Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ bị đau bụng từng cơn, phân lỏng, nôn ói... có thể là dấu hiệu của bệnh lồng ruột

Bệnh nhi Đinh Thảo N. (3 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau bụng, quấy khóc từng cơn, kèm theo có đi ngoài phân lỏng…

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật điều trị lồng ruột cho bé Đinh Thảo N.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật điều trị lồng ruột cho bé Đinh Thảo N.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa tiến hành phẫu thuật nội soi điều trị lồng ruột thành công cho bé Đinh Thảo N. (3 tuổi, thường trú tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Bé nhập viện trong tình trạng đau bụng, quấy khóc từng cơn, kèm theo có đi ngoài phân lỏng… chưa điều trị gì.

Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp X-quang cho thấy hạ sườn phải có cấu trúc khối lồng kích thước ~ 31x33mm, xung quanh có nhiều hạch mạc treo kích thước lớn nhất ~ 16mm.

Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị lồng ruột cấp tái phát và chỉ định phẫu thuật nội soi điều trị lồng ruột.

Các bác sĩ tiến hành quan sát ổ bụng thấy khối lồng hồi manh tràng vị trí dưới gan, thành dày kích thước lớn gấp đôi quai hồi tràng, có xu hướng lồng lại ngay khi tháo, manh tràng di động, có các hạch viêm phản ứng xung quanh góc hồi manh tràng.

Tiến hành tháo lồng, cắt đoạn hồi manh tràng và ruột thừa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn 30 phút.

Sau ca mổ cấp cứu, hiện mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định, đang theo dõi tại Khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.

Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột 

- Trẻ bị đau bụng từng cơn. Khi đang sinh hoạt bình thường, đột nhiên trẻ đau bụng, khóc thét dữ dội, bỏ ăn, bỏ bú. 

- Sau cơn đau, trẻ có thể bú lại bình thường nhưng cơn đau sẽ trở lại sau đó. 

- Tiếp theo là trẻ nôn ói nhiều, lúc đầu là nôn ra dịch trắng sau đó chuyển qua màu vàng hoặc xanh. 

- Sau đó, trẻ đi ngoài ra phân có máu. Dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.

Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên, người thực hiện ca phẫu thuật cho biết: Lồng ruột là tình trạng bệnh lý trong đó một đoạn ruột chui lồng vào đoạn ruột nối tiếp theo.

Đây là bệnh lý tương đối phổ biến của đau bụng cấp, thường ở trẻ em, trong đó trẻ dưới 24 tháng tuổi bụ bẫm chiếm đa số.

Bác sĩ Tuyên cũng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của lồng ruột, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Tại đây, bác sĩ sẽ khám và cho làm các xét nghiệm, nhất là siêu âm, chụp X-quang để chẩn đoán chính xác, điều trị cho trẻ kịp thời.

Trường hợp trẻ đến muộn phải mổ cấp cứu do đoạn ruột của trẻ đã chui sâu vào bên trong gây tắc ruột, phù nề và hoại tử, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. 

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO