Báo Điện tử Gia đình Mới

Nỗi đau không nói nên lời của những người bị ung thư

Nỗi đau nào lớn nhất với những người không may mắn bị ung thư? Nó có phải là nỗi đau thể xác không? Hay là sự nuối tiếc của bệnh nhân và cảm giác mất mát của người nhà khi nhìn về phía trước? Dù thế nào thì đó vẫn là những nỗi đau ngưng đọng, chẳng nói nên lời.

KIE_1669

Bé Thuỳ Chi nằm viện từ khi sinh ra, cô bé vừa đón sinh nhật 1 tuổi của mình ở viện. Chi bị ung thư phần mềm. Sau 6 lần truyền hoá chất, 5 lần gây mê cùng vài chục lần lấy ven không thành, bác sỹ tiên lượng cô bé này chỉ còn 30% hy vọng sống. 

Tầng 6, toà nhà H, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và khoa Nhi, viện K3 Tân Triều những ngày cận nghỉ lễ, không khí ở đây không có gì khác so với những ngày thường.

Thay vì lên kế hoạch tụ tập bạn bè, về thăm bên ngoại, bên nội, cùng nhau đi đến những miền đất hứa như người khoẻ mạnh thì những bệnh nhân đang điều trị tại đây lại ghim chân mình ở trên giường bệnh. 

Khi đến đây, bệnh nhân và người nhà đều mang trong mình niềm hy vọng bấp bênh, biên độ biến thiên theo sức khoẻ sau mỗi đợt truyền hoá chất và phác đồ điều trị thay đổi.

Họ thèm cảm giác ngon miệng khi ăn cùng người thân yêu bên bữa cơm gia đình thường ngày, thèm được tới trường đi học như các bạn cùng lứa, thèm khát được từng ngày thực hiện những hoài bão của mình.

Giờ đây, tất cả thu bé lại bằng mong ước được khoẻ lên sau mỗi đợt điều trị, bệnh tình tạm ngưng thay vì nghe những tiên lượng xấu từ các y bác sỹ.

Họ không biết ngày nào mới là ngày cuộc tranh đấu, giành giật với tử thần kết thúc mà phần thắng thuộc về họ, lại càng không rõ thời điểm căn bệnh rút lui còn cách thời điểm hiện tại bao lâu và phải đi qua bao nhiêu đợt truyền hoá chất nữa.

Nhưng những đôi tay nắm chặt vẫn luôn căng phồng niềm tin. Những người bệnh có thể phải tự mình vượt qua những cơn đau thể xác, những phản ứng phụ: rụng tóc, buồn nôn, tiêu chảy…

Nhưng bất kì bệnh nhi hay người lớn nào đến đây cũng đều không hề đơn độc trên hành trình chiến đấu để tìm cho mình những tia hy vọng, dù chỉ là mong manh.

Có lẽ mọi cung bậc cảm xúc của những bệnh nhân ung thư và người nhà đã được trui rèn trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với căn bệnh quái ác này.

KIE_1644

 3 tháng tuổi, Bảo Nam (quê Hải Phòng) phải cắt bỏ một bên chân của mình vì bị ung thư xương. Đôi tay người mẹ hẫng hụt, đôi mắt đỏ hoe trực trào khi nắn bóp thân thể đứa con của mình: ‘Trước khi lên bàn phẫu thuật, cháu được 5 cân, thế mà lúc cắt chân xong còn 4 cân’.

KIE_1787

Cậu bé 19 tháng tuổi Đức Duy nằm viện hơn 1 tháng với 3 đợt truyền hoá chất, cả bố và mẹ đều bỏ việc bỏ nhà ở quê nhà Vĩnh Phúc đi theo. Căn bệnh ung thư xương khiến bé quấy khóc suốt đêm, phải có người bế rong khắp hành lang bệnh viện.

KIE_1750

Những cơn đau ở vùng bụng liên tục kéo đến hành hạ cô bé mới chỉ 7 tuổi đầu. U hạch ruột non khiến Hà Vy phải phẫu thuật và nằm viện đã gần 2 tháng. 

KIE_1746

Ung thư xương đã gần như cuớp đi ước mơ trở thành một nhà báo tử tế của Hoài Giang. Hằng ngày, nằm trên giường bệnh, Giang cố gắng níu giữ mơ ước đó bằng cách đọc những cuốn truyện đi mượn. Nó như một liều thuốc động viên tinh thần cô bé đã bị cưa mất 1 chân này. Cô bé tuổi 17 nói trong nước mắt: ‘Em học giỏi văn, thích viết lắm, em nuôi ước mơ trở thành nhà báo từ năm lớp 10 nhưng chắc bây giờ… chắc em không thể tiếp tục được nữa’.

KIE_1486

Kim truyền tiểu cầu được cắm trên tay nhưng Nam Giang (quê Hà Giang) không hề khóc, thậm chí cậu bé liên tục khua khoắng chân tay, chơi đùa cùng mẹ. Hơn 4 tháng nằm viện điều trị, mẹ của cậu bé 20 tháng tuổi này cũng chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần con phải tiêm truyền.

KIE_1658

3 lần truyền hoá chất với những tiên lượng không tốt đã khiến cô bé 14 tuổi Ánh Đào càng ngày càng trở nên lầm lì, khó tính, chẳng giao tiếp với bất kì ai, kể cả mẹ của mình. Lúc khoẻ hơn, em chỉ ôm khư khư cái điện thoại. Những lúc đau, lúc mệt thì chỉ nằm bẹp.

KIE_1461-2

Bé Phương Anh đang chơi trò đồ hàng bác sỹ với các bé nằm cùng phòng với mình. Những cơn đau mệt liên tục ập đến nhưng cô bé vẫn luôn vui vẻ cười đùa với các bạn và mẹ mình. Đây là trò chơi của các bé nằm viện Huyết học – Truyền máu TƯ những ngày cuối tuần. Những thao tác, bọn trẻ học lỏm được từ các cô y tá đều đặn hằng ngày đến tiêm, truyền, thay băng cho.

KIE_1506

Các bé còn quá nhỏ để nhận thức được sự nguy hiểm của căn bệnh mình đang mang. Dường như việc di chuyển đi vệ sinh có thanh treo dây truyền dẫn lối đã quá quen thuộc với những cô bé, cậu bé ở Viện Máu.

KIE_1649

Trong và sau mỗi đợt truyền hoá chất, cơ thể mệt mỏi khiến các bệnh nhân không ăn uống được gì và chỉ nằm bẹp một chỗ. Khi đó, phụ huynh chính là những người kề cận nhất, nắm bóp tay chân, xoa nhẹ để các con bớt đi phần nào nỗi đau đang ngự trị trong cơ thể chúng.

KIE_1803

4 lần truyền hoá chất để đầy lùi tế bào ung thư đã rút hết sức lực của cô bé 11 tuổi Hà Uyên. Rụng tóc, nôn, tiêu chảy… là những tác dụng phụ mà hầu hết các bệnh nhân ung thư đều phải trải qua.

KIE_1794

Nuốt nước mắt vào trong, cố gắng che giấu nỗi đau mình đang mang, người thân trở thành một phương thuốc giúp bệnh nhân có thêm niềm tin. Nhưng khi không kìm nén được cảm xúc, họ bung xả để phần nào giải toả cho chính bản thân mình.

KIE_1813

Đi theo con nằm ở Bệnh viện K3 Tân Triều từ tháng 3/2017, anh Phúc Chinh (quê Ninh Bình) loay hoay không biết nên nói thế nào với đứa con 12 tuổi về bệnh tình của bé. Sau đợt truyền hoá chất thứ 6, cậu bé khao khát được trở thành chiến sĩ cảnh sát này sẽ phải cắt đi 1 bên chân.

7

Nỗi đau của người chồng ung thư dạ dầy giai đoạn cuối hiển hiện trong đôi mắt của người đàn bà luống tuổi.

Kiều Dương - Tú Anh /giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO