Báo Điện tử Gia đình Mới

Những điều nên và không nên khi sử dụng thuốc nhỏ tai để không bị hỏng thính giác

Tai là bộ phận chính đảm bảo chức năng nghe và thăng bằng ở người. Vì thế việc sử dụng thuốc nhỏ tai sao cho đúng chỉ định và an toàn có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt là khi dùng thuốc ở trẻ em dưới hai tuổi.

Bởi, nếu sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng cách sẽ làm tai bị tổn thương và dẫn đến không nghe được.

Dưới đây là những hướng dẫn của chuyên gia tai mũi họng TS.BS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) về việc sử dụng thuốc nhỏ tai sao cho hiệu quả và an toàn.

Sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng cách sẽ làm tai bị tổn thương và dẫn đến không nghe được

Sử dụng thuốc nhỏ tai không đúng cách sẽ làm tai bị tổn thương và dẫn đến không nghe được

Thuốc nhỏ tai chủ yếu là những loại thuốc được bào chế dưới dạng dung dịch, một số thuốc bột nguyên chất nhằm đáp ứng cho việc điều trị những bệnh lý về tai chủ yếu là viêm tai.

Tai được chia làm 3 bộ phận chính gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Thuốc nhỏ tai được dùng trong những bệnh lý của tai ngoài và tai giữa.

Thuốc nhỏ tai được chia làm hai loại cho những trường hợp viêm tai không thủng màng nhĩ và những thuốc dùng cho viêm tai có kèm theo thủng màng nhĩ.

Màng nhĩ là bộ phận ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ có nhiệm vụ bảo vệ tai giữa và tai trong để phần niêm mạc của tai giữa hoạt động trong môi trường kín, bảo vệ hệ thống xương con tránh bị tổn thương do chấn thương, cũng như các tác động của các yếu tố vật lý, hoá học từ môi trường bên ngoài với tai giữa và tai trong qua thành trong của tai giữa.

Tai giữa và tai trong được ngăn cách với nhau bởi lớp màng ở cửa sổ tròn rất dễ hấp thu các loại thuốc và là một trong những cơ chế ngộ độc tai trong gây điếc nặng không hồi phục.

Nhóm thuốc dùng cho bệnh lý viêm tai không thủng màng nhĩ thường là những thuốc dùng cho viêm ống tai ngoài, eczema ống tai ngoài có bội nhiễm và viêm tai giữa cấp giai đoạn xung huyết.

Thuốc thường chứa một trong những kháng sinh thuộc nhóm aminoglucosid là nhóm thuốc có khả năng gây độc cho ốc tai mà hậu quả là điếc không hồi phục.

Nhóm thuốc dùng cho trường hợp màng nhĩ bị thủng được bào chế bằng những kháng sinh có tính an toàn cao cho ốc tai.

Tuy nhiên cũng không có bất kỳ thuốc nào là an toàn tuyệt đối, do vậy việc ngừng ngay dùng thuốc nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như ù tai, đau nhức tai, cảm giác chóng mặt và thông báo kịp thòi, phối hợp với bác sĩ điều trị để sử trí là rất cần thiết.

Nên đi khám bác sĩ khi thấy tai có các dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời, đúng cách

Nên đi khám bác sĩ khi thấy tai có các dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời, đúng cách

Cách dùng thuốc nhỏ tai như thế nào?

Nên để đầu sao cho một bên tai hướng xuống dưới đất. Nếu bạn tự nhỏ thuốc, thì tư thế dễ nhất là đứng hoặc ngồi và nghiêng đầu sang một bên.

Nếu bạn nhỏ thuốc cho người khác, thì tư thế dễ nhất là người đó nghiêng đầu hoặc nằm nghiêng về một bên.

- Nếu thuốc có ống nhỏ giọt, hãy hút một vài giọt thuốc vào trong ống nhỏ giọt. Nếu chỉ có đầu nhỏ, thì bạn chỉ cần lật úp lọ thuốc xuống.

- Với người trưởng thành, bạn có thể nhẹ nhàng kéo vành tai hướng lên và về phía sau. Đối với trẻ em, bạn nên nhẹ nhàng kéo vành tai xuống và hướng về sau. Bóp chính xác số giọt thuốc vào trong tai. Số giọt thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Nhẹ nhàng kéo ống tai lên xuống để thuốc chảy vào trong tai. Giữ đầu nghiên trong khoảng 2 - 5 phút để thuốc có thể lan vào trong tai

- Lau sạch thuốc thừa ở ngoài tai bằng giấy ăn hoặc khăn sạch, đậy nắp lọ lại, bảo quản thuốc như hướng dẫn sử dụng.

Những việc không nên làm khi sử dụng thuốc nhỏ tai: 

- Không nên sử dụng ống nhỏ giọt đã bị sứt mẻ, nứt hoặc bị bẩn 

- Không nên để đầu ống nhỏ hoặc đầu nhỏ của lọt huốc chạm vào tai, ngón tay hoặc bất cứ bề mặt nào khác. Việc này sẽ giúp ống nhỏ giọt không bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi trùng có thể dẫn đến viêm tai 

- Không làm ấm thuốc bằng nước nóng. Việc này có thể khiến thuốc bị quá nóng và gây tổn thương tai của bạn. 

- Không dùng chung thuốc nhỏ tai với người khác vì có thể làm vi khuẩn và vi trùng lây lan rộng hơn.

Sau khi nhỏ thuốc nhỏ tai mà có các dấu hiệu ù tai, chóng mặt, ngứa, nóng rát... cần dừng ngay thuốc và tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa

Sau khi nhỏ thuốc nhỏ tai mà có các dấu hiệu ù tai, chóng mặt, ngứa, nóng rát... cần dừng ngay thuốc và tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa

Sau khi nhỏ thuốc nhỏ tai cần làm gì?

- Một số loại thuốc nhỏ tai sẽ gây ra cảm giác nóng rát hoặc ngứa râm ran khi nhỏ lần đầu. Thông thường, đây không phải là vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu cảm giác khó chịu không biến mất trong vòng 10 - 15 phút, hoặc nếu cảm giác khó chịu nặng hơn, bạn nên dừng nhỏ và gọi cho bác sĩ.

- Bạn cũng nên dừng nhỏ và gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sưng ở trong tai sau khi sử dụng thuốc nhỏ tai.

- Nếu sau khi nhỏ thuốc tai bị ù, hãy nghiêng tai nhỏ xuống dưới đồng thời lấy bông tai sạch để ngay cửa tai để hút hết lượng thuốc nhỏ còn lại trong ống tai.

- Có gì bất thường nên đến gặp lại bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

TS.BS Phạm Thị Bích Đào/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO