Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn… coi chừng sán lợn cư trú trong não

Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu bị đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt... cần đến bệnh viện khám vì rất có thể ấu trùng sán lợn đã cư trú vào trong não.

  Phụ huynh đưa trẻ đi làm xét nghiệm sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm bẩn

Phụ huynh đưa trẻ đi làm xét nghiệm sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm bẩn

Tính đến hết ngày 17/3, tổng số trẻ ở Bắc Ninh đi xét nghiệm sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm bẩn là gần 2.000 trẻ, trong đó 209 em dương tính với kháng thể sán lợn.

Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thông tin, trong tổng số 461 mẫu lấy tại bệnh viện trong những ngày vừa qua đã có thêm 58 trẻ dương tính với sán lợn.

Trước đó, tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cũng thông tin, số trẻ nhiễm sán lợn cũng tăng thêm 27 em.

Tính đến thời điểm này đã có gần 2.000 em học sinh trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đến xét nghiệm sán lợn nghi do ăn phải thực phẩm bẩn và đã có 209 em cho kết quả dương tính với sán lợn.

Theo bác sĩ Ninh, ngoài những mẫu đã chắc chắn dương tính với sán lợn, những mẫu đang nghi ngờ sẽ được bệnh viện kiểm tra lại để cho kết quả chính xác nhất. Còn những trường hợp dương tính với ấu trùng sán lợn trong lần xét nghiệm đầu cũng được kiểm tra thêm 3 lần nữa để khẳng định chắc chắn.

Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng của Viện Sốt rét Trung ương cho biết, triệu chứng bệnh ấu trùng sán lợn tùy thuộc vào số lượng, vị trí và giai đoạn tiến triển có thể gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở.

Nếu bị đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt... cần đến bệnh viện khám vì rất có thể ấu trùng sán đã cư trú vào trong não. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng bởi y học hiện đại đã có các biện pháp tẩy sán tận gốc.

Các thiết bị xét nghiệm kiểm tra huyết thanh hiện đại đã có thể cho ra kết quả nhiễm sán chính xác chỉ sau vài giờ. Phác đồ điều trị hiện nay có thể tiêu diệt sán trưởng thành trong một ngày, tiêu diệt hết trứng sán sẽ mất 2 tuần.

  Hình ảnh sán lợn làm tổ dày đặc trong não người bệnh

Hình ảnh sán lợn làm tổ dày đặc trong não người bệnh

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.

Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 750 C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứngbệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài…; và các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo  vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO