Báo Điện tử Gia đình Mới

Tầm soát ung thư miễn phí: Người dân thờ ơ khiến hàng trăm triệu đồng gián tiếp bị 'vứt bỏ'

Mới đây, Hà Nội đầu tư hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ người dân tiếp cận y tế hiện đại, phát hiện sớm ung thư trực tràng, từ đó giảm thiểu đau đớn, tốn kém không đáng có khi điều trị bệnh về sau. Nhưng hàng trăm triệu đồng gián tiếp bị người dân “vứt bỏ”, chỉ vì ý thức người dân chưa cao.

Ung thư trực tràng có diễn biến khá chậm nên phần lớn người bệnh phát hiện bệnh khi thời điểm bệnh đã nặng

Ung thư trực tràng có diễn biến khá chậm nên phần lớn người bệnh phát hiện bệnh khi thời điểm bệnh đã nặng

Polip nếu không được xử lý rất dễ phát triển thành khối u

Polip nếu không được xử lý rất dễ phát triển thành khối u

Chỉ trong thời gian triển khai rất ngắn, hơn 122.000 dân được xét nghiệm ung thư đại trực tràng miễn phí, trong đó, kết quả cho thấy gần 7.000 người có kết quả dương tính. Từ con số dương tính, các bệnh viện tìm thấy 80% có bệnh lý về đường tiêu hóa, 40% bắt đầu có polip hay khối u.

Ngay như với quận Tây Hồ, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế Thu Cúc, gần 5.000 người dân được tiếp cận dự án. Trong đó có tới hơn 6% trường hợp xét nghiệm với kết quả dương tính. Quận Ba Đình, được sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn, dù chỉ tiến hành thí điểm tại 2 phường nhưng cũng giúp cho 84 người phát hiện mình có bệnh, 2 người phát hiện đã có u.

Nhiều người, nhờ dự án đã kịp phẫu thuật xử lý polip, tầm soát ung thư, biết được cách chăm sóc sức khỏe tránh tình trạng bệnh tăng nặng.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, có tới 80% số người mắc ung thư trực tràng đều được phát hiện ở giai đoạn muộn. Thời gian phát bệnh rất dài nhưng họ đã bỏ qua những cơ hội cứu chữa tốt nhất. Nếu khám sớm, phát hiện và điều trị sớm thì khả năng khống chế bệnh rất cao, không để cho bệnh tiến triển thành ung thư giai đoạn muộn.

"Khi phát hiện ở dạng polip, chỉ cần một phẫu thuật nhỏ với chi phí chỉ khoảng 2 triệu đồng, nghỉ ngơi 1 ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục. Tuy nhiên, nếu không biết, polip có thể phát triển thành khối u ung thư đại trực tràng. Hậu quả của căn bệnh này để lại vô cùng nặng nề, không chỉ đau đớn, nhiều người phải cắt bỏ trực tràng, lắp hậu môn giả khi bệnh nặng", bà Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ.

Vì thế, dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là khi người dân không hề mất bất cứ chi phí gì vẫn có thể tầm soát ung thư. Chưa kể, với người có kết quả dương tính, họ còn được các trung tâm, bệnh viện tư vấn sát sao, soi trực tràng miễn phí, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật từ bảo hiểm y tế.

Nhiều mẫu test gửi tới tay người dân nhưng không được chú ý, gây ra lãng phí vô cùng lớn

Nhiều mẫu test gửi tới tay người dân nhưng không được chú ý, gây ra lãng phí vô cùng lớn

Thế nhưng, có một điều bất cập là nhiều người dân chưa hợp tác, không nhận thấy tầm quan trọng của dự án miễn phí này. Với diễn biến như hiện tại, hàng trăm nghìn tài nguyên với giá trị tiền tỉ có thể rơi vào lãng phí.

Như TS Nguyễn Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đã tiến hành triển khai dự án vào đầu tháng 1/2018 trên 4 phường thí điểm (Đồng Tâm, Vĩnh Tuy, Trương Định, Minh Khai). Dù mới phát được 1.831 mẫu thử nghiệm (test) cho người dân nhưng đến 40% chưa thu lại được mẫu.

Đại diện y tế quận này cho rằng, có thể vì miễn phí nên người dân chưa mấy “mặn mà” với dự án. “Nhận thức người dân chưa ổn, họ cho rằng y tế đang vận động họ làm và miễn phí nên không coi trọng”, Giám đốc Trung tâm y tế Quận Hai Bà Trưng nhận định.

Hay như tại quận Tây Hồ, với sự hỗ trợ triển khai của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, dù bệnh viện đã quảng cáo, phát lên loa phát thanh của phường, treo băng rôn nhưng tiến độ thực thi dự án vô cùng chậm.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc chia sẻ, bệnh viện phát cho quận 20.000 lượt test nhưng hiện tại thu về được khoảng 5.000 mẫu. “Có những ngày viện thu lại chỉ có 50 mẫu, không đủ để chạy hóa chất. Chưa kể, thông tin gửi lên cũng không đầy đủ, nhiều người không khai số điện thoại, với những kết quả dương tính cần tư vấn, bệnh viện không biết làm cách nào”.

Vô hình chung, chính những nhận thức chưa đầy đủ của người dân, họ không chỉ vô trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe bản thân mà còn trực tiếp gây ra sự lãng phí vô cùng lớn.

Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mỗi mẫu test có giá gần 50.000 đồng, chưa kể, để chạy kết quả hóa chất, mỗi lần cần đến 320 test. Vì vậy, với việc chạy lắt nhắt như bây giờ, gây ra lãng phí về nguyên liệu, về hóa chất vô cùng lớn. “Một người vứt test đi là cướp mất cơ hội của một người khác, nhất là khi họ đang mang trong mình mầm mống căn bệnh ung thư”, bà Trần Thị Nhị Hà chia sẻ.

Chương trình Tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí được Sở Y tế Hà Nội triển khai hướng tới người 40 tuổi đã có Bảo hiểm Y tế nhằm phát hiện, tầm soát miễn phí ung thư đại trực tràng trong cộng đồng.

Chương trình đã được triển khai tại các quận/huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình, Long Biên, Đống Đa, Sóc Sơn, Thanh Trì. Hiện tại, dự án đang triển khai tại quận Tây Hồ và Hai Bà Trung cùng với sự tham gia của 2 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc và bệnh viện Vinmec. 

Trong tháng 3/2018. Dự án tiếp tục triển khai tại Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên. 

Hồng Ngọc/Giadinhmoi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO