Báo Điện tử Gia đình Mới

Viêm tiểu phế quản ở trẻ: Dấu hiệu nhận biết, cách điều trị, phân biệt với viêm phổi, ho gà

Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý viêm cấp tính đường hô hấp dưới xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây suy hô hấp nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây suy hô hấp nặng

Trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây suy hô hấp nặng

Bệnh diễn tiến với triệu chứng ho, khò khè, chảy mũi, sốt nhẹ trước vài ngày, sau đó nhanh chóng dẫn đến tình trạng suy hô hấp.

ThS.BS Nguyễn Thị Mai Hoàn, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ‘thời tiết lạnh mùa đông là lúc trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản.

Với các bệnh nhi đến khoa hô hấp của chúng tôi thời điểm này có đến 70% là có yếu tố dị ứng. Và số lượng trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen phế quản nổi bật lên trong số các bệnh về đường hô hấp khác’.

Viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus hợp bào đường hô hấp. Bệnh có liên quan đến phản ứng miễn dịch – dị ứng do cơ thể sinh kháng thể chống lại virus.

Dấu hiệu nhận biết viêm tiểu phế quản ở trẻ

- Bệnh thường được báo hiệu trước bởi nhiễm khuẩn hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi, sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp.

- Co rút lồng ngực thường xảy ra sớm. Tím tái xảy ra khi bệnh nặng lên.

- Sốt có thể có hoặc không, thở ra kéo dài, đôi khi có thể có ran ẩm nhỏ hạt.

- Lồng ngực của trẻ trở nên căng phồng.

Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau được xếp vào thể nặng và cần phải nhập viện là: Trẻ bú kém, li bì, cơn ngừng thở, thở nhanh từ 70 lần/phút trở lên, thở rên, phập phồng cánh mũi, co rút lồng ngực nặng, tím tái.

Bệnh viêm tiểu phế quản thường được báo hiệu trước bởi nhiễm khuẩn hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi, sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp

Bệnh viêm tiểu phế quản thường được báo hiệu trước bởi nhiễm khuẩn hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi, sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ho, khò khè là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ bị viêm tiểu phế quản, chiếm 100%.

Tiếp theo là kích thích và quấy khóc 90%. Triệu chứng này thường gặp khi có tắc nghẽn đường hô hấp dưới. Thở nhanh cũng gặp với tỷ lệ cao 89%.

Co rút lồng ngực cũng là triệu chứng hay gặp chiếm tới trên 2/3 số trường hợp. Nghe phổi chủ yếu là ran rít, ran ngáy chiếm 67%, trong khi đó ran ẩm chỉ chiếm 37,5%.

Dễ nhầm lẫn với hen phế quản

Trẻ bị viêm tiểu phế quản và hen phế quản đều có các triệu chứng khò khè, ho, khó thở…

Do đó, cha mẹ cần chú ý đến các triệu chứng điển hình của bệnh để phát hiện sớm bệnh và đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời.

viem-tieu-phe-quan

Ngoài ra cũng cần phân biệt bệnh viêm tiểu phế quản với các bệnh đường hô hấp khác như:

– Viêm phế quản phổi: Bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn (Sốt cao, tăng bạch cầu trung tính, CRP tăng), phổi nghe có ran ẩm nhỏ hạt, X- uang có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi.

- Viêm phổi: Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, với các triệu chứng điển hình như ho, sốt, khó thở, thở nhanh, tím tái, rút lõm lồng ngực…

– Ho gà: Ho cơn kéo dài, sau ho trẻ có thể tím tái, ngoài cơn ho trẻ bình thường. Bạch cầu tăng, lympho tăng. Nghe phổi không có ran.

– Mềm sụn thanh quản: Thường xuất hiện vào tháng thứ hai sau sinh, khi thở có tiếng thở rít.

Điều trị viêm tiểu phế quản thế nào?

Theo PGS Dũng bệnh viêm tiểu phế quản thường tự khỏi từ 3 – 7 ngày. Tử vong chỉ xảy ra trong những trường hợp nặng. Khoảng ¼ trường hợp sau này trở thành hen phế quản.

Việc điều trị viêm tiểu phế quản chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cần phải làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách thường xuyên hút dịch mũi họng và cho uống nước đầy đủ và bú mẹ thường xuyên hơn, nếu trẻ không bú được phải vắt sữa đổ từng thìa một.

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản nhẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng cách:

- Cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho.

- Sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.

- Điều trị triệu chứng nếu có (uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt).

- Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị để phòng tránh nguy cơ kháng kháng sinh.

Các dấu hiệu nặng cần nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện:

- Trẻ sốt cao, dùng thuốc giảm sốt cũng không hạ.

- Bỏ bú, nôn trớ

- Thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng.

- Da tím tái

Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh viêm tiểu phế quản

Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh viêm tiểu phế quản

Cách phòng tránh viêm tiểu phế quản cho trẻ

Các mẹ cần chú ý ngay từ trong thời gian mang thai: Khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lao động hợp lý để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân nặng.

Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thành phần ăn cho trẻ: chất đạm, chất béo, gluxit, vitamin, muối khoáng…

Vào giai đoạn trời lạnh hoặc giao mùa, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để trẻ quá nóng, gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm.

Thường xuyên sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO