Báo Điện tử Gia đình Mới

Chữa bệnh tâm linh, bùa chú: Lãnh hậu quả vì tin thầy bói hơn... thầy thuốc

Bỏ mặc sự phát triển của y học hiện đại, nhiều người vẫn lựa chọn chữa bệnh bằng tâm linh, bùa chú, chữa mẹo… Hậu quả nhãn tiền khi không ít trong số đó phải mất mạng vì niềm tin mù quáng.

bé trai 9 tuổi suýt mất chân vì chữa bệnh bằng việc nhờ thầy cắt lễ

bé trai 9 tuổi suýt mất chân vì chữa bệnh bằng việc nhờ thầy cắt lễ

Thời gian qua, nhiều bệnh viện phải tiếp nhận những ca bệnh bị biến chứng sau khi điều trị bằng tâm linh, bùa chú: Từ việc bệnh chuyển biến nặng, hoại tử, nhiễm trùng cho đến mất cả mạng sống.

Gần đây nhất, 16/12, Bệnh viện Da liễu Cần Thơ đón nhận các bệnh nhân bị bội nhiễm, lở loét vì dùng bùa mực tàu của thầy khoán lên vùng bệnh zona.

Trước đó, 2/12, dư luận phải chú ý đến vụ việc, 1 bé trai 9 tuổi (quê Tây Ninh) phải phẫu thuật khoan xương, tháo mủ chân trái vì bị thầy cắt lễ nặn máu độc khiến chân nhiễm trùng, có nguy cơ xuất huyết não.

Ngày 16/11, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 trường hợp là chị em ruột nhập viện với nhiều vết bầm tím trên người, khó thở.

Người nhà cho biết, 2 bệnh nhân thường xuyên nói nhảm, nhận là hồn ma ông bà nên được đưa xuống thầy pháp để làm phép. Để chữa bệnh, ‘thầy’ yêu cầu người nhà dùng roi dâu đánh liên tiếp nhiều giờ lên người bệnh nhân.

Hiện nay, dù việc tiếp cận với các cơ sở y tế, bác sĩ dễ hơn rất nhiều nhưng nhiều nơi, khi gặp bệnh, người ta vẫn tìm đến thầy lang vườn, cúng bái, bùa mẹo mong khỏi bệnh.

Niềm tin chữa bệnh bằng tâm linh được áp dụng với rất nhiều loại bệnh tật, từ chuyện mắc bệnh đơn giản như bệnh ngoài da: Nấm, vẩy nến, tổ đỉa… cho tới các sự cố như hóc xương, gẫy chân tay.

Thay vì tới các chuyên khoa da liễu để xét nghiệm, chẩn đoán, bệnh nhân đến thầy ‘khoán’, thầy lang để xin vẽ bùa ngừng bệnh, bôi các loại thuốc lá không có cơ sở.

Không ít người tìm đến thầy cúng để được uống nước bùa. Tại đây, thầy 'phù thủy' lấy 1 cốc nước, thắp hương rồi lầm bầm đọc 'bùa chú’ sau đó yêu cầu người bệnh uống. Để tăng niềm tin, thầy còn cho ‘con bệnh’ ăn vài cái lá trong vườn và yêu cầu bệnh nhân không được nói chuyện cho tới khi khỏi.

Với gẫy tay, chân, nhiều người không chụp X-Quang, không bó bột mà tìm đến những người bó lá với mong muốn phục khồi nhanh chóng.

Ngoài các bệnh nhìn thấy, trông thấy, các bệnh liên quan đến thần kinh cũng rất dễ sa vào khám chữa tâm linh.

Nhiều nơi, bệnh nhân bị trầm cảm, rối loạn phân ly, loạn thần… đều được ‘bắt bệnh’ là ‘ma ám’. Và căn bệnh đó chỉ có thầy bói, thầy cúng mới chữa trị được.

Ngoài tin thầy, thi thoảng, dư luận lại truyền tai nhau những cách chữa bệnh quái dị, không rõ nguồn gốc xuất phát như nuốt mật cóc, nuốt mật cá trắm hay mua bùa về pha nước uống.

Thậm chí bùa, ngải còn được rao bán trên mạng xã hội. Hàng loạt các diễn đàn, nhóm liên quan vấn đề này thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.

bệnh nhân nhập viện vì bị thầy cúng dùng 27 chiếc roi dâu đánh liên tục

bệnh nhân nhập viện vì bị thầy cúng dùng 27 chiếc roi dâu đánh liên tục

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, BS Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Tâm thần phân liệt (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh là nạn nhân của điều trị tâm linh, đi theo thầy bùa.

‘Tin vào thế giới tâm linh để cân bằng cuộc sống và có nơi nương tựa về mặt tinh thần, giúp con người làm lành tránh dữ là nên. Nhưng không nên mê tín để hại người và hại người thân’, BS Dũng nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, bác sĩ cho rằng, về mặt bệnh lý, để có thể tìm ra bệnh, có hướng điều trị tốt thì bệnh nhân phải khám và chẩn đoán.

Chỉ có người có chuyên môn mới có thể biết được cách chữa trị bệnh tật còn thầy lang, thầy khoán không có chuyên môn và chữa bệnh không theo cơ sở khoa học.

Để hạn chế tối đa những hậu quả không mong muốn của khám bệnh kém hiểu biết, theo bác sĩ, cần có chiến dịch truyền thông lâu dài về các bệnh lý thường gặp. Đâu là bệnh và phương pháp điều trị là gì, họ có cái nhìn tổng quan sẽ giúp nâng cao ý thức tốt hơn.

Mặt khác, cần kiểm soát các cơ sở khám chữa bệnh và kịp thời thông tin để người dân phòng tránh là điều nên làm. Tăng cường công tác quản lý này tại cơ sở địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO