Báo Điện tử Gia đình Mới

‘Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị’

Đó là khẳng định của BSCKII Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai trước thông tin đang có một loại thuốc nhỏ mắt chữa cận thị có tên gọi NanoDrops được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.

Fanpage bán hàng có tên “NanoDrops Israel - Thuốc Nhỏ Mắt Chữa Cận” quảng cáo sản phẩm NanoDrops   có khả năng chữa trị mắt cận thị

Fanpage bán hàng có tên “NanoDrops Israel - Thuốc Nhỏ Mắt Chữa Cận” quảng cáo sản phẩm NanoDrops có khả năng chữa trị mắt cận thị

Thời gian gần đây, trên một fanpage bán hàng có tên “NanoDrops Israel - Thuốc Nhỏ Mắt Chữa Cận” quảng cáo sản phẩm NanoDrops như một loại thuốc “thần dược” với dòng ghi chú công dụng: "Có khả năng chữa trị mắt cận thị mà không cần phẫu thuật".

Được biết, NanoDrops là sản phẩm mới do các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Shaare Zedek và Đại học Bar-Ilan ở Israel phát triển. Theo nghiên cứu này, Nanodrops chứa các hạt nano có thể bám hoặc thấm trên bề mặt giác mạc, qua đó, làm thay đổi tính chiết quang của mắt. Khi tính chiết quang được thay đổi, nó sẽ kéo ảnh trong mắt của người cận hoặc viễn thị (đang hội tụ ở bên ngoài) về đúng vị trí võng mạc. Nhờ vậy mà những người có tật về mắt có thể nhìn rõ trở lại.

Cũng theo các tài liệu công bố, công trình này đang trong quá trình nghiên cứu, mới chỉ thử nghiệm trên lợn, chưa được thử nghiệm trên người.

Khi được hỏi về loại thuốc chữa cận thị dù mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu mà đã được rao bán rầm rộ ở Việt Nam, BSCKII Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị. Việc tự ý sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng được chất lượng, không được nghiên cứu và công bố rõ ràng… sẽ rất nguy hại cho sức khỏe nói chung và đôi mắt nói riêng.

BSCKII Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định:

BSCKII Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được cận thị"

Hơn nữa, mọi người cần hiểu rằng, tật cận thị có nguyên lý của nó, thường là chiều dài nhãn cầu hoặc giác mạc có độ cong nhiều hơn so với bình thường. Đôi mắt của con người rất tinh vi, sản xuất được một sản phẩm thay đổi được độ cong của giác mạc, thay đổi chiều dài của nhãn cầu là rất khó. Vậy nên, về mặt khoa học, một sản phẩm trôi nổi và có tác dụng chữa bệnh cận thị là không đáng tin cậy.

Ngoài ra, sản phẩm NanoDrops được mô tả có tác dụng chữa bệnh như kính áp tròng. Tuy nhiên, theo giải thích của bác sĩ Sơn, nếu nói sản phẩm này có tác dụng chữa cận thị như kính áp tròng thì cần phải xem xét kỹ. Có thể thuốc chỉ là một trong những công đoạn trong các bước điều trị cận thị như trước khi chiếu laser chẳng hạn. Và cũng chỉ mới là bước đầu thử nghiệm trên động vật.

“Kính áp tròng là một trong những phương pháp được sử dụng để điều trị tật khúc xạ. Có nhiều loại kính áp tròng và mỗi loại lại có tác dụng khác nhau. Chẳng hạn kính áp tròng cứng thấm khí được đặt vào ban đêm với mục đích là ép vào giác mạc để làm thay đổi độ cong của giác mạc tạm thời, giúp điều trị tật khúc xạ.

Hơn nữa, đối với mỗi bệnh nhân, các bác sĩ phải thăm khám, đo đạc rất kỹ lưỡng để ra một thông số cho người bệnh. Mỗi mắt của bệnh nhân cũng có những thông số khác nhau. Vậy nên, không thể nào lấy kính của người này đặt cho người kia mà đem lại tác dụng như nhau.

Thuốc nhỏ mắt chữa cận thị cho nhiều người bất kể độ cận ra sao là điều không thực tế

Thuốc nhỏ mắt chữa cận thị cho nhiều người bất kể độ cận ra sao là điều không thực tế

Mỗi người có số độ cận thị khác nhau, thông số kính sẽ khác nhau. Vì vậy, một loại thuốc được dùng nhỏ vào mắt để chữa cận thị cho nhiều người bất kể độ cận ra sao là điều không thực tế. Mỗi người có tình trạng sức khỏe khác nhau, độ cận thị khác nhau, cơ địa khác nhau nên không đơn giản chữa bằng cùng một loại thuốc nhỏ mắt mà không cần có tác động gì khác” – bác sĩ Sơn giải thích.

Và một điều nguy hiểm nữa được bác sĩ Lê Việt Sơn nhấn mạnh là: nếu một sản phẩm mới đang nghiên cứu ở trên lợn thì sẽ chưa được cấp phép sản xuất và lưu hành để dùng cho người. Bởi, bất kỳ một sản phẩm y học được đưa vào sử dụng rộng rãi trên người phải trải qua nhiều bước nghiên cứu. Quy trình làm ra một sản phẩm y học rất kỳ công, đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm, kiểm nghiệm, cấp phép…

Trong khi đôi mắt của con người rất tinh vi và nhậy cảm, nếu bôi hoặc nhỏ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng đều sẽ gây hại cho mắt. Có rất nhiều tác hại mà chúng ta không thể lường trước được, nhẹ có thể là dị ứng gây ngứa mắt, đỏ mắt, nặng có thể gây tổn thương tổ chức của nhãn cầu, gây độc cho các tế bào ở sâu bên trong mắt dẫn đến hỏng mắt, mù mắt.

Hiện, các phương pháp điều trị cận thị hiện nay đang được áp dụng phổ biến gồm đeo kính gọng, dùng kính áp tròng, phẫu thuật. Trong phẫu thuật lại có nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng độ tuổi, mức độ cận và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất sau khi thăm khám.

Trong y học vẫn chưa có thuốc chữa được cận thị, vậy nên, những người bị tật cận thị cần đến các cơ sở nhãn khoa uy tín để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Muốn sử dụng một sản phẩm nào đó trong quá trình điều trị bệnh nên tham vấn ý kiến bác sĩ nhãn khoa để có được những lời khuyên đúng đắn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng để bôi, nhỏ vào mắt để tránh gây hại cho mắt.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO