà ấm áp hơn nhiều. 

Tương lai phía trước hãy còn xa, chặng đường chống chọi với căn bệnh ung thư còn gian nan lắm lắm. Nhưng có một điều họ biết chắc, phải luôn trân trọng từng khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống vì nó có thể vuột mất bất cứ lúc nào. 

Tú Anh /giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO