Báo Điện tử Gia đình Mới

Tết là để: bà nội trợ dành một chút thời gian cho bản thân mình

Tết là thời điểm nhiều bà mẹ cảm thấy mệt mỏi vì những nhiệm vụ ‘đối nội, đối ngoại’ đầy ắp trong lịch trình. Một chút thời gian dành cho bản thân dường như là điều xa xỉ với chị em phụ nữ.

Du xuân, ngắm chợ hoa ngày Tết có phải là điều quá khó khăn với bà nội trợ?

Du xuân, ngắm chợ hoa ngày Tết có phải là điều quá khó khăn với bà nội trợ?

Vẫn biết là khó, nhưng chị em hãy thử làm theo cách được một số Facebooker chia sẻ sau đây để có chút ít thời gian dành cho riêng mình.

Nhà báo Thu Hà: Tết chỉ cần ‘giắt lưng’ vài món tủ thật đỉnh

Các ba mẹ ạ, đã qua thời đói ăn thiếu mặc rồi, đừng có theo nếp cũ nữa!

Mình ghét cảnh cứ Tết đến là chen chúc trong chợ và siêu thị tha đồ ăn về chất ngất trong tủ lạnh: Thịt kho trứng, canh khổ qua, canh bóng, canh măng, giò chả, dưa hành củ kiệu…

Thì ai cũng biết là Tết mà, mẹ nào cũng có chút lo, làm sao phải đủ đầy, để còn lấy hên cho cả năm. Nhưng...

Mình có một cô bạn không đảm đang, không mồm năm miệng mười, không tả xung hữu đột, không là nữ tướng trong nhà.

Trước khi cưới, nàng cũng đi học mấy khóa nữ công gia chánh ở Nhà Văn hóa Phụ nữ, nhưng rồi nàng thấy ngán quá, vì làm bếp không phải sở trường của mình, nàng ta quay sang học massage.

Lấy chồng, nàng không làm nhiều, mà chỉ tập trung vào vài ba món, nhưng rất xuất sắc. “Em thà để chồng làm bếp rồi em massage cho chồng có phải tốt hơn không?”.

Lần nào có khách, hoặc lễ tết, nàng lại tung món tủ ra. Thế là khách khứa, bố mẹ chồng tấm tắc hoài. Chồng còn hỉ hả quay phim up lên FB, youtube khoe.

Thỉnh thoảng bạn bè ngoại quốc tới ký hợp đồng, ông chồng cũng kéo về nhà cho vợ trổ tài. Chỉ có mình mình biết là sau đó chồng ẻm lại ngoan ngoan vào bếp hơn 300 ngày còn lại của mỗi năm, (nhưng tối tối lại được massage).

Chả tội gì phải đầu bù tóc rối cả, các mẹ ạ!

Công việc quan trọng nhất của người mẹ trong gia đình, là hãy hạnh phúc!

Không cần biết làm mọi món, nên lận lưng một vài món tủ thật đỉnh, để ai ăn cũng nhớ, nếu có màu sắc đẹp để chụp hình, up FB thì càng tuyệt.

Nhà báo Thu Hà:

Nhà báo Thu Hà: "Công việc quan trọng nhất của người mẹ trong gia đình là hãy hạnh phúc"

Chị Lê Thị Thanh Hằng – Nhân viên ngân hàng: Mỗi lần sắm một ít, chuẩn bị trước trong ngày thường để tết đỡ vất vả

Chuyện sắm tết

Mình không hiểu sao có cả tháng 12 âm lịch cho việc sắm tết mà thấy rất nhiều người tất bật, vất vả, chen chúc đến tận chiều ngày 30, với tóc tai bù xù, quần xắn móng lợn, tay xách nách mang, miệng thở phì phò, trĩu trịt với năm bảy túi đồ trên tay ạ? Đừng biện hộ là đi làm bận rộn, mọi thứ vất vả?

Đi làm thì có thứ 7, chủ nhật được nghỉ. Vẫn có những ngày đi chợ hay đi siêu thị mua đồ ăn, đồ dùng thông thường cho gia đình.

Sao không tranh thủ mua những thứ đồ khô để được lâu, mà cần dùng trong dịp tết trước đi ạ? Lên lịch mua những gì cho dịp tết (cái này dễ òm vì tết năm nào chẳng giống nhau và cũng phải dùng từng ấy thứ nguyên liệu), rồi tranh thủ những lần đi mua sắm thì mua trước đi, mỗi ngày một ít, “kiến tha lâu đầy tổ”.

Ví dụ như mua trước nấm hương, bóng bì, gạo nếp, đậu xanh, lạc, gấc quả có thể mua về nạo sạch bỏ lên ngăn đá (chất lượng không đổi – cái này học từ mẹ chồng), … Bánh kẹo, mứt tết, hoa quả sấy,… có thể mua trước 2 đến 3 tuần, sao hết hạn và hư được chứ nếu bảo quản tốt nơi khô thoáng? Ngày 29, 30 chỉ mua hoa quả, trái cây cúng, mâm ngũ quả, bánh chưng, hoa chưng tết, hoặc thịt cá để kho thôi ạ.

Năm ngày cuối năm có thể chia việc ra từng ngày, ghi vào giấy và cứ thế làm theo sẽ không bị sót và bị dồn hết vào 29, 30. Mà cũng phải nghĩ thoáng 1 chút, cả năm ăn ngon rồi, thời đại này có ai thiếu gì đâu, thận chí còn không dám ăn đấy chứ, tết nhất cũng không nên quá cầu kì, tuy nhiên quá đơn giản, xuề xòa cũng không được.

Chuẩn bị chu đáo mâm cơm cúng ông táo, và cúng giao thừa, chuẩn bị đĩa trái cây ngũ quả tươm tất, thế là ổn rồi.

Bây giờ siêu thị mở đủ 365 ngày, chợ thì chỉ nghỉ mỗi mùng 1, vậy mua làm gì nhiều, chất ngất trong tủ lạnh rồi ăn không hết thì héo, thiu, … phải nấu đi nấu lại nhiều lần hay thậm chí đổ bỏ, vậy là quá lãng phí, xong tết lại xúm lại nói chuyện than thở với nhau: “Tết vừa rồi tốn kém quá!”

Chuyện dọn dẹp tết

Một nguyên tắc là: “Nếu đã là người sống sạch sẽ thì quanh năm nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, tết chỉ là sắp xếp lại 1 chút cho nhà cửa trang trọng hơn thôi, còn phàm người bừa bộ dơ bẩn, thì có cố dọn vài ngày tết cho sạch, sau đó đâu lại vào đấy cũng không giải quyết được gì!”

Cái kiêng cữ của các cụ cũng có cái lí là tết đến xuân về nhà cửa cần tươm tất, đẹp đẽ, nhưng đó mới chỉ là 1 phần, sao không sạch sẽ cả năm để mình sống trong cái không gian vệ sinh ấy sẽ thấy tốt hơn.

Còn nếu không được như vậy cũng chẳng sao, miễn mình thấy ổn, miễn đừng cố hết sức cho mọi thứ phải bóng lộn trước giao thừa, để sau giao thừa là ngủ trong vật vã, là 3 ngày tết trong tình trạng mệt phờ râu.

Nếu có dọn mà chưa thật hoàn hảo 100%, thì cũng không nên cố, sau 3 ngày tết kiêng không dọn, thì sang mùng 4 dọn tiếp như những ngày trong năm cũng có sao đâu, miễn sao mình thấy thoải mái.

Chị Thanh Hằng đi sắm tết cùng con trai

Chị Thanh Hằng đi sắm tết cùng con trai

Chuyện chơi tết, hưởng thụ tết

Không quan trọng mình đón tết ở đâu, không quan trong tết có giống thiên hạ không, miễn sao mỗi cái tết qua đi, mình lại thấy đấy là khoảng thời gian ý nghĩa.

Nghỉ tết khác với các kì nghỉ lễ khác trong năm, về cả thời gian và nội dung sâu xa của nó. Bên cạnh việc tôn trọng truyền thống lâu đời, bảo tồn hoặc lưu giữ cho con cháu thì việc mình biến kì nghỉ này thành 1 niềm vui, niềm hạnh phúc, 1 trải nghiệm thú vị, ý nghĩa cũng xứng đáng cho kì nghỉ dài gần 10 ngày mỗi năm.

Không phải cứ về quê là vui nhất, hay đi du lịch là hay hơn? Cái này tùy suy nghĩ của mỗi người và vào mỗi năm cũng khác nhau.

Tuy nhiên đừng làm gì để tết biến thành nỗi khiếp sợ, ác mộng hay kì nghỉ mệt mỏi hơn cả ngày thường. Cái này không phải nói dễ làm dễ, không phải muốn mà được nhưng cố gắng cũng có thể sắp xếp ổn thôi.

Chuyện tiêu tiền tết

Cái này quan trọng vô cùng, mà có thể từ nãy đến giờ các chủ đề trên đã thấp thoáng bóng hình của nó. Nhiều người sẽ biện hộ cho việc mua hàng, mua đồ, sắm sanh nhà cửa cận tết là vì khi đó mới có tiền thưởng tết ở công ty, cơ quan, mới gom hết nợ, mọi thứ mới chảy về, …. Dạ, cái này mình đồng ý và không phản đối, thậm chí có nhiều người còn chẳng có thưởng.

Tuy nhiên mỗi tuần, mỗi ngày hay mỗi lần đi chợ/ siêu thị mua 1 vài gói bánh phồng tôm, 1 vài bịch bánh đa nem, hay 1 kg đậu xanh, gạo nếp, lạc, … cũng không chiếm nhiều tiền, hơn thế việc mua rải rác vừa đỡ nặng tiền hơn khi dồn mua mọi thứ vào cuối năm.

Đã lên kế hoặc rồi thì cứ thế mà nhặt dần dần thôi ạ. Còn chưa nói mua vào các dịp khuyến mãi của siêu thị hay vào ngày thường thì rẻ hơn mua cận tết.

Đó là việc chi tiêu cho các món đồ nhỏ, còn những vật dụng lớn trong nhà thì hoặc tiết kiệm cả năm theo lịch trình mỗi tháng, hoặc khi có một khoản thu nhập vượt trội nào đó, nếu đã có kế hoạch thì nên cân nhắc và tìm hiểu đợt sale để “quyết” luôn. 

le thi thu hang_2

Mọi việc mua sắm tết đều có thể chuẩn bị trước.

Đừng để cuối năm, cận tết đồng tiền nó kéo mình đi một cách khổ sở, tiêu tiền của mình mà có khi còn khổ hơn khi kiếm ra, vậy thì đừng tiêu.

Chị Thanh Hằng

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng: Đừng để mình quá mệt mỏi vì tết!

Sáng hôm qua có bạn nhắn tin kể chuyện chuẩn bị tết mà buồn cười quá. Bạn bảo chị ơi em sắp chết rồi, từ cả tuần nay em ngủ mỗi ngày khoảng 5-6 tiếng, suốt ngày chỉ có tết tết và tết.

Mình hỏi thế em làm thế em có vui không ? Bạn bảo em vui, nhưng em kiệt sức rồi.

Nhớ những cái tết ngày xưa, nghèo thật là nghèo nên chỉ đến sát tết mới chuẩn bị làm vài thứ. Chuyện giò chả, thịt thà là chuyện của đàn ông. Mình với chị gái mình chuyên gia rửa lá bánh, ngâm đậu đãi đậu vo gạo... đến khi gói bánh chưng cũng chỉ là chân loong toong.

Và đi đâu cũng vẫn nhớ cảnh luộc bánh chưng ban đêm, vui vẻ, đầm ấm cực kì.

Và mãi rồi vẫn luôn nhớ, chuyện mẹ mình nấu ngồi quấy chè kho vào đêm 30 tết cho kịp cúng sáng mùng một.

Và cũng vẫn nhớ, chuyện ngày xưa rất nghèo nên có khi đến đêm giao thừa mình vẫn còn ngồi dưới ánh đèn dầu tù mù khâu quần áo mới cho mấy đứa em còn rất bé kịp mặc ngày mùng một tết, vì tối lù mù, nên kim đâm thủng cả tay.

Và cũng nhớ, chuyện sáng mùng một luôn phải dậy từ tờ mờ sáng để cùng mẹ và chị gái chuẩn bị bữa cơm linh đình nhất trong năm, để bố ngủ dậy là có mâm cơm cúng bày lên bàn thờ rồi.

...Sau này lớn lên, có gia đình thì tết thay đổi hẳn. Mình trở thành nhân vật chủ đạo trong việc gói bánh chưng, chuẩn bị tết. Ôi phải nói là những ngày đầu thấy rất sợ.

Nhớ cái tết đầu tiên khi có gia đình, cả đám anh chị em ở nhà chồng cùng nhau ngồi gói bánh chưng, đứa nào cũng trổ tài một cách vụng về mà cuối cùng cũng có nồi bánh chưng tết rất đáng nhớ.

Rồi có con, thì mình luôn luôn tự nhủ là tết nào cũng sẽ làm cho con vui vẻ, được tận hưởng tuổi thơ.

Mình đi làm bận rộn, đầu óc lại hay nghĩ chuyện nọ chuyện kia nên mình phải sắp xếp cẩn thận lắm để khỏi bị chết vì tết.

Bác sĩ Thu Hằng:

Bác sĩ Thu Hằng: "Mong cho tết mọi người đều được vui vẻ, có ít có nhiều đều vui!"

1- Trước tết khoảng 1 tháng là ghi vào cuốn sổ hay ghi chép những việc cần làm, những đồ cần mua, sách truyện cho trẻ con, đồ mừng tuổi... đồ ăn nào có thể mua trước, cái nào đến cuối mới mua.

2- Nguyên tắc luôn tổ chức tết đơn giản nhất có thể được, đừng có mua dây buộc mình xong rồi lại cằn nhằn kêu ca.

3- Món nào chuẩn bị được trước là đều chuẩn bị, món thì để tủ lạnh, món để tủ đông đá...

4- Đồ gì thích làm và có thời gian thì làm, nếu không có thời gian và ít năng khiếu thì mua béng cho xong

5- Lôi kéo cả nhà tham gia chuẩn bị

6- Vẫn luôn dành thời gian cho con đầy đủ

7- Sau này ở xa, thư chúc tết mình cũng viết sẵn vào lúc rảnh rỗi, đến ngày cuối đọc lại, thêm bớt tý rồi gửi thôi.

...

Và từ ngày còn ở Việt Nam đến bây giờ, tết đối với mình luôn là một dịp vui vẻ, sống quây quần gia đình. Là dịp gặp gỡ bạn bè, mời vài người bạn thân ăn một bữa cơm...

Mình chỉ mong tất cả đều được vui vẻ, có ít có nhiều, đều vui vẻ. Đừng ai phải kêu em sắp chết rồi nữa nha!

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO