Báo Điện tử Gia đình Mới

Chữa đau bụng kinh nhanh và hiệu quả theo cách của Đông y

Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh, thường xuất hiện vào những ngày đầu hoặc những ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày của chị em.

Bởi, trong những ngày kinh nguyệt, người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng bụng dưới, từ đau âm ỉ đến đau dữ dội tùy thể trạng từng người.

Một số chị em còn bị cơn đau dữ dội, lan từ hạ vị lên ức, lan xuống đùi, đau lưng, đau khắp bụng kèm theo đau đầu, cương ngực…

Hiện tượng đau bụng kinh ở phụ nữ là gì?

Lương y Nguyễn Thanh Thúy (Phòng khám Đông y Ích thọ đường, Thanh Xuân, Hà Nội) từng gặp bệnh nhân bị đau bụng kinh nặng, người lạnh toát, vã mồ hôi hột.

Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phụ trách Phòng khám Đông y Ích thọ đường, Thanh Xuân, Hà Nội

Lương y Nguyễn Thanh Thúy, phụ trách Phòng khám Đông y Ích thọ đường, Thanh Xuân, Hà Nội

‘Đến tháng, bệnh nhân này phải nghỉ làm vì bị đau dữ dội, người xanh dớt và thường phải gọi bác sĩ đến tiêm thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, việc tháng nào cũng phải tiêm thuốc giảm đau làm người bệnh lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến dạ dày nên đã tìm đến cách chữa bệnh của Đông y để cải thiện tình trạng sức khỏe’ – Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ.

Theo bác sĩ CKII Vương Tiến Hòa, ngành sản phụ khoa, y học chia thống kinh thành 2 loại là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát.

Trong đó, thống kinh nguyên phát là tình trạng đau bụng có hoặc không kèm theo triệu chứng buồn nôn, đau đầu… trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng khám không tìm thấy nguyên nhân thực thể.

Tình trạng này gặp nhiều ở tuổi dậy thì, nhưng có nhiều thiếu nữ gặp tình trạng đau bụng kinh kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do căng thẳng thần kinh, chưa sinh đẻ nên lỗ cổ tử cung của người phụ nữ nhỏ, hoặc là do tử cung gập trước hay gập sau…

Thống kinh nguyên phát thường đau nhiều ở vùng bụng dưới, đau dữ dội từng cơn, kiểu đau co rút, đau lan ra sau lưng.

Những cơn đau thường xuất hiện trước khi có kinh nguyệt vài giờ hoặc ngay khi bắt đầu thấy kinh. Tình trạng này có thể kéo dài một vài ngày, kèm theo buồn nôn, đau đầu, sốt, tiêu chảy…

Thống kinh thứ phát là đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt do một nguyên nhân hay bệnh lý cụ thể như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm âm đạo…

Các triệu chứng của thống kinh thứ phát cũng giống như thống kinh nguyên phát nhưng cơn đau thường xuất hiện trước chu kỳ kinh cả tuần và kéo dài đến hết chu kỳ, có thể đau vào các thời điểm khác trong tháng.

Thống kinh thứ phát thường xuất hiện muộn sau khi đã hành kinh nhiều năm hoặc sau sinh đẻ.

Các loại thảo dược có tính nhiệt, ôn, ấm giúp điều trị đau bụng kinh rất hiệu quả

Các loại thảo dược có tính nhiệt, ôn, ấm giúp điều trị đau bụng kinh rất hiệu quả

Cách chữa đau bụng kinh bằng thảo dược

Theo lương y Nguyễn Thanh Thúy, trong Đông y chia ra nhiều nguyên nhân gây đau bụng kinh như do huyết ứ, khí trệ, huyết hư, huyết nhiệt, huyết hàn, có trường hợp do cả huyết ứ và khí trệ…

Để giảm tình trạng đau bụng kinh có thể dùng các loại thảo dược, các biện pháp xoa bóp bấm huyệt của Đông y để cải thiện tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, việc điều trị bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, do đó, người bệnh cần đi khám và tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các lương y.

Đối với một số trường hợp người bệnh đau bụng kinh do huyết hàn (lạnh) có thể tự điều trị bệnh tại nhà với các loại thảo dược có tính ôn, ấm.

Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ, người bị đau bụng kinh do thể huyết hàn thường có những dấu hiệu như cơ thể cảm thấy lạnh, sợ lạnh, thích ấm, chân tay lạnh, người lạnh, thích uống nước ấm, thích ăn đồ nóng ấm…

Và với những trường hợp đau bụng kinh do hàn (lạnh) chỉ cần dùng các thảo dược có tính nhiệt, ôn, ấm sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.

Để giảm cơn đau bụng kinh, người bệnh có thể tự làm ở nhà với các cách như sau:

- Dùng điếu ngải ôn cứu vào huyệt dũng tuyền, huyệt tam âm giao. Người bị đau bụng kinh có thể tự ôn cứu, đốt điếu ngải, hơ nóng ở các huyệt đó, nóng già thì bỏ ra, hết nóng lại ôn tiếp, cứ đổi vị trí các huyệt liên tục, làm cả 2 bên chân.

Huyệt dũng tuyền nằm ở gan bàn chân, vị trí ở 1/3 phía trên và 2/3 phía dưới.

Huyệt tam âm giao ở vùng mặt trong của cổ chân. Tính từ đỉnh xương mắt cá trong, huyệt nằm cách vị trí bằng chiều rộng của 4 ngón tay.

Dùng điếu ngải ôn cứu vào huyệt dũng tuyền, huyệt tam âm giao giúp giảm tình trạng đau bụng kinh nhanh chóng

Dùng điếu ngải ôn cứu vào huyệt dũng tuyền, huyệt tam âm giao giúp giảm tình trạng đau bụng kinh nhanh chóng

- Dùng ngải cứu tươi rang muối nóng, bọc vào khăn và chườm vào bụng, chườm cả sau thắt lưng.

- Uống nước ngải cứu nóng đun sôi. Ngải cứu có vị đắng, hơi cay, có tác dụng giảm đau, hành khí… nên rất tốt cho phụ nữ trong những ngày kinh nguyệt.

- Nấu ngải cứu với thịt nạc làm canh ăn hằng ngày cũng rất tốt, hoặc có thể tần gà, nấu canh gà.

- Bột nghệ đen hòa với mật ong và nước nóng để uống, có tác dụng làm giảm đau bụng kinh.

- Trong trường hợp đau bụng toàn thân lạnh có thể uống gừng tươi đập dập pha nước nóng hoặc một chút bột quế pha nước nóng cũng rất tốt.

- Nhiều chị em cho rằng đến ngày này phải kiêng chất kích thích như rượu, nhưng với những người đau bụng kinh ở thể hàn lạnh uống một chút rượu làm nóng ấm lại rất tốt.

Với những người đau bụng kinh do thể huyết hư hàn, tức là khi đến tháng huyết áp hay bị thấp, chóng mặt, hoa mắt, đau bụng, sợ lạnh, có khi còn rối loạn tiền đình, nôn khan, trống ngực, có trường hợp kèm theo rối loạn tiêu hóa…

Cách giảm đau bụng kinh cho thể này cũng dùng các phương pháp tương tự như thể huyết hàn vì đều ở thể hàn (lạnh).

Ngoài việc dùng thảo dược điều trị đau bụng kinh, chị em có thể áp dụng các động tác xoa bóp, xoa dầu nóng vào xung quanh rốn theo chiều kim đồng hồ, tác dụng dãn cơ, hành khí hoạt huyết.

Xoa 2 bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi xoa vào gan bàn chân. Xoa khi thấy cơ thể dễ chịu thì dừng.

Đau bụng hành kinh có người kèm theo đau lưng, lúc này xoa đấm lưng ở lực vừa phải sẽ rất tốt.

Lương y Nguyễn Thanh Thúy cũng khuyên rằng, những người bị đau bụng kinh ở thể hàn (lạnh) áp dụng biện pháp chườm nóng khi đau có hiệu quả rất tốt, làm giảm lạnh, ôn ấm trừ hàn.

Đặc biệt, cần tuyệt đối giữ ấm 2 gan bàn chân, giữ ấm cơ thể, cần kiêng kỵ đồ ăn lạnh khi sắp đến kỳ và trong kỳ kinh nguyệt.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO