Báo Điện tử Gia đình Mới

Bộ Y tế: Người dân chờ đợi trung bình 48,5 phút mỗi lần khám bệnh

Sau 5 năm thực hiện quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế, các bệnh viện đã giảm thời gian chờ đợi trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh.

bo-truong-tien

Sáng 18/5, hội nghị “Giảm thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh” sau 5 năm triển khai thực hiện trong toàn ngành (2013 -2017) do Bộ Y tế tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

Mỗi lượt khám bệnh chờ 48,5 phút

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh của Việt Nam có gần 1.400 bệnh viện. Trong đó có 39 bệnh viện tuyến Trung Ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố; 645 Bệnh viện tuyến huyện, 31 Bệnh viện ngành và khoảng 10.700 trạm y tế. Ngoài ra, còn có 206 bệnh viện tư nhân, trên 30.000 phòng khám tư (tính đến tháng 11/2017). 

PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo quyết định 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 ban hành hướng dẫn quy trình khám chữa bệnh phải đạt được mục tiêu: “Người bệnh đến khám được tiếp cận thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và dịch vụ kỹ thuật theo đúng yêu cầu chuyên môn; bảo đảm tính hợp lý và công bằng giữa người bệnh có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế; phải đơn giản hoá thủ tục liên quan đến chi trả và đồng chi trả viện phó, tránh nộp viện phí nhiều lần”.

Từ hướng dẫn cụ thể này, sau 5 năm thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh này (tính đến năm 2017), kết quả cho thấy, ngành y đã tăng được 7.335 bàn khám, tăng 62,6% so với trước cải tiến; giảm thời gian chờ đợi trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh cũng như tiết kiệm được hơn 110 triệu ngày công lao động. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó ngành y vẫn còn một số những tồn tại - khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai công tác này cũng như các mục tiêu đã đề ra như: Cơ sở hạ tầng chật hẹp, thiếu máy móc, nhiều bệnh viện chưa có lấy số hệ thống, phòng khám bệnh thiếu tiện nghi…

Đội ngũ nhân sự thiếu, đặc biệt thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi, da liễu, mắt, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Nhiều nhân viên còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý. 

9 tiêu chí về nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp 

Liên quan đến những nỗ lực cải thiện hệ thống nhà vệ sinh bệnh viện, Bộ Y tế đã có 9 tiêu chí về nhà vệ sinh để đảm bảo mô hình bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Song kết quả khảo sát hài lòng người bệnh do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện cho thấy: Người bệnh kém hài lòng nhất về nhà vệ sinh.

Theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra Bộ Y tế năm 2017, tại 11 Bệnh viện trực thuộc Bộ, 9 bệnh viện/trung tâm y tế thuộc Sở Y tế của 7 tỉnh, thành phố, trung bình đạt 28,6/35 điểm (tiêu chí sạch), đạt tỉ lệ 81,6%. 

Trong đó có một số bệnh viện tốt như Bệnh viện E, Bệnh viện Y dược TP. HCM, BV Phong - Da liễu TW Tuy Hoà, BV Đa khoa Long An. 

Tuy nhiên đến nay, công tác này triển khai chưa hiệu quả (thiếu kiểm tra, giám sát); lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm đúng mức (chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nhà vệ sinh và chế tài đủ mạnh); thiếu kinh phí; thiếu sự phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh.

33026872_1948274372169736_3823867219658407936_n-1022

Tại Hội nghị, đại diện các Sở y tế, các bệnh viện sẽ tập trung bàn giải pháp tháo gỡ triệt để, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cũng như cải thiện tốt hơn các điều kiện của nhà vệ sinh bệnh viện theo hướng tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện thông qua việc phân công trách nhiệm cụ thể cho khoa phòng, cá nhân chịu trách nhiệm; giám sát thường xuyên, có giải pháp bảo đảm có đủ giấy và xà phòng, nước rửa tay và sử dụng công cụ giám sát nhà vệ sinh, khuyến khích thuê dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp...

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO