Báo Điện tử Gia đình Mới

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện

Rời bỏ công việc kỹ thuật viên gây mê sau 3 năm gắn bó, Lê Bùi Thị Thảo Nguyên rong ruổi dọc miền đất nước để thoát ra khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 0

“Chúng tôi tránh không nhìn vào mắt nhau, hiểu rằng ai cũng đang kìm nén để không bật khóc, không gào thét. Tại sao? Tại sao 6 tiếng đồng hồ đổ sông đổ bể? Tại sao đến lúc quyết định buông xuôi tôi vẫn không chịu được khi nhìn thấy số 0 và đường thẳng chạy dài lạnh lùng trên màn hình theo dõi?

Khi người nhà vây quanh, nắm tay bóp chân, động viên người bệnh, tôi đã hy vọng phép màu sẽ xảy ra, những nhịp tim đều đặn lại xuất hiện trên màn hình và ngón tay trỏ bất chợt nhấc lên. Nhưng cuộc đời không phải một tập phim truyền hình, nó tàn nhẫn hơn rất nhiều lần!

"Và điều đáng sợ nhất là sau khi chiếc xe đưa người phụ nữ ấy về an nghỉ nơi cố hương lăn bánh, tôi lại phải quay trở lại công việc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Tôi phải làm sao để sống an lành suốt những tháng năm còn lại, với những ánh mắt van nài và tiếng khóc thê lương?”, Lê Bùi Thị Thảo Nguyên nhớ lại.

“Làm nghề này, nếu không quên được thì phải quen”

Những tháng ngày làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương ở vị trí kỹ thuật viên gây mê, Thảo Nguyên thường không giữ được bình tĩnh và hay khóc khi đối mặt với sự ra đi của bệnh nhân. Cô hoàn toàn có thể chịu đựng được điều đó nhưng một ngày, hai ngày… cảm xúc ấy bị tích tụ lại, cô lo mình sẽ bị hạ gục.

Thảo Nguyên bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông báo cấp cứu, tiếng tít tít của máy theo dõi, tiếng khóc, tiếng chửi rủa… Nỗi ám ảnh đến từ phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật lan tới phòng sinh.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 1

Thậm chí, nhiều lúc, cô còn không kịp phân định mình đang ở nhà hay ở viện. Cô cứ thế lao đi theo phản xạ khi nghe thấy tiếng chuông trong cơn mê man, để rồi khi định hình được, cô đang ở nhà mình, vừa trở về từ ca trực đêm và mới chợp mắt được 30 phút.

Thảo Nguyên suy nghĩ: “Làm nghề này, nếu không quên được thì phải quen”. Cuối cùng, cô không thể “quên” và cũng chẳng thể “quen” được. Cô rời đi sau 3 năm hoạt động trong ngành bởi “Mọi thứ dường như quá sức chịu đựng” và cô muốn “an lành ru giấc ngủ hằng đêm”.

Thảo Nguyên nhận ra bản thân không phù hợp với ngành Y từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Y dược TP. HCM. Tuy nhiên, lúc đó cô chưa biết mình thích gì, phù hợp với điều gì.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 2

Cô suy nghĩ: “Nếu bỏ học ngay lúc đó, mình không biết làm gì tiếp theo, làm gì để trang trải cuộc sống, chắc chắn sẽ lại lạc vào một vòng lẩn quẩn học – bỏ”. Vậy là, cô vẫn hoàn thành chương trình học và đi làm cho đến khi tìm ra điều mình thực sự mong muốn là gì.

Và sự qua đời của một sản phụ sinh con được 17 ngày như giọt nước tràn ly, củng cố quyết định nghỉ việc tại một bệnh viện lớn nhất nhì miền Nam của Thảo Nguyên.

Những chuyến lang thang dọc miền đất nước

Điều đầu tiên Thảo Nguyên nghĩ đến sau khi nghỉ việc là “Làm cách nào để gia đình an tâm và làm cách nào để cân bằng lại cảm xúc của bản thân?”. 

May mắn, ba mẹ tôn trọng mọi quyết định của Thảo Nguyên. Tuy ba mẹ cô lo lắng nhưng chỉ bảo là lớn rồi, cứ suy nghĩ cho kĩ và tự quyết định lấy cuộc sống của mình.

Tháng 4/2017 nghỉ việc, Thảo Nguyên về quê thăm ba mẹ ít ngày rồi thực hiện chuyến lang thang trên các cung đường Đông – Tây Bắc một tháng để cân bằng cảm xúc.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 3

Cung đường Đông – Tây Bắc này cũng là lần đầu tiên Thảo Nguyên đi xa hơn đèo Hải Vân.

Trước đó, Thảo Nguyên đã một mình đi học miền Trung trong gần 1 tháng sau khi tốt nghiệp đại học. Cô mang tâm thế của một đứa lần đầu bước chân đi xa khỏi nhà, thất tình, chưa có việc làm, không biết xem bản đồ, lơ ngơ…

May sao, trong chuyến đi đó, cô gặp được rất nhiều người tốt, giúp đỡ cô tận tình. Chuyến đi cũng giúp cô vượt qua những tan nát đổ vỡ của cuộc tình đầu tiên này cũng là chuyến đi nhiều cảm xúc với nhất với cô.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 4

Thảo Nguyên tâm sự, cô học được nhiều điều từ các chuyến đi đó. Những cung đường dọc dài đất nước giúp cô hiểu và chấp nhận được những khác biệt về suy nghĩ, nhận thức giữa bản thân và nhiều người xung quanh.

“Tôi hiểu được rằng mỗi người có 1 xuất phát điểm và môi trường sống khác nhau. Vì vậy, suy nghĩ cũng khác nhau. Từ đó, tôi biết thông cảm và bao dung hơn”, Thảo Nguyên chia sẻ.  

Thảo Nguyên nhận ra, cô được là mình nhất là những khi một mình rong ruổi trên những cung đường, khi xung quanh không có bệnh nhân, đồng nghiệp, không bạn bè, không gia đình, không một ai biết mình là ai.

Và Thảo Nguyên đi để có thêm cảm xúc và chất liệu để viết.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 5

Phát hiện có khả năng viết từ khi có… mối tình đầu

Thảo Nguyên nhận ra mình có khả năng viết từ khi mối tình đầu xuất hiện. Không có thói quen chia sẻ với người khác, nên khi lần đầu tiên có cảm xúc với một người mà không biết phải làm sao với nó, cô viết ra.

Lúc đầu, Thảo Nguyên viết chỉ để giải toả cảm xúc. Sau dần, cô đăng các trạng thái đó lên trang cá nhân và nhận được sự đón nhận của nhiều người.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 6

Đặc biệt, sau khi kết thúc mối tình đầu và bắt đầu đi du lịch, cô càng viết nhiều và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người đọc. Rồi Nguyên bắt đầu cộng tác với một số báo về mảng du lịch.

Thảo Nguyên đặt bút viết viết cuốn sách đầu tiên vào ngày đầu tiên của năm 2018. Lúc đó, có điều gì cứ thôi thúc cô viết cái gì đó cho mình, kể lại câu chuyện của mình, muốn có một sản phẩm để ba mẹ an tâm là con gái của họ vẫn đang làm việc chứ không hề lông bông.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 7

Ngoài ra, cô muốn gửi gắm đến những bạn trẻ vẫn hay nhắn tin cho mình là muốn bỏ học, bỏ việc rằng, không có con đường nào dễ dàng, cũng như không phải cứ từ bỏ là xong mà đó mới chỉ là bắt đầu của rất nhiều chông gai.

“Tôi bỏ ngành y khi tôi đã thực sự chuẩn bị cho mình và biết mình sẽ sống được với công việc mình chọn sau này. Những năm tháng đi học, đi làm trong ngành y đã cho tôi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống chứ không phải bỏ vì nó vô ích và đi học là không cần thiết", Thảo Nguyên nói. 

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 8

Trong tương lai, Thảo Nguyên sẽ theo nghiệp viết lách. Cô sẽ đi học thêm để trở thành người viết một cách chuyên nghiệp hơn thay vì tự viết theo cảm xúc cá nhân của mình thôi như trước giờ cô vẫn làm.

Hiện tại, cô đang hoàn thành bản thảo cho cuốn sách thứ 2 của mình.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 9

Sau khi rời bệnh viện, lang thang xuôi dọc đất nước, cảm xúc của Thảo Nguyên vẫn vẹn nguyên khi chứng kiến nỗi đau do bệnh tật mang lại cho ai đó. Chỉ là cô ít phải chứng kiến những cảnh như thế hơn mà thôi.

Không còn làm việc trong ngành Y, Thảo Nguyên vẫn bàn luận với bạn bè cùng lớp đại học về những tình huống y khoa mình xem được trên thời sự hay đọc trên báo.

Nguyên đã từng bị mắc kẹt, bị giằng xé giữa hai cái khuôn trong một con người. Một cái khuôn do người ngoài tạo nên với hình ảnh Nguyên học giỏi, làm tốt, có công việc ổn định cùng vô vàn cơ hội thăng tiến cao.

Mọi người đã quen với hình ảnh cô gái chăm chỉ làm việc, nén cảm xúc của bạn thân xuống đáy lòng, chấp nhận nhưng không hạnh phúc trong cái khuôn ấy.

Tâm sự của cô gái ngành y bỏ việc vì không thoát khỏi sự ám ảnh từ bệnh viện 10

Và một Thảo Nguyên có phần nổi loạn với nhiều hình xăm, uống rượu, mê phượt… nhưng đó mới chính là con người thật của Nguyên. Một Nguyên liều, lỳ, chân thành, đầy cảm xúc.

Thảo Nguyên không thích mọi người gọi mình là cử nhân Gây Mê hay nhà văn, cô chỉ thích mọi người đơn thuần gọi mình là Thảo Nguyên, hoặc là Cỏ. Với cô, như vậy là đủ bởi tất cả những danh xưng cô đều không thấy vừa vặn chút nào.

“Cuộc sống có nhiều thứ không thể kiểm soát hết được, hãy cứ làm những gì mình cho là đúng, và đảm bảo rằng mình có thể ngủ ngon suốt quãng đời còn lại với những việc làm đó", Thảo Nguyên hào hứng.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO