Báo Điện tử Gia đình Mới

Có từ 5 dấu hiệu sau, sản phụ nên lập tức đi khám trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh làm bà mẹ không chăm sóc con tốt, thờ ơ với trẻ, có thái độ thù nghịch với trẻ, thậm chí có hành vi xâm hại trẻ. Để nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm sau sinh của người mẹ, cần chú ý các triệu chứng dưới đây.

Dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm sau sinh

Theo BSCKII Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện tâm thần TP.HCM, trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng của người mẹ xuất hiện sau sinh.

Các mức độ trầm cảm khá đa dạng, dưới biểu hiện một cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ. Với những trường hợp trầm cảm sau sinh nhẹ và thoáng qua thì tình trạng thường chỉ kéo dài 1 - 2 tuần, đa số các bà mẹ có thể tự vượt qua. Còn với những trường hợp trầm cảm nặng hơn thì cần phải có sự can thiệp về y khoa từ tư vấn tâm lý đến dùng thuốc chống trầm cảm.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có biểu hiện cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ. Ảnh minh họa

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường có biểu hiện cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ. Ảnh minh họa

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cũng chỉ rõ, có 10 dấu hiệu nhận biết sớm trầm cảm sau sinh, bao gồm:

1. Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ

2. Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày

3. Một cảm giác khó thở như bị đè chặt

4. Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an

5. Thu rút và từ chối các giao tiếp xã hội

6. Giảm trí nhớ và kém tập trung

7. Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)

8. Rối loạn giấc ngủ

9. Chán ăn

10. Một cảm giác kiệt sức và mất năng lượng.

Trong số 10 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh kể trên, nếu người mẹ có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng xếp từ 1 đến 5 thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm.

Đặc biệt, nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con thì cần can thiệp y khoa khẩn cấp.

Khi bị trầm cảm sau sinh nặng, sản phụ có thể có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ. Ảnh minh họa

Khi bị trầm cảm sau sinh nặng, sản phụ có thể có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ. Ảnh minh họa

Sự quan tâm và chia sẻ của người thân giúp ngăn ngừa trầm cảm sau sinh

Hiện, hầu hết các bệnh lý về tâm thần, trầm cảm và trầm cảm sau sinh đều chưa rõ nguyên nhân. Nhưng, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, sự tụt giảm đột ngột hormone sinh dục estrogen và progesterone được cho là 1 trong những nguyên nhân cùng với các yếu tố nguy cơ và yếu tố thúc đẩy gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh.

Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn là khoảng 3 tháng. Nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh có tiềm ẩn từ trong thời kỳ mang thai.

Khi bị bệnh, người phụ nữ thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, dễ bị kích thích, luôn phàn nàn về các triệu chứng cơ thể. Đôi khi họ rối loạn giấc ngủ, luôn có ám ảnh mình không biết nuôi con và buồn chán, khóc lóc.

Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy trầm cảm sau sinh gồm:

- Có tiền sử đã từng bị trầm cảm trước đó.

- Có tiền sử bị rối loạn lưỡng cực đặc biệt là type 2 (thể rối loạn lưỡng cực với xu thế trầm nhiều hơn hưng)

- Có tiền sử đã từng bị rối loạn lo âu trước đó.

- Có biến cố tâm lý trước ngày sinh (mất người thân, mất việc làm, bạo hành gia đình…)

- Có tiền sử lạm dụng rượu hoặc ma túy.

Trẻ quấy khóc nhiều làm người mẹ quá vất vả cũng là yếu tố thúc đẩy làm sản phụ bị trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa

Trẻ quấy khóc nhiều làm người mẹ quá vất vả cũng là yếu tố thúc đẩy làm sản phụ bị trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển khuyến cáo, có nhiều yếu tố thúc đẩy trầm cảm sau sinh, bao gồm những khó khăn về kinh tế, có thai ngoài ý muốn, mang thai và sinh không có thân nhân, trẻ sinh non, trẻ có bệnh, trẻ quấy khóc nhiều làm người mẹ quá vất vả…

Do đó, để phòng ngừa tình trạng trầm cảm sau sinh, bản thân bà mẹ và những người thân trong gia đình cần tầm soát các trường hợp trầm cảm trong thời kỳ mang thai và các trường hợp có tiền sử liên quan đến trầm cảm trước đó. Đồng thời, tăng cường giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trước và sau khi sinh.

Ngoài ra, các trường hợp trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở những người sinh con đầu lòng nên cần quan tâm, chăm sóc người mẹ để giúp bà mẹ không rơi vào tâm trạng cô đơn và cảm giác hụt hẫng sau sinh. Bởi vậy nên dân gian Việt Nam có câu “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng”, người phụ nữ sinh con so chưa có kinh nghiệm chăm sóc con, rất cần sự trợ giúp từ mẹ ruột.

Sự quan tâm, chăm sóc và trợ giúp của người chồng có vai trò quan trọng, các ông chồng nên từ chối bớt các cuộc vui với bạn bè vì khi người chồng trở về trong đêm khuya với trạng thái say xỉn sẽ làm tổn thương nặng nề người vợ. 

L.Minh/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO