Báo Điện tử Gia đình Mới

Tác giả lời Việt 'Độ ta không độ nàng' nói gì về hiện tượng âm nhạc gây sốt gần đây?

Tác giả Tuyên Chính, người phổ lời Việt ca khúc Độ ta không độ nàng khiến giới trẻ Việt mê mệt thời gian gần đây có những chia sẻ về bài hát cũng như dòng nhạc cổ phong.

Độ ta không độ nàng được trích từ album cùng tên của Cô Độc Thi Nhân, phát hành tháng 1 năm 2019. 

Lời Việt ca khúc "Độ ta không độ nàng" được viết bởi Tuyên Chính. Nhiều YouTuber và ca sĩ đã mượn lời Việt của Tuyên Chính để trình bày ca khúc, nhận được hàng triệu, thậm chí chục triệu lượt xem trên YouTube. 

Tác giả lời Việt 'Độ ta không độ nàng' nói gì về hiện tượng âm nhạc gây sốt gần đây? 0

Hiện tại có tới 8 phiên bản cover ca khúc này cùng lọt vào top Thịnh hành trên YouTube, một hiện tượng hiếm thấy đối với khán giả Việt.

Tác giả Tuyên Chính đã có một vài chia sẻ với Gia Đình Mới về lời Việt của ca khúc này.

- Cảm hứng viết lời Việt của "Độ ta không độ nàng" của anh?

Cảm hứng đầu tiên là từ khi mình nghe bản gốc. Giai điệu rất bắt tai, nghe thôi cũng thấy được sự day dứt, oán trách. Cả bài toát ra một sự thê lương, nhưng giọng người hát lại mạnh mẽ không hề yếu đuối. Đây là phong cách mà Tuyên Chính rất thích. Hầu hết các bài nhạc cổ phong Tuyên Chính viết đều có chất thê lương như vậy.

Ở bài này, điểm nhấn là lời oán trách của một vị sư phụ, tu hành phụng sự phật pháp nhiều năm. Anh muốn hỏi Phật tại sao anh tu hành nhiều năm như vậy, giúp phật truyền bá đạo pháp, mà Phật không nể tình cứu quận chúa sống lại.

"Phật ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới nàng". Câu này thật ra là lời oán trách nặng nề. Hay như "Lại một tay ta gõ mõ, phá nát cương thường biến họa", tiếng mõ chứa đựng sự đau đớn, dũng mãnh, như muốn thỉnh phật về chứng kiến những điều anh làm sau này, "trả lại phật áo cà sa" và báo thù cho nàng.

Cùng thể loại này còn có bài "Giang hải bất độ nhĩ" cũng rất hay.

Tác giả lời Việt 'Độ ta không độ nàng' nói gì về hiện tượng âm nhạc gây sốt gần đây? 1

- Anh cảm thấy thế nào khi Độ ta không độ nàng trở thành hot trend hàng đầu như hiện nay?

Mình cảm thấy rất vui khi một ca khúc cổ phong trở thành hot trend. Rất tự hào vì ca khúc mình viết lại thành công như vậy.

Giới cover cổ phong hiện tại vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vì lời nhạc cổ để tạo cảm giác thanh cao, thiên hướng về văn chương theo phong cách nho gia nhiều hơn nên gây ra sự khó hiểu cho người nghe, muốn hiểu phải nghiền ngẫm chứ không phải dạng "mì ăn liền".

Hy vọng sau bài hát này sẽ thu hút được các bạn trẻ tìm về cổ phong nhiều hơn. Khi mới nghe giai điệu bài Độ ta không độ nàng được đăng tải tại Việt Nam thì ca khúc này chưa được hot lắm.

Tuyên Chính thấy giai điệu khá hay nhưng lúc đó cũng chỉ đánh giá bài hát ngang với những ca khúc hot khác trên TikTok như "Ly nhân sầu", "Phong tranh ngộ".

Kể cả khi một số người trước Tuyên Chính phổ lời Việt và cover thì ca khúc cũng chưa được nhiều người biết đến.

Sau đó một tháng thì Tuyên Chính mới bắt tay viết bài này và rất bất ngờ vì bài hát trở thành hot trend như hiện nay và được ca sĩ Khánh Phương làm thành MV. Và một số người khác cover cũng rất thành công khi khá nhiều người lọt top Thịnh hành.

Ở phần lời Việt ca khúc này mình miêu tả người thầy tu với lời lẽ u uất nhưng có giảm nhẹ bằng một số chi tiết như "Vì người hoa rơi hữu ý, khiến nước chảy càng vô tình" để tạo cảm giác sự nhẹ nhàng của tình cảm, thanh cao của người tu hành.

Một lần nữa mình thấy vui khi nhiều người biết đến nhạc cổ phong. Hy vọng thể loại âm nhạc này được mọi người đón nhận.

Độ ta không độ nàng - Bản cover của ca sĩ Khánh Phương

- Anh bắt đầu viết lời Việt cho các ca khúc Hoa ngữ từ khi nào và tình yêu của anh với nhạc cổ phong?

Mình bắt đầu viết lời Việt cho nhạc vào tháng 7 năm 2017 với ca khúc đầu tiên là "Hồn Giá". Cảm xúc đầu tiên là một câu chuyện có thật về hồn ma bị xử tử oan vào tháng 7 năm Cảnh Đức thứ 2 khiến năm đó trời tháng 7 tuyết rơi đầy trời.

Quá xúc động khi nghe câu chuyện nên Tuyên Chính đã phổ lời cho bài Hồn giá. Và từ đó gắn liền với cổ phong đến lúc này.

Tác giả lời Việt 'Độ ta không độ nàng' nói gì về hiện tượng âm nhạc gây sốt gần đây? 2

Trong nhạc cổ phong ẩn chứa những câu chuyện, và nhạc cổ phong thiên hướng về tượng hình. Vậy nên việc sử dụng văn chương trong khi phổ lời khá là quan trọng.

Văn chương là điều Tuyên Chính rất thích vì mình sống ở Thượng Hải từ nhỏ, cũng đi theo sư phụ nhiều năm học về đạo lý nên văn phong gắn liền với Trung Quốc. Còn môn Ngữ Văn mình học trong trường thì không được tốt cho lắm.

Văn ôn võ luyện, mình thấy việc viết lời cho nhạc cổ phong giúp mình ghi nhớ và ghi chép lại những câu chuyện, những áng văn chương hay trong một bài nhạc.

Đây là việc rất tốt nên mình xác định gắn liền với cổ phong lâu dài và phát triển dòng nhạc này đến với nhiều người.

- Anh mất bao lâu để viết lời cho một phiên bản Việt? 

Mình viết bài tùy theo cảm xúc. Bài dài nhất mình viết là 7 ngày. Ví dụ như bài Hịch Tướng Sĩ sắp ra mắt. Còn thông thường mình viết trong 3 ngày.

Vì phải chỉnh sửa về văn chương, ý tứ, việc sử dụng các điển tích, điển cố và nghe thật kĩ giai điệu bản gốc. Mình nghe từng chữ một từ bản gốc rồi viết lời theo nên thời gian hơi lâu và chất lượng cũng sẽ được đảm bảo.

- Anh có dự định gì trong tương lai sau thành công của Độ ta không độ nàng?

Dự định trong tương lai thì mình không có gì đáng kể. Mình vẫn viết lời phục vụ các bạn yêu thích cổ phong đúng chất.

Tiếp tục phát triển dòng nhạc này đến với các bạn trẻ hoài cổ, có tâm hồn yêu cái đẹp và sự thanh cao.

Tác giả lời Việt 'Độ ta không độ nàng' nói gì về hiện tượng âm nhạc gây sốt gần đây? 3

Qua bài hát này mình cũng muốn các ca sĩ, những bạn thích cover biết được và thể hiện các ca khúc khác của Tuyên Chính đã đăng lên mạng để dòng nhạc này phát triển hơn.

Hiện tại Tuyên Chính cộng tác với một ca sĩ và sắp ra mắt tác phẩm mới. Các bạn cùng đón chờ nhé. Cũng lại là một bài liên quan đến từ "độ" nhưng là "Giang Hải bất độ nàng".

- Anh có thể tiết lộ thêm đôi chút về bản thân mình?

Mình tên là Tuyên Chính, tên Trung Quốc là Lý Vãn Cầm. Từ nhỏ mình sống ở Thượng Hải. Đến khi học cấp 2 mình mới về nước. Mình hiện tại vẫn còn đang đi học nên cũng có nhiều thời gian với cổ phong hơn.

Các bài hát mình thường viết về thời chiến quốc, lâm li và xuất hiện nhiều anh hùng hào kiệt, chuyện tình yêu của họ không đơn giản chỉ là "anh yêu em" mà nó còn gắn liền với cốt cách của người xưa, thứ tình cảm khắc ghi kiếp này sang kiếp khác, kể cả khi phải đầu rơi máu chảy, làm hồn ma phảng phất chốn dương trần.

Mình muốn truyền tải thông điệp về lịch sử, lòng trung nghĩa, ca ngợi các anh hùng dân tộc như trong bài "Tận trung báo quốc" viết về Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt hay bài hát Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Lời mình viết cũng là viết cho người đã khuất tưởng nhớ họ, nên trong một số bài sẽ có sát khí hơi mạnh. Mình biết điều đó và một năm nay đã tiết chế khá nhiều để phù hợp với mọi người hơn.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Lời Việt "Độ ta không độ nàng" - Tuyên Chính

Phật ở trên kia cao quá

Mãi mãi không độ tới nàng

Vạn dặm tương tư vì ai

Tiếng mõ vang lên phũ phàng

Chùa này không thấy bóng nàng

Bồ đề chẳng muốn nở hoa

Dòng kinh còn lưu vạn chữ

Bỉ ngạn phủ lên mấy thu

.

Hồng trần hôm nay xa quá

Ái ố không thể giãi bày

Hỏi người ra đi vì đâu

Chắc chắn không thể quay đầu

Mộng này tan theo bóng phật

Trả lại người áo cà sa

Vì sao độ ta không độ nàng?

.

Vì người hoa rơi hữu ý

Khiến nước chảy càng vô tình

Một thuở niên hoa hợp tan

Tiếng mõ xưa rối loạn

Bồ đề không nghe tiếng nàng

Hồng trần đã mấy độ hoa

Mắt còn vương màu máu

Hồng nhan chẳng trông thấy đâu?

.

Lại một tay ta gõ mõ

Phá nát cương thường biến họa

Vài độ xuân thu vừa qua

Có lẽ không còn thấy nàng

Hỏi phật trong kiếp này

Ngày ngày gõ mõ tụng kinh

Vì sao độ ta không độ nàng?

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO