Báo Điện tử Gia đình Mới

Liên tiếp trẻ tử vong sau truyền dịch, chuyên gia y tế chỉ ra nguyên nhân 'chết người'

Một số người dân do thiếu hiểu biết thường có thói quen tự truyền dịch khi có biểu hiện ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi. Việc này có thể gây ra những hậu quả chết người.

  Cháu N.G.B. 22 tháng tuổi đã tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân ở Long Biên, Hà Nội

Cháu N.G.B. 22 tháng tuổi đã tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân ở Long Biên, Hà Nội

Liên quan đến việc liên tiếp trẻ tử vong sau khi truyền dịch để chữa sốt, tiêu chảy, trao đổi với PV Gia Đình Mới bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, truyền dịch thông thường được áp dụng trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bù lượng dịch đã mất bằng đường uống như: bị tiêu chảy cấp, nôn nhiều, bỏng nặng, sốt cao kéo dài gây mất nước, say nắng, say nóng.

Bên cạnh đó, những trường hợp sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ nặng cũng cần được truyền dịch. Và việc truyền dịch chỉ được truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ ở các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, hiện một số người dân do thiếu hiểu biết thường có thói quen tự truyền dịch khi có biểu hiện ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi.

Theo bác sĩ Oanh, chỉ được truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi bác sĩ sẽ cân nhắc truyền loại dịch gì, số lượng bao nhiêu và đối tượng nào được truyền.

Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ cần cẩn trọng khi truyền dịch. Cụ thể, đối với người già, mức lọc cầu thận của họ kém, đào thải kém.

Vì vậy, nếu truyền không đúng định lượng sẽ gây quá tải, dẫn đến suy tim cấp, thậm chí nguy kịch cho bệnh nhân.

Còn đối với trẻ nhỏ bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não, cần cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn các loại dịch truyền.

Đáng lưu ý là với trẻ nhỏ, nếu không tính theo cân nặng và không đánh giá đầy đủ tình trạng mất nước, mức độ mất nước mà truyền không đúng cách cũng sẽ dẫn đến quá tải dịch, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Bác sĩ Oanh chia sẻ: “Chúng tôi đã từng cấp cứu một vài trường hợp như truyền nước hoa quả, truyền đạm và truyền một số các dung dịch, dinh dưỡng khác, người bệnh mẫn cảm, có thể dị ứng, nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của dịch truyền.

Hoặc là những dịch truyền mà không được kiểm tra một cách kỹ lưỡng trước khi truyền, không lắc kỹ, không kiểm tra và không kiểm tra nút của chai dịch truyền xem có còn nguyên vẹn hay không.

Người thầy thuốc quên hỏi tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi truyền hoặc tiêm cho bệnh nhân thì nhiều nguy cơ cũng có thể xảy ra với người bệnh khi truyền dịch”.

Do đó, để phòng ngừa những nguy hại cho sức khỏe từ việc truyền dịch, bác sĩ Oanh khuyến cáo, người dân không nên tự ý truyền dịch tại các phòng mạch và tuyệt đối không được coi truyền dịch là biện pháp làm tăng sức khỏe.

Truyền dịch chỉ thực hiện khi có chỉ định cần thiết của bác sĩ tại các cơ sở y tế. Cần đặc biệt lưu ý khi truyền dịch cho trẻ nhỏ, vì đối tượng trẻ nhỏ phải căn cứ theo tình trạng mất nước.

Việc đánh giá tình trạng mất nước ở trẻ không phải đơn giản. Vì vậy, phải là những thầy thuốc chuyên khoa Nhi mới đánh giá được tình trạng mất nước của trẻ và truyền dịch cho trẻ theo đúng phác đồ. Khi truyền dịch cho trẻ, cần đưa trẻ đến bệnh viện, các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Mới đây, cháu N.N.H. (6 tuổi, ở tại Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) nhập viện Đa khoa quận Lê Chân (Hải Phòng) trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, đi ngoài và nôn nhiều.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mất nước nặng nên đã tiến hành truyền dịch cho trẻ.

Khoảng 40 phút sau khi truyền dịch, cháu H. có biểu hiện co giật nên êkip trực đã tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu 115 để phối hợp cấp cứu nhưng cháu bé đã tử vong trước khi 115 đến nơi.

Cũng trong ngày 16/10, cháu N.G.B. (22 tháng tuổi) đã tử vong sau khi được truyền dịch tại phòng khám tư của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (số 392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, TP Hà Nội).

Được biết, sau khi khám, bác sĩ Cúc trực tiếp truyền dịch cho cháu với lí do cháu có biểu hiện tiêu chảy, lo ngại trẻ mất nước.

Sau khi truyền dịch, cháu B. có biểu hiện sốc, tím tái, cứng đơ. Bác sĩ Cúc đã cùng gia đình đưa cháu đến bệnh viện Đa khoa Đức Giang để cấp cứu. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong ngoại viện.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO