Báo Điện tử Gia đình Mới

Ngày 8/3 nhân viên y tế nam thể hiện tình cảm thế nào?

“Tìm được cách giúp các nữ đồng nghiệp tại bệnh viện xả được stress là món quà quý giá nhất mà ngày 8/3 năm nào chúng tôi cũng phải đau đầu lên kế hoạch”, anh Trương Kiều Nghị, một cán bộ tại Bệnh viện Việt Pháp chia sẻ.

Đi làm nữ đồng nghiệp là số 1

Đặc thù ngành y luôn khắc nghiệt, với nhiều áp lực làm những nhân viên y tế luôn đau đầu, stress vì công việc.

Đó cũng là lý do mà anh Nghị và các nhân viên y tế nam của Bệnh viện Việt Pháp luôn tìm cách nghĩ ra những “chiêu trò” đặc biệt để chị em đồng nghiệp được vui vẻ, hạnh phúc, giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi.

Anh Trương Kiều Nghị và các bác sĩ nam của Bệnh viện Việt Pháp luôn mong muốn chị em đồng nghiệp vui vẻ để xả được stress

Anh Trương Kiều Nghị và các bác sĩ nam của Bệnh viện Việt Pháp luôn mong muốn chị em đồng nghiệp vui vẻ để xả được stress

Anh Nghị tâm sự: “Với đồng nghiệp nữ, họ cần sự động viên, chia sẻ từ chúng tôi rất nhiều để giảm tải áp lực công việc, để tâm sự về những khó khăn mà họ mắc phải trong cuộc sống.

Vậy nên, việc chúng tôi thường làm cho chị em ngày 8/3 là cố gắng tạo ra bất ngờ để họ được cười nhiều hơn, giảm được stress nhiều hơn và thấy thoải mái hơn trong môi trường làm việc là bệnh viện với nhiều khó khăn và áp lực.

Tôi nhớ có dịp chúng tôi đặt mua những chiếc kẹo socola nhỏ với hình thù hơi “kỳ dị”. Lúc chị em đến viện, anh em chúng tôi chia nhau đặt vào tay họ một cách bất ngờ.

Biểu hiện khi đó của chị em đáng yêu lắm! Người thì “đứng hình”, người thì run sợ hét toáng lên, nhưng không ai dám ném món quà đi vì đó là đồ đồng nghiệp tặng.

Và kết quả mà chúng tôi nhận được sau những “chiêu trò” đó là, chị em được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, được vui vẻ, chúng tôi thêm yêu quý đồng nghiệp, môi trường làm việc…”.

Đó là những tâm ý của nam nhân viên y tế tại những khoa, phòng công việc không quá gấp gáp. Còn tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nơi mà công việc của nhân viên y tế luôn quá tải, thời gian phải tranh thủ từng phút thì luôn xảy ra tình trạng quên ngày 8/3.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Tôi thường xuyên quên ngày 8/3 vì công việc tại khoa chúng tôi có đặc thù khá bận rộn. Bù đầu làm việc từ sáng đến chiều tối về nhà, khi đi đường thấy hoa được bày bán nhiều mới nhớ ra.

Lúc đó, tôi mới vội vã nhắn tin chúc mừng nữ đồng nghiệp, người thân, bạn bè. Cũng có những lần hãn hữu tôi nhớ ra ngày 8/3 từ sáng sớm. Và hôm đó tôi cùng các anh em trong khoa mua hoa tặng chị em trong cùng kíp làm việc hôm đó.

Ngày đó tôi cũng cố gắng dặn mình không được “kêu gào”, nặng lời với chị em. Bởi tôi có “tính xấu” là áp lực công việc quá nhiều làm tôi phải “kêu gào” khi có người làm chưa đúng”.

Tại Bệnh viện Việt Pháp, chị em luôn là số 1

Tại Bệnh viện Việt Pháp, chị em luôn là số 1

Về nhà mẹ và vợ là tất cả

Công việc của các bác sĩ cấp cứu luôn bận rộn nên không ít lần bác sĩ Hùng quên thể hiện tình cảm với những người phụ nữ thân yêu của mình.

Bác sỹ kể: “Tôi nhớ có một dịp 8/3 đi làm về muộn, về đến nhà mới nhớ ra chưa có gì tặng mẹ.

Vậy là tôi lại vội vã chạy xe ra đường tìm mua hoa tặng mẹ và chị gái. Lúc đó đã khá muộn, tôi phải chạy xe lòng vòng rất lâu mới tìm mua được hoa tặng những người phụ nữ thân yêu của mình”.

Anh Trương Kiều Nghị, Bệnh viện Việt Pháp cũng từng gặp phải tình huống bận việc ở viện mà quên béng ngày 8/3: "Lần đó tôi đã bị vợ “mắng” vì đi làm về muộn, không có cử chỉ âu yếm thể hiện tình cảm với vợ trong ngày này.

Khi đó đã tôi giải quyết vấn đề bằng cách chia sẻ thẳng thắng với vợ, rằng “với anh em vẫn luôn là số 1”, “anh bận rộn với công việc cũng là vì em, vì gia đình này”… Chính sự thẳng thắn, chia sẻ chân thành giữa vợ chồng đã giúp chúng tôi vượt qua được khó khăn, hiểu và yêu thương nhau hơn.

Nhưng, kinh nghiệm của tôi là không phải cứ tặng hoa, tặng quà là có hiệu quả. Có đôi khi cũng phải giả vờ quên đi ngày 8/3, cứ để vợ nói, vợ nhắc khéo, một vài ngày sau làm một điều gì đó bất ngờ sẽ làm vợ vui hơn và hạnh phúc hơn.

Tôi cũng cho rằng, việc chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm chăm sóc đến vợ mình là việc làm thường xuyên của người chồng chứ không phải chỉ trong ngày lễ, ngày kỷ niệm. Như thế sẽ thật hơn, đem lại cho người phụ nữ của mình cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.

Tôi không đồng tình với những người chồng cả năm không giúp đỡ, chia sẻ gì với vợ, chỉ đến ngày 8/3 mua một bó hoa thật to, thật đẹp về tặng, rồi sau đó mọi việc lại trở về như cũ thì đó chỉ là hình thức, việc làm sáo rỗng.

Quan trọng là phải làm cho người phụ nữ của mình hiểu người đàn ông biết yêu thương, chăm sóc vợ con chính là “bông hoa, món quà” đáng trân trọng nhất".

Còn với bác sĩ Lê Thế Vũ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, công việc hàng ngày luôn là chăm sóc chị em. Bản thân bác sĩ Vũ nhận thấy, suốt 28 năm qua anh đã dành quá nhiều thời gian cho công việc, hay nói cách khác là dành quá nhiều sự quan tâm cho những người phụ nữ khác mà sao nhãng việc chăm sóc những người phụ nữ thân yêu của mình.

Vợ anh không phải lúc nào cũng cảm thông được cho chồng, thậm chí đã có lúc chị giận hờn, trách móc để được chồng quan tâm hơn.

Nhưng, vài năm gần đây, sau khi bố anh mất, bác sĩ Vũ đã có những thay đổi để quan tâm nhiều hơn tới gia đình nhỏ của mình. Anh đưa mẹ, vợ và các con đi chơi nhiều hơn, chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái với vợ nhiều hơn và tâm sự với mẹ nhiều hơn để bà bớt cô đơn sau sự ra đi của người chồng.

Bác sĩ Lê Thế Vũ thường dành thời gian đưa mẹ, vợ và các con đi chơi để giảm stress trong công việc, cuộc sống

Bác sĩ Lê Thế Vũ thường dành thời gian đưa mẹ, vợ và các con đi chơi để giảm stress trong công việc, cuộc sống

“Mẹ tôi đã hy sinh rất nhiều cho chồng, cho con. Sau này khi bố tôi mất, tôi thấy mẹ ít cười hơn và chỉ quanh quẩn ở nhà. Tôi đã thử tìm nhiều cách như tặng hoa, tặng quà để bà vui vẻ hơn nhưng không mấy hiệu quả.

Và rồi tôi nghĩ đến chuyện đưa mẹ đi chơi, thăm thú đây đó để bà không còn thời gian nghĩ ngợi nhiều về người quá cố. Từ đó tôi bắt đầu sắp xếp thời gian, công việc để đưa mẹ đi du lịch khắp nơi ở trong nước.

Có những chuyến đi với đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Nhưng có những lúc chỉ 2 mẹ con tôi đi “phượt” cùng nhau. Mặc dù tuổi bà cũng khá cao nhưng thường xuyên đi chơi như vậy làm sức khỏe mẹ tôi tốt hơn, vui vẻ hơn và tâm trạng bà thoải mái hơn.

Việc dành nhiều thời gian, tình cảm cho mẹ cũng đôi lúc làm vợ tôi ghen tị. Cô ấy chỉ thích gia đình nhỏ 4 người của tôi đi chơi cùng nhau mà không có mẹ đi cùng. Những lúc như vậy tôi chọn cách chia sẻ thẳng thắn để vợ tôi hiểu những việc tôi làm là để bù đắp phần nào những nỗi vất vả, hy sinh của mẹ để nuôi dạy tôi lên người”.

Năm nay, ngày 8/3 là ngày trong tuần, vậy nên bác sĩ Vũ không thể đưa người thân, trong đó có mẹ anh đi chơi xa. Nhưng, việc dành một chút thời gian buổi tối đi chơi tại một địa điểm ở Hà Nội, ăn bữa tối với gia đình đã được anh lên kế hoạch trước một tuần.

Những việc làm nhỏ của các nam nhân viên y tế dành tặng những người phụ nữ thân yêu, nữ đồng nghiệp của mình nhân ngày 8/3 tuy không quá đặc biệt nhưng cũng phần nào thấy được sự quan tâm và tình cảm chân thành nhất của họ dành cho “một nửa thế giới”.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO