Báo Điện tử Gia đình Mới

Một phụ nữ suýt chết vì chữa hóc xương gà bằng... mẹo dân gian

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nuốt khó, đau đớn, không ăn được, có kém triệu chứng tức ngực... do dị vật mắc ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây nguy cơ tử vong.

Các bác sĩ Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một trường hợp bệnh nhân nữ (36 tuổi, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị hóc xương gà đâm vào sâu 1/3 dưới thực quản.

Điều đáng nói, ở ca bệnh này do dị vật mắc ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy cơ tử vong cho bệnh nhân trước, trong và sau ca phẫu thuật.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật gắp xương gà mắc trong thực quản của bệnh nhân

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật gắp xương gà mắc trong thực quản của bệnh nhân

ThS.BS Đặng Trung Thành – Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E – người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nuốt khó, đau đớn, không ăn được, có kém triệu chứng tức ngực nhưng không khó thở, không sốt, không ho...

Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân tiến hành nội soi dạ dày, kết quả cho thấy, cách cung răng trên khoảng 20cm có một dị vật xương bám chắc vào hai bên thực quản.

Khai thác tiền sử của bệnh nhân, trước đó 1 tuần, bệnh nhân có ăn thịt gà nhưng không may nuốt phải một mảnh xương.

Bệnh nhân đã chữa mẹo cho xương xuôi xuống nhưng kết quả mảnh xương đó mắc lại ở thực quản.

Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện để được khám và điều trị sớm thì bệnh nhân lại chữa mẹo dân gian và uống sữa để mong mảnh xương đó… tiêu.

Để xác định mảnh xương xâm lấn vào thực quản của bệnh nhân, các bác sĩ tiếp tục chỉ định cho bệnh nhân chụp CT cho thấy, có hình dị vật ngang đốt sống ngực 3 (vùng trung thất).

Tuy nhiên, các bác sĩ xác định đây là ca bệnh rất nguy hiểm bởi di vật hóc xương biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng.

Dị vật nằm trên quai động mạch chủ gần vị trí động mạch cảnh trái. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa: tiêu hóa, ngoại, tim mạch, gây mê và xin ý kiến của GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, quyết định xử trí theo chỉ định chuyên khoa tiêu hóa: nội soi gây mê lấy dị vật tại phòng mổ.

Các kíp bác sĩ ngoại tim mạch, tiêu hóa, gây mê hồi sức dự phòng sẵn sàng tránh hai biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra: sau khi rút di vật đề phòng chảy máu do dị vật (xương gà) cắm vào, và tràn khí trung thất do di vật gây thủng thực quản.

Bác sĩ chỉ vị trí xương gà mắc và đâm sâu trong thực quản bệnh nhân

Bác sĩ chỉ vị trí xương gà mắc và đâm sâu trong thực quản bệnh nhân

ThS.BS Thành giải thích thêm, nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Bởi dị vật là một mảnh xương sắc, có nhiều góc cạnh và đã tồn tại rất lâu trong thực quản.

Trong quá trình thực hiện nội soi gắp mảnh dị vật rất dễ gây xước, tổn thương các tổ chức xung quanh như chọc vào mạch máu quai động mạch chủ của bệnh nhân; mạch máu lớn (động mạch cảnh…); gây tràn khí trung thất do thủng thực quản… nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Ca mổ diễn ra khoảng 30 phút rất thuận lợi, không có biến chứng nguy hiểm nào xảy ra và dị vật được lấy ra khỏi thực quản của người bệnh là một mảnh xương gà hình chữ L (cắm sâu vào thực quản và gây 2 vết loét đối xứng nhau, trong đó một vết loét sâu qua lớp cơ thực quản nhưng hiện tại chưa gây thủng thực quản.

Các bác sĩ tiến hành đặt xông dạ dày nội soi qua vết loét để tránh gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh như trong quá trình đặt không làm tổn thương thêm vết loét.

Bệnh nhân được nuôi xông hoàn toàn tránh vết loét nặng thêm và gây các biến chứng tiếp theo.

ThS.BS Thành nhấn mạnh, ca mổ tuy diễn ra thành công nhưng quá trình theo dõi sau mổ đối với bệnh nhân này là rất quan trọng: mạch, huyết áp ổn định; tình trạng hô hấp tốt; đau ngực (do áp xe xâm lấn); sốt cao do nhiễm trùng).

Theo bác sĩ Thành, dự kiến bệnh nhân này có thể ra viện sau 7 - 10 ngày tới nếu không gặp biến chứng và điều trị tốt thuốc kháng sinh phổ rộng, chống viêm giảm phù nền, giảm tiết axit dạ dày...

Bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, đối với các trường hợp bị hóc xương cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời, không tự ý móc, gắp xương ra vì như vậy càng khiến dị vật trôi xuống sâu hoặc đâm sâu hơn vào thực quản.

Tuyệt đối không nên để quá lâu như bệnh nhân này vì vết loét sẽ nhiễm trùng nặng.

Nhiều trường hợp đến viện sớm, bác sĩ chỉ làm thủ thuật đơn giản là có thể lấy được dị vật. Bệnh nhân khi bị hóc xương tuyệt đối không chữa mẹo hay bài thuốc dân gian vì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO