Báo Điện tử Gia đình Mới

Nguy cơ trẻ ngạt khí, tử vong do hóc thức ăn, dùng đồ chơi không an toàn

Bệnh viện Nhi Trung Ương, khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca hóc dị vật ở trẻ, có thời điểm lên đến 4 – 5 ca/ngày. Điều đáng nói, đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ vì cha mẹ ép con ăn uống, chơi đồ chơi không phù hợp lứa tuổi.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với PV Gia Đình Mới

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với PV Gia Đình Mới

Đầu năm 2017, Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi lấy dị vật trong phổi em bé N.N.M (6 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Nghệ An). Dị vật chính là chiếc kèn gắn ở đồ chơi bé M. vẫn thường chơi.

Gần đây nhất, cuối tháng 10/2017, Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết đã cấp cứu bệnh nhi trong tình trạng suy hô hấp, tiên lượng nặng do khi bé ăn bị ho dẫn đến sặc bột.

Đó chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số hàng vạn trẻ nhỏ bị hóc dị vật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.

Trao đổi với Gia Đình Mới, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: ‘Khoa thường xuyên tiếp nhận cũng như có rất nhiều bệnh nhi đến đây với biểu hiện tím tái, khó thở, tiên lượng xấu… phải tiến hành nội soi lấy dị vật vì hóc. Nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Trẻ con bị hóc thường gặp nhất là dị vật thức ăn, dị vật đồ chơi và các loại hạt. Trẻ có thể bị sặc bột, sặc cháo, nghẹn hòn bi, hóc lạc, hạt bí, hạt na…

‘Khi chúng ta cho trẻ ăn, trẻ nghịch ngợm, nói chuyện cười đùa gây ra sặc, dị vật rơi vào đường thở. Đặc biệt, tôi phải nhấn mạnh, nhiều trường hợp con ăn no hoặc không muốn ăn, cha mẹ vẫn cố đút vô cùng nguy hiểm.

Vì khi đó thức ăn còn trong miệng, trẻ chưa nuốt cứ lúng búng trong miệng, cha mẹ ép ăn chỉ cần thở không may cũng có thể bị sặc’.

Ngoài ra, theo bác sĩ, trong quá trình chơi đồ chơi, trẻ nhỏ thường có thói quen cho vào miệng, thổi ra hít vào rất dễ gây sặc. Như với trường hợp em nhỏ tại Nghệ An đầu năm ngoái, chỉ khi trẻ thở ra có tiếng kèn rít, cha mẹ mới phát hiện kèn gắn đầu đồ chơi không còn.

Bên cạnh đó, sặc dị vật có thể xảy ra khi uống thuốc viên to, đắng, trẻ uống bị ho gây bật viên thuốc vào đường thở.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, để nhận biết trẻ bị hóc dị vật cha mẹ có thể chú ý tới các biểu hiện của con như trẻ đang bình thường tự nhiên ho sặc sụa, tím tái, có trường hợp bị bất tỉnh một cách đột ngột.

Với những trường hợp đó, sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Cha mẹ cần nắm rõ những thủ thuật để dị vật bắn ra ngoài. Thông thường, chúng ta nên vỗ mạnh vào lưng trẻ 5 cái để kích thích ho, để hướng đầu trẻ hơi thấp xuống để dị vật có thể bắn ra ngoài.

‘Đặc biệt lưu ý, nhiều người thường dùng tay móc khi trẻ bị bệnh nhưng móc như thế chỉ làm hại thêm, không móc được mà còn làm dị vật rơi sâu hơn vào đường thở hoặc gây ra những tổn thương cho trẻ.Hoặc chúng ta có phản xạ vuốt xuôi từ ngực xuống, điều đó cũng không hề tốt’, PGS. TS Dũng nhấn mạnh.

Bác sĩ cho biết thêm, ngoài hóc dị vật đường thở, trẻ dễ gặp hóc dị vật bị bỏ quên. Khi gặp trường hợp này, trẻ không nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng nó có thể gây ra những tổn thương, gây khó thở lâu ngày hoặc các bệnh lý khác như viêm phổi.

Và để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra do trẻ hóc dị vật, người thân không nên ép trẻ ăn, không  trêu đùa trong khi trẻ ăn hay đang ngậm đồ chơi trong miệng.

‘Ngoài ra, cha mẹ thường quên về việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ. Hiện nay, thị trường có đồ chơi đúng tiêu chuẩn sẽ có quy định độ tuổi an toàn cho em bé.

Chúng ta nên chọn đồ chơi đủ to để trẻ không đút được vào miệng, không nên mua các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, không được cấp phép vì trẻ không những dễ bị hóc mà còn có thể bị tổn thương do đồ chơi sắc cạnh hoặc bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại ở đồ chơi rẻ tiền’.

Khi trẻ hóc dị vật, tùy vào từng tuổi sẽ có những cách khác xử lý sơ cứu ban đầu khác nhau.

Với trẻ nhỏ dưới 10 kg, người thân nên lật em bé sấp trên bàn tay hoặc đặt lên đùi vỗ vào giữa lưng 5 cái. Trẻ ho sẽ bắn ra dị vật, trẻ khóc lên được là tốt vì như thế là trẻ thở được.

Với trẻ lớn hơn (từ 15 – 20kg) không bế được, chúng ta nên cho ngồi hoặc cho nằm sấp đầu lên đùi, cũng dùng bàn tay vỗ 5 cái vào lưng.

Với người trẻ lớn, người lớn lớn thì chúng ta nên đứng đằng sau, ôm vùng bụng dưới từ phía sau, xốc lên 5 cái kích thích cho người bệnh ho.

Ngay sau đó, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để thăm khám lại xem còn sót dị vật hay không.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO