Báo Điện tử Gia đình Mới

Trái tim của thanh niên chết não đập kỳ diệu trong ngực cậu bé 15 tuổi

“Mẹ ơi, vợ con đâu rồi?”. Đó là câu đầu tiên Cơ thốt ra với mẹ khi tỉnh dậy sau ca ghép tim. Bà Ánh chết lặng, “Thôi, thế là con bị mất trí nhớ rồi”.

  Phạm Văn Cơ và người mẹ của mình

Phạm Văn Cơ và người mẹ của mình

Gần 6 tháng trước, Phạm Văn Cơ (15 tuổi, Đà Nẵng) là người may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên bị tai nạn giao thông không may chết não.

Trái tim mới đập rộn ràng trong lồng ngực, từ chàng trai xanh xao, gầy gò với cân nặng vẻn vẹn 39 kg, sau ghép tim, Cơ đã tăng 11 kg. 

‘Con sống thì mẹ sống, chết thì 2 mẹ con cùng chết’

Mẹ của Cơ là bà Huỳnh Thị Ánh nghẹn ngào khi nhắc tới câu chuyện của mình và con trai.

Bà kể, chồng mất vì ung thư từ khi Cơ được 7 tháng tuổi. Một mình bà nuôi 4 đứa con khôn lớn bằng nghê xay cá thuê với thu nhập bấp bênh.

Năm 2006, một trận bão đã phá huỷ ngôi nhà cấp 4 của 5 mẹ con. Không nhà, không tài sản, bà dắt díu các con tá túc khắp nơi. Rồi sau, mẹ con bà được mọi người giúp đỡ, dựng tạm ngôi nhà lợp tôn để che mưa nắng.

Khi Cơ được 12 tuổi, gia đình chết lặng khi nhận tin con trai bị gin cơ tim - căn bệnh mà anh trai Cơ cũng mắc phải và qua đời khi mới 15 tuổi.

  Phạm Văn Cơ khoẻ mạnh sau khi được ghép tim

Phạm Văn Cơ khoẻ mạnh sau khi được ghép tim

Mẹ Cơ gượng dậy, vay vượn khắp nơi, đưa con vào TP.HCM chữa trị. Trong suốt 2 năm, tháng nào hai mẹ con Cơ cũng vào Sài Gòn để đặt máy tạo nhịp tim cho cậu. Hy vọng cớ thể cứu con trai vơi dần, tỷ lệ thuận với số tiền vốn đã ít còn hao hụt ngày một nhiều.

Rồi Cơ được mẹ đưa tới Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Lúc này, Cơ đã bị suy tim giai đoạn cuối, trái tim giãn to gấp 3 lần bình thường khiến lồng ngực cũng bị nhô cao, thời gian sống không còn nhiều.

Sau nhiều ngày chờ đợi, ngày 13/6, bà Ánh nhận được cuộc gọi của bác sĩ thông báo đã tìm được người hiến phù hợp.

Trái tim vượt qua hành trình hơn 700km

  Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và PGĐ Trung tâm ĐPGTQG Nguyễn Hoàng Phúc thực hiện ký các thủ tục liên quan đến trái tim ngay trên máy bay. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Giáo sư Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và PGĐ Trung tâm ĐPGTQG Nguyễn Hoàng Phúc thực hiện ký các thủ tục liên quan đến trái tim ngay trên máy bay. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.

Ngày 13/6, một nam thanh niên rơi vào tình trạng chết não. Gia đình anh đã tình nguyện hiến tặng toàn bộ mô, tạng.

Cơ là một trong 2 bệnh nhân có tên trong "Danh sách chờ ghép tạng Quốc gia". Thời điểm đó, ngoài Cơ còn một bệnh nhân khác đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đủ điều kiện tiếp nhận tạng khẩn cấp.

Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã quyết định điều chuyển trái tim của thanh niên chết não tới Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho Cơ - người có chỉ số ưu tiên cao nhất.

  Kíp bác sĩ và thùng tạng. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Kíp bác sĩ và thùng tạng. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Do thời gian quá gấp, lịch bay không phù hợp nên kíp bác sĩ từ Bệnh viện Trung ương Huế không đủ thời gian để mang máu của bệnh nhân được ghép ra Hà Nội đo chéo máu với người hiến.

Vì vậy, ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã quyết định để kíp y bác sĩ của bệnh viện lấy trái tim và đưa trái tim này từ Hà Nội vào Huế. Đồng thời để kịp thời gian, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã mang mẫu máu của người hiến bay vào Huế trước để thực hiện việc đo chéo.

Nhận được chỉ đạo của Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, kíp mổ do bác sĩ Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, chuẩn bị sẵn sàng chờ nhận tạng để ghép cho bệnh nhân.

Quãng đường vận chuyển tạng phải bay vào Đà Nẵng mới có chuyến bay phù hợp với thời điểm phẫu thuật lấy tạng, sau đó quả tim mới được vận chuyển bằng ôtô từ Đà Nẵng về Huế (khoảng hơn 3 giờ).

  Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ca ghép tim. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ca ghép tim. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

10 giờ ngày 13/6, Trung tâm cho biết nguồn tạng phù hợp với một bệnh nhân Phạm Văn Cơ bị suy tim giai đoạn cuối, mang một trái tim có kích cỡ khác thường, to gấp 3 lần bình thường, khiến lồng ngực nhô cao, tiên lượng thời gian sống rất ngắn. Cơ đã được đặt máy khử rung tim tự động (ICD) và sẵn sàng chờ ghép.

Đến 16 giờ ngày 13/6, GS.TS Trần Bình Giang cùng GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, và ê-kíp bác sĩ đã phẫu thuật lấy đa tạng từ bệnh nhân chết não.

Sau khi phẫu thuật lấy tạng, GS.TS Phạm Như Hiệp cùng với các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức trực tiếp vận chuyển tạng về Huế (GS Phạm Như Hiệp xin nghỉ họp Quốc hội tại Hà Nội) và trực tiếp chỉ đạo thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thứ 2 này tại Huế.

  Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim thành công cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim thành công cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Khoảng 23 giờ 15 ngày 13/6, khi trái tim của người hiến tạng vừa về đến Bệnh viện Trung ương Huế một vài phút cũng là lúc việc đo chéo máu cho kết quả tốt.

Đến 2 giờ 47 ngày 14/6, trái tim đã đập lại trong lồng ngực của Cơ. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 6 giờ cùng ngày.

Cho tới 9 giờ ngày 14/6, Cơ đã hồi tỉnh, huyết động ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi rất chặt chẽ tại Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế.

Một tháng mất trí nhớ và một đời biết ơn ân nhân

9 giờ ngày 14/6, Cơ tỉnh dậy, bà Ánh oà khóc, nắm chặt tay con. Vậy là, mẹ con mình lại được sống tiếp cùng nhau rồi. “Mẹ ơi, vợ con đâu rồi?”. Đó là câu đầu tiên Cơ thốt ra với mẹ khi tỉnh dậy sau ca ghép tim. Bà Ánh chết lặng, “Thôi, thế là con bị mất trí nhớ rồi”.

Một tháng sau, Cơ mới hoàn toàn tỉnh táo. 

  Phạm Văn Cơ hồi tỉnh sau khi được ghép tim. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Phạm Văn Cơ hồi tỉnh sau khi được ghép tim. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Cơ đang trong giai đoạn nghỉ ngơi lấy sức khoẻ để tiếp tục việc học còn lở dở của mình tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đà Nẵng. 

Ra Hà Nội tham dự chương trình Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia “Cho đi là còn mãi” ngày 29/11, cả Cơ và mẹ đều khóc trong khoảnh khắc nhắc đến ân nhân.

Đây cũng là lần đầu tiên hai mẹ con Cơ tới Hà Nội. Cả hai đều mong muốn gặp lại người thân của cậu thanh niên đã hiến tặng tim cho Cơ, để nói lời cảm ơn sâu sắc. 

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO