Báo Điện tử Gia đình Mới

Tắm biển, du khách bị sứa tấn công khiến toàn bộ mặt, cổ, lưng bị sưng, đau buốt

Khi đi tắm biển, nếu chẳng may đụng phải những con sứa sẽ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, nhẹ thì gây ngứa, nặng thì bỏng rát, rộp da, lồi thịt…

Mới đây, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội phải vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị do bị sứa tấn công khi đi tắm biển ở Quảng Ninh.

Khi vừa lặn xuống biển, anh liền bị một thứ gì đó rất to đâm vào người, ngay sau đó anh bị ngứa rát, sợ hãi quá nên anh vội chạy lên bờ và được biết là mình bị sứa biển tấn công.

Điều đáng nói là chỉ sau ít phút chạm vào sứa biển, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng bệnh nhân sưng, phù nề, đau buốt.

Sau khi chạm vào sứa biển, toàn bộ vùng mặt, cổ, tay bệnh nhân sưng, phù nề, đau buốt. Ảnh minh họa

Sau khi chạm vào sứa biển, toàn bộ vùng mặt, cổ, tay bệnh nhân sưng, phù nề, đau buốt. Ảnh minh họa

Bệnh nhân có làm theo cách một số người mách là dùng chanh xát vào vùng tổn thương và tắm nước ngọt để loại bỏ bớt độc tố của sứa biển, nhưng khi làm theo bệnh nhân thấy tình trạng đau nhức ngày càng tăng lên.

Sau đó, bệnh nhân vội vã trở về Hà Nội và nhập viện điều trị trong tình trạng mặt, vùng lưng, cổ sưng vù.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, phụ trách phòng khám da liễu, Bệnh viện ĐK Đống Đa, tình trạng người dân tiếp xúc với sứa trong lúc tắm biển dẫn tới bị viêm da tiếp xúc dị ứng và phải vào viện thăm khám gặp khá phổ biến trong những ngày hè.

Ngay sau khi tiếp xúc với sứa, nếu bị nhẹ sẽ thấy ngứa, khó chịu, cảm giác nóng rát như bị bỏng, có thể đau nhức, sau đó tại vùng tiếp xúc da đỏ lên, sưng nề, có thể nổi phỏng nước, có thể vỡ, loét da…

Tuy nhiên, đa phần các tổn thương thường nhẹ, khi đến thăm khám bác sĩ cho thuốc bôi, thuốc uống khoảng 5 – 7 ngày là đỡ.

Nhưng, một số trường hợp nặng, cá biệt có thể bị sốc phản vệ, gây đau nhức, bỏng rát, khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, bất tỉnh… phải nằm viện điều trị.

Vết thương do sứa gây ra thường mẩn đỏ, có dạng thẳng hoặc xoắn, gây đau rát dữ dội. Khi gặp phải vết thương này, bệnh nhân cần hạn chế cử động, tránh chạm vào vùng bị thương, chườm lạnh lên vết thương trong vòng 1 tiếng đầu sẽ giảm được đau.

Điều nguy hại mà bác sĩ Hương nhấn mạnh là: “Các vết thương do sứa biển gây ra thường nhẹ, nếu người bệnh đi thăm khám ngay sau khi bị sứa tấn công thì không có gì đáng ngại, tổn thương sẽ nhanh chóng hồi phục.

Nhưng thực tế có rất nhiều người lười đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu, tự mua thuốc điều trị ở nhà, tự chữa bằng mẹo, dùng các loại lá cây không rõ nguồn gốc bôi, đắp lên vết thương dẫn tới các tổn thương thứ phát mới đến viện thăm khám.

Khi đó, mặc dù cùng là bị viêm da tiếp xúc dị ứng do sứa, nhưng tổn thương của người bệnh nhiều hơn, nặng hơn, lan rộng hơn, chỗ thì là tổn thương khô, chỗ lại là tổn thương ướt, loét, có vẩy… dẫn tới gây khó khăn trong quá trình điều trị, thời gian điều trị bệnh dài hơn, tốn kém hơn so với người đến thăm khám sớm”.

Tự ý dùng thuốc điều trị vết thương do sứa tấn công sẽ làm các tổn thương lan rộng hơn, khó điều trị hơn. Ảnh minh họa

Tự ý dùng thuốc điều trị vết thương do sứa tấn công sẽ làm các tổn thương lan rộng hơn, khó điều trị hơn. Ảnh minh họa

Một sai lầm nữa trong việc điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng của người bệnh là thay vì đi thăm khám bệnh lại sử dụng thuốc, đơn thuốc của người khác để điều trị.

Chỉ vì thấy bạn bè, người thân mách rằng họ cũng bị sứa tấn công và dùng thuốc này, cách này đỡ nên cũng dùng theo. Và rồi sau khi dùng thuốc, tổn thương không những không liền mà còn có dấu hiệu tăng nặng hơn, khó điều trị hơn.

Mặc dù cũng là bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng nhưng với mỗi loại tổn thương khác nhau, thể trạng khác nhau của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, cách điều trị khác nhau, không có chuyện dùng chung thuốc, chung cách điều trị cho nhiều người bệnh.

Để tránh gậy hại cho sức khỏe, bác sĩ Thu Hương khuyến cáo, khi chẳng may bị sứa biến tấn công, người bệnh nên sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng và kịp thời. Tuyệt đối không nên tự điều trị bệnh tại nhà hoặc để lâu mới đi thăm khám.

Đồng thời, với các tổn thương viêm da, người bệnh không nên gãi, chà xát nhiều để giảm cảm giác ngứa, khó chịu lúc đó. Bởi việc tác động lên vết thương như vậy sẽ gây ra tổn thương thứ phát.

Lúc đầu có thể chỉ là phồng rộp, ban đỏ, mụn nước, nhưng vì tác động vào vết thương gây tổn thương thứ phát như lở loét, chảy nước ở vết thương, tổn thương phức tạp, chỗ thì đóng vẩy, chỗ thì chảy dịch…

Sứa là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống chứa nhiều độc tố và khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng. 

Độc tố của sứa biển, thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, được sử dụng khi sứa bắt mồi và tự bảo vệ.

Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ, nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng. 

Ở thể nặng có thể gây đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... cần đưa ngay vào bệnh viện để chống sốc phản vệ.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO